Ai đó đã từng nói: “Phía sau một vĩ nhân là bóng dáng thầm lặng của người mẹ.” Với Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam – bóng dáng ấy mang tên Hoàng Thị Loan. Không chỉ là người sinh thành, mẹ Hoàng Thị Loan còn là người gieo những hạt mầm đầu tiên của trí tuệ, đạo đức và ý chí vào tâm hồn Người. Trong những ngày tháng Năm đầy xúc động, kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác (19/5/1890 – 19/5/2025), chúng ta thành kính tưởng nhớ Người và tri ân sâu sắc đến người mẹ vĩ đại – người thầy đầu tiên trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà tranh tuổi ấu thơ của Bác Hồ ở Kim Liên – Nghệ An (Ảnh: Internet)

Người phụ nữ Việt Nam mẫu mực và giàu trí tuệ

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868 tại xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xóm Trù 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), là con gái của cụ Hoàng Đường – một nhà nho yêu nước, đức độ, nổi tiếng thanh liêm, trọng nghĩa. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Kép, nổi tiếng với nghề xe tơ, dệt lụa và sự chăm chỉ. Từ nhỏ, bà Loan được cha mẹ chăm chút dạy dỗ trong nề nếp gia phong, nhưng tiến bộ, không chỉ được học chữ thánh hiền, thơ văn, thêu thùa mà còn về các giá trị đạo đức như lòng nhân ái, vị tha, trọng nghĩa tình, đức thủy chung và tinh thần vượt khó. Lại sống trong vùng quê giàu truyền thống văn hóa xứ Nghệ - nơi có dòng sông Lam thơ mộng nên những điệu hò, câu ví, câu Kiều đến những lời ru ngọt ngào, đậm chất quê hương được bà sớm tiếp thu, am hiểu và thấm đẫm trong lòng. Những điều này góp phần tạo nên một người con gái hiền thục mà trí tuệ, sâu sắc mà khiêm nhường – đó chính là bà Hoàng Thị Loan. 

Năm 1883, bà Hoàng Thị Loan kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc, một học trò nghèo ham học, mồ côi cả cha lẫn mẹ được cụ Hoàng Xuân Đường nhận nuôi từ nhỏ. Từ đây, bà đã cùng chồng trải qua những năm tháng gian truân, nghèo khó nhưng đầy tình nghĩa và sự sẻ chia. Dưới mái nhà tranh đơn sơ, bà vừa làm ruộng, vừa dệt vải, nuôi dạy các con và hỗ trợ chồng học hành. Bà trở thành chỗ dựa vững chắc cho chồng, gánh vác mọi công việc gia đình để ông có thể chuyên tâm dùi mài kinh sử, ông Nguyễn Sinh Sắc được học tập trong sự động viên, khuyến khích và tình yêu, sự giúp đỡ hết lòng của vợ mình nên dù cuộc sống nghèo khổ ông vẫn gắng lòng cho sự nghiệp học hành. Có thể cảm nhận được rằng, cuộc hôn nhân giữa bà Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc là một sự kết hợp không chỉ của tình yêu mà còn của lý tưởng, trí tuệ và lòng kiên cường khi người vợ đó nhận thấy tư chất thông minh, chịu thương chịu khó và thấu hiểu được tâm tư chồng mình quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để mong đem tài đức phụng sự quê hương. Chính tình yêu, sự đảm đang, tháo vát và sự hy sinh thầm lặng cho gia đình của bà Hoàng Thị Loan là nguồn động viên lớn lao, cơ sở vững chắc trên con đường cử nghiệp của ông. Hoàng Thị Loan là người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc bởi phẩm chất cao đẹp và lòng nhân ái.

Người gieo ánh sáng đầu tiên cho nhân cách Bác Hồ

Ông bà ta thường nói, người mẹ là người thầy đầu tiên của mỗi con người, với Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vĩ nhân, anh hùng kiệt xuất của dân tộc, điều ấy lại càng đúng hơn bao giờ hết. Bà Hoàng Thị Loan Không chỉ mang công lao sinh thành, dưỡng dục mà còn chính là người đặt những viên gạch nền móng đầu tiên, âm thầm, bền bỉ xây nên nhân cách và tâm hồn của Bác. Người mẹ tảo tần của làng quê xứ Nghệ sinh được bốn người con: Nguyễn Thị Thanh (1884–1954), Nguyễn Sinh Khiêm (1888–1950), Nguyễn Sinh Cung (1890–1969, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Nhuận (1900–1901). Trong ngôi nhà tranh ba gian đơn sơ ấy, là bao dấu ấn ghi đậm những tháng ngày vất vả nhưng đầm ấm, hạnh phúc của gia đình bà. Ban ngày mẹ Bác không quản ngại khó khăn, vất vả, một nắng hai sương lao động ngoài đồng ruộng; tối đến lại miệt mài ngồi bên khung cửi, vừa dệt vải, vừa chăm con để chồng yên tâm học hành. Với tấm lòng nhân hậu của một người mẹ, bà đã truyền dạy cho các con những bài học đầu tiên về đạo lý làm người, lòng yêu nước và tinh thần nhân ái, sự ngay thẳng, đức khiêm nhường, tinh thần vượt khó và tình yêu bao la đối với con người, quê hương.

Từ những ngày tháng ấu thơ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã lớn lên trong vòng tay lam lũ mà ấm áp, trong lời hát ru ngọt ngào mà thiết tha của mẹ, trong mâm cơm dưa cà bình dị mẹ nấu. Tất cả đã nuôi dưỡng tâm hồn và khơi dậy lên tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt, yêu lao động, quý trọng con người trong lòng cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Đến khi mẹ mất, năm 1901, do những năm tháng lao lực vì bệnh tật và đói nghèo, cái chết của mẹ là cú sốc, là sự mất mát và nỗi đau rất lớn trong cuộc đời tuổi thơ của Bác Hồ, để trái tim non nớt 11 tuổi ấy của một cậu bé mất mẹ phải học cách lớn lên giữa những khoảng trống không thể lấp đầy. Nhiều năm sau, khi đã là Chủ tịch nước, hình bóng người mẹ sớm chiều vẫn luôn hiện hữu, Bác Hồ vẫn nhớ thương mẹ khôn nguôi đến nghẹn lòng. Chính cuộc đời của mẹ mình – một cuộc đời tảo tần, hy sinh đã ươm mầm cho tâm hồn rộng lớn, giàu lòng yêu nước và thương dân vô bờ bến của chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng về sau.

Một lần nữa, có thể khẳng định rằng, khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người được cả thế giới ngưỡng mộ không chỉ vì tầm vóc trí tuệ, bản lĩnh chính trị mà còn bởi một nhân cách trọn vẹn, mẫu mực, chan chứa tình yêu thương con người. Và trong hành trình hình thành nên nhân cách cao quý ấy, không thể không nhắc đến người mẹ kính yêu – bà Hoàng Thị Loan, người đã âm thầm gieo những hạt giống đầu tiên của đạo lý, của lòng nhân hậu, của trí tuệ và khát vọng sống cao đẹp vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở thiếu thời. Hôm nay, hòa chung trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, khi nhắc đến Bác, chung ta xin được cúi đầu tri ân người mẹ vĩ đại ấy. Bởi từ một mái nhà nhỏ ở làng quê Kim Liên, từ những mũi kim thêu áo, từ lời ru của mẹ, ánh sáng đã được thắp lên – và từ đó, một nhân cách vĩ đại ra đời…