Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư là những phẩm chất đạo đức căn bản của người cách mạng, là yêu cầu tất yếu mà mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và thường xuyên rèn luyện để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Để tăng cường công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngày 16/01/2025, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tuyên truyền sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những phẩm chất quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tính cấp thiết của việc giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Gắn chặt công tác giáo dục cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thực hiện đồng bộ 4 chủ trương lớn: (1) Đẩy mạnh giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để “không muốn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; (2) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, hạn chế, hoàn thiện thể chế chặt chẽ để “không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; (3) Xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ để “không dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; (4) Nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để “không cần tham nhũng, tiêu cực”.

Hai là, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải nêu gương về học tập và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới, nhất làvề cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Tâm huyết, trách nhiệm, mẫn cán, tận tụy với công việc được giao; tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí; giữ mình trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; trung thực, ngay thẳng, công tâm, khách quan; nghiêm túc, gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử đạo đức công vụ nghề nghiệp; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh; thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm và quy định về nêu gương; trọng liêm sỉ, danh dự, chủ động nhận trách nhiệm khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực; tích cực tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân. Thường xuyên thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Ba là, đổi mới, hoàn thiện nội dung, hình thức, phương pháp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư phù hợp với từng đối tượng; bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho lực lượng báo cáo viên, giảng viên, giáo viên giảng dạy. Đưa nội dung đạo đức cách mạng nói chung, nội dung cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói riêng thành một trong những chương trình chính trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, trong bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện, trường học trong Quân đội, Công an, trường chính trị các địa phương, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp. Tăng cường thời lượng, biên soạn lại nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư gắn với đảm bảo trung thực trong giáo dục, chống bệnh thành tích, phù hợp với từng cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đưa nội dung giáo dục, học tập và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thành chuyên đề sinh hoạt bắt buộc của chi bộ, là nội dung kiểm điểm trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy định kỳ và là tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hàng năm. Xây dựng nội dung tăng cường giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính cho đội ngũ doanh nhân và các thành phần khác trong xã hội.

Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn xã hội về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của văn học, nghệ thuật trong giáo dục con người hướng tới chân, thiện, mỹ và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, chú trọng giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Năm là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật cùa Nhà nước, quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để thực hiện.

Bổ sung, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục liêm chính, hướng tới xây dựng xã hội liêm chính, quốc gia liêm chính với lộ trình phù hợp, góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Thực hiện giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cả khu vực công và khu vực tư với nội dung và phạm vi phù hợp. Tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho thế hệ trẻ.

Kế thừa, phát huy những hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức có hiệu quả trong truyền thống lịch sử dân tộc. Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm hay về giáo dục cần, kiệm, liêm chính, phòng, chống tham nhũng của các nước, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Sáu là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; giữa trung ương và địa phương; giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội; chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong công tác giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Bảy là, bố trí nguồn lực hợp lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong các cơ sở giáo dục đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi và đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn học, nghệ thuật để góp phần giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tám là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thiên Hương

(Theo: Ban Chấp hành Trung ương: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16 tháng 1 năm 2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư).