Trong bối cảnh giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, âm nhạc trẻ Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng chuyển mình đầy năng lượng. Trong làn sóng ấy, nhiều nghệ sĩ trẻ chủ động tìm về cội nguồn dân tộc như một điểm tựa sáng tạo, nơi họ có thể khai thác những giá trị truyền thống để định hình ngôn ngữ nghệ thuật mới. Đây không chỉ là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mà còn là cách nghệ sĩ thể hiện tinh thần Việt Nam trong hành trình đối thoại với thế giới.
"Bắc Bling" của nữ ca sĩ Hòa Minzy đã trở thành hiện tượng của năm 2025. Ảnh: tapchimythuat.vn
Bản sắc dân tộc – mạch nguồn nghệ thuật đa tầng
Bản sắc văn hóa dân tộc là kho tàng nghệ thuật phong phú, chất chứa nhiều lớp giá trị tích tụ qua thời gian – từ những truyền thống lâu đời đến những sáng tạo mới mang hơi thở đương đại. Trong âm nhạc, bản sắc ấy hiện lên qua hệ thống giai âm ngũ cung đặc trưng, những làn điệu dân ca ba miền (từ quan họ, ca trù, chèo… ở Bắc bộ đến các điệu ví, dặm, bài chòi ở Trung bộ và cải lương, hò… ở Nam bộ) phản ánh chiều sâu tâm hồn, đời sống và thế giới quan của người Việt. Các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo trúc... không chỉ tạo nên âm thanh đặc hữu mà còn là biểu tượng cho tinh hoa văn hóa và kỹ thuật dân gian. Không dừng lại ở âm thanh, bản sắc dân tộc còn được tái hiện qua hình tượng văn hóa như trang phục cổ truyền, truyền thuyết dân gian, lễ hội, phong tục tập quán, di tích, … - tất cả đều là nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ trong việc sáng tạo ca từ, hình ảnh sân khấu và phong cách biểu diễn mang đậm dấu ấn Việt. Chính sự đan xen, kế thừa và cách tân ấy đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật đa tầng – nơi các giá trị truyền thống không ngừng được làm mới, được tái hiện trong những hình thức hiện đại, phù hợp với thẩm mỹ đương đại, như việc phối hợp dân ca với nhạc điện tử, hay đưa nhạc cụ dân tộc vào pop, rap để tạo ra tác phẩm vừa mới mẻ, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng trẻ, vừa giàu bản sắc.
Nghệ sĩ trẻ - hồi cố để cách tân
Không ít nghệ sĩ trẻ đang tìm về cội nguồn dân tộc như một điểm tựa cho sự tìm tòi, bứt phá, cách tân nghệ thuật. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật mang đậm chất dân gian kết hợp âm nhạc điện tử trong các sản phẩm như Để Mị nói cho mà nghe, See Tình hay Gieo Quẻ,... Những MV này không chỉ nổi bật về mặt âm thanh mà còn được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, trang phục và ngôn ngữ văn hóa. Double2T lại gây ấn tượng khi đưa âm hưởng dân tộc miền núi Tây Bắc vào rap qua ca khúc À Lôi, thể hiện sự khéo léo trong sử dụng tiết tấu, cách gieo vần và ngôn ngữ mang bản sắc vùng miền.
Ca sĩ Hòa Minzy cũng cho thấy chiều sâu văn hóa trong các MV như Không thể cùng nhau suốt kiếp, tái hiện không gian cung đình triều Nguyễn qua giai điệu ballad nhẹ nhàng, hay Bắc Bling, nơi dân ca quan họ hòa quyện cùng hình ảnh tranh Đông Hồ, chùa Dâu, đền Đô,… Có thể nói, MV Bắc Bling đã đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và di sản, góp phần lan tỏa văn hóa Kinh Bắc tới triệu triệu công chúng trong và ngoài nước. Đáng chú ý, MV này không chỉ đạt thành tích 200 triệu lượt xem trên nền tảng YouTube nhanh nhất trong lịch sử Vpop mà còn được Thủ tướng Chính phủ, chính quyền tỉnh Bắc Ninh khen ngợi vì đóng góp tích cực cho việc quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.
Một trường hợp đáng chú ý khác là nghệ sĩ trẻ Đinh Khánh Ly, người đã theo đuổi con đường âm nhạc kết hợp bản sắc dân tộc một cách nhất quán và sáng tạo. Các album của cô như Tinh hoa đạo học, Sử Đá lưu danh hay các bản phối lại dân ca Bắc Bộ bằng kỹ thuật thanh nhạc hiện đại đều cho thấy sự nghiên cứu nghiêm túc về chất liệu truyền thống. Đinh Khánh Ly không chỉ mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ mà còn góp phần định hình một phong cách biểu diễn độc đáo, dung hòa giữa kỹ thuật hiện đại và tinh thần dân tộc.
Ngoài ra, các nghệ sĩ indie (nghệ sĩ hoạt động độc lập tự sáng tác, phối khí và thu âm ca khúc, không thuộc quyền quản lý của bất cứ một công ty giải trí nào) như Ngọt, Vũ, Lê Cát Trọng Lý hay Vũ Thanh Vân… cũng đang tâm huyết tái sinh truyền thống bằng cách đưa ca dao, hát ru vào giai điệu guitar hiện đại, tạo nên không gian âm nhạc trữ tình, sâu lắng và thấm đẫm bản sắc Việt.
Tái sinh truyền thống trong không gian đương đại
Việc đưa yếu tố văn hóa dân tộc vào âm nhạc không chỉ mở rộng biên độ sáng tạo mà còn tác động tích cực đến cách người trẻ nhận diện và tương tác với truyền thống. Thay vì chỉ tiếp nhận truyền thống như một di sản tĩnh, nghệ sĩ trẻ biến nó thành một dòng chảy sống động, có thể thích ứng và cộng hưởng với đời sống hiện đại. Khi dân ca được phối khí trên nền nhạc điện tử hay hip-hop, đó không chỉ là lựa chọn thẩm mỹ mà còn là hành động văn hóa – khơi gợi đối thoại giữa các thế hệ và tái hiện bản sắc trong hình thức nghệ thuật mới.
Trong môi trường truyền thông số và nền công nghiệp âm nhạc hiện đại, bản sắc dân tộc không còn là yếu tố mang tính phụ họa mà trở thành cấu trúc định hình phong cách, thị hiếu và xu hướng sáng tạo. Quá trình này giúp các nghệ sĩ khẳng định cá tính nghệ thuật riêng, đồng thời đưa khán giả trẻ đến gần hơn với truyền thống – theo một cách cá nhân hóa, linh hoạt và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.
Đó cũng là cách âm nhạc Việt hiện thực hóa chiến lược "quốc tế hóa bản sắc văn hóa Việt Nam" – đưa các giá trị truyền thống lan tỏa trên bản đồ nghệ thuật thế giới – và đồng thời "Việt Nam hóa tinh hoa văn hóa thế giới" – tức là tiếp nhận tinh hoa quốc tế nhưng trên nền bản sắc riêng, đầy tự tin và bản lĩnh[1].
Những thách thức không thể xem nhẹ
Tuy nhiên, việc khai thác chất liệu truyền thống không phải lúc nào cũng mang lại giá trị tích cực. Một trong những nguy cơ thường gặp là sự hời hợt trong tiếp cận, khi yếu tố dân tộc chỉ được dùng như một “món trang trí” mang tính thời thượng thay vì nền tảng tư duy nghệ thuật. Điều này có thể dẫn tới sự sáo rỗng hoặc thậm chí làm sai lệch ý nghĩa văn hóa.
Ngoài ra, việc vay mượn mô-típ dân gian mà thiếu đi những tri thức nền tảng có thể gây ra hiện tượng chiếm dụng văn hóa. Các nghệ sĩ trẻ đang đứng trước bài toán khó: làm sao để vừa sáng tạo, vừa trung thành với di sản trong một môi trường nghệ thuật ngày càng bị yếu tố thương mại chi phối. Cuối cùng, còn là vấn đề tiếp nhận từ công chúng. Không phải lúc nào người nghe cũng có đủ kiến thức hoặc thiện chí để hiểu được dụng ý văn hóa đằng sau tác phẩm. Do đó, nghệ sĩ không chỉ sáng tạo mà còn phải trở thành người kể chuyện, người kết nối – vai trò không thể thiếu trong hành trình làm sống lại bản sắc dân tộc giữa thời đại mới như chia sẻ của nghệ sĩ trẻ Đinh Khánh Ly: “Cách tân không phải để chạy theo thị hiếu, mà là tìm cách kể lại câu chuyện truyền thống theo ngôn ngữ hiện đại, để người trẻ dễ tiếp nhận hơn”[2].
Việc phát triển âm nhạc trẻ từ chất liệu truyền thống không chỉ là lựa chọn thẩm mỹ mà còn là cách kết nối giữa các chiều không gian văn hóa – quá khứ, hiện tại và tương lai. Hành trình làm mới bản sắc không dừng lại ở sự kết hợp bề mặt, mà đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, thái độ tôn trọng và năng lực sáng tạo của những người nghệ sĩ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những nỗ lực tiếp biến và phục dựng di sản của nghệ sĩ trẻ chính là tiếng nói bản lĩnh, làm phong phú thêm diện mạo âm nhạc Việt Nam đương đại và góp phần khẳng định vị thế nền văn hóa dân tộc trong bức tranh toàn cầu.
[1] https://baovanhoa.vn/chinh-tri/quoc-te-hoa-van-hoa-ban-sac-van-hoa-cua-viet-nam-viet-nam-hoa-tinh-hoa-van-hoa-the-gioi-118618.html, truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2025.
[2] https://plo.vn/nhac-si-dinh-khanh-ly-thoi-hon-viet-vao-nhip-dap-duong-dai-post851042.html, truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2025