Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca về lòng yêu nước, thương dân. Người dành trọn trái tim và trí tuệ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Trong “muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”[1], Bác luôn dành một tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu nhi.

Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng . Ảnh: Tư liệu.

Với Bác, trẻ em là những búp non tươi tốt, là tương lai của đất nước, là niềm tin, là ánh sáng giữa những tháng năm kháng chiến gian lao. Người dành cho các em những nụ cười ấm áp, những sự chăm sóc chu đáo, những lời dạy ân tình. Từ một viên kẹo nhỏ, một quả táo đến những bức thư Người viết riêng gửi các cháu, … đều chan chứa yêu thương. Và cũng chính vì thế, trong lòng các em – từ những cháu từng được gặp Bác, đến những thế hệ chỉ biết Bác qua lời kể, trang sách, nét vẽ – hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn hiện diện: đáng kính mà vô cùng gần gũi, ấm áp.

Trẻ thơ trong tim Bác

Trong sâu thẳm trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiếu nhi luôn có một chỗ đứng đặc biệt. Không chỉ vì các em là tương lai của đất nước, mà còn bởi ở các em, Bác nhìn thấy điều đẹp đẽ nhất của con người: sự hồn nhiên, trong sáng và niềm tin vào cái tốt, cái thiện. Chính bởi vậy, khi được báo cáo là bên cạnh các cháu thiếu nhi ngoan ngoãn, còn có những trẻ em hư, Bác không đồng ý gọi là “trẻ em hư”, mà Bác sửa thành trẻ em “chậm tiến bộ”[2]. Bác nhắc nhở người lớn (trước hết là bố mẹ, thầy, cô giáo, Đoàn thanh niên) phải yêu thương, chăm sóc, bảo ban các em để các em tiến bộ. Người dặn dò rất tỉ mỉ: “Yêu quý các em, chúng ta phải lấy tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em “5 điều yêu”: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quý của công. Chúng ta phải khéo nuôi dạy, giúp cho nhi đồng phát triển sức khỏe và trí óc, thành những trẻ em có “4 tính tốt”: hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà”[3]. Trẻ em phải được giáo dục, hướng dẫn để phát triển đúng với lứa tuổi của mình. Người nhấn mạnh việc bảo ban, giáo dục phải khơi dậy được tính hăng hái, sự sáng tạo của thiếu niên, nhi đồng, đồng thời giữ được sự hồn nhiên, trong sáng. “Người lớn không nên cái gì cũng can thiệp, việc gì cũng bao biện; không nên gò ép, bó buộc; không nên làm cho các em câu nệ, khúm núm, thành những “nhi đồng già””[4].

Ngay từ những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, giữa bộn bề công việc của một người đứng đầu đất nước, Bác vẫn luôn dành những khoảng lặng cho thiếu nhi. Những buổi gặp mặt học sinh, những lần Bác ngồi trò chuyện, tặng quà, dặn dò các cháu… đều được Người nâng niu như những dịp quý giá để nuôi dưỡng tình yêu thương, niềm hy vọng cho tương lai. Trung thu năm nào Bác cũng dành thời gian để làm thơ hoặc viết thư gửi tặng, động viên các cháu thiếu niên nhi đồng. Trung thu năm 1954, Trung thu hòa bình đầu tiên sau 9 năm trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác gửi thư cho các cháu: “Trung thu trăng đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Nam và miền Bắc[5]. Với Bác, từng bức thư gửi thiếu nhi đều là một bài học làm người. Từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt dành cho các em đều thấm đẫm sự trìu mến và mong mỏi sâu xa về một thế hệ tương lai khỏe mạnh, ngoan ngoãn, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh.

Mỗi khi có dịp gặp các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác thường ân cần hỏi han về tình hình học tập, về gia đình của từng em. Những buổi gặp gỡ đó không có khoảng cách, thân mật, vui vẻ, gần gũi giống như bầu không khí trong gia đình, người ông hiền từ ân cần hỏi chuyện các cháu. Một trong những hiện vật rất đặc biệt còn được lưu giữ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch là chiếc thùng tôn hình trụ vuông mà theo những người thân cận Bác kể lại là Bác dùng để đựng kẹo tiếp khách, nhất là khách thiếu nhi[6].

Trẻ thơ luôn thường trực trong suy nghĩ, tình cảm của Bác. Vì vậy, dù bận trăm công nghìn việc, Bác cũng không bao giờ quên các em. Khi thiết kế ngôi nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch, Bác yêu cầu thiết kế một hàng ghế xi măng bao quanh để lấy chỗ ngồi cho các cháu thiếu nhi đến chơi[7].

Tình yêu ấy không dừng lại ở biên giới Tổ quốc. Khi thiếu nhi quốc tế đến thăm Việt Nam, Bác luôn thân mật tiếp đón, trò chuyện và chia sẻ niềm vui với các em như chính cháu ruột trong nhà. Hình ảnh Bác Hồ tươi cười đón các cháu nhỏ Liên Xô, Cuba, Lào… không chỉ là tư liệu lịch sử, mà là minh chứng sống động về tình cảm quốc tế chân thành bắt nguồn từ lòng yêu trẻ.

Tình yêu đó, giản dị mà sâu sắc, đã trở thành một phần máu thịt trong đạo lý của người Việt. Và chính nhờ tình yêu bao dung ấy, Người đã gieo vào lòng thiếu nhi Việt Nam và cả thiếu nhi thế giới về hình ảnh một lãnh tụ rất khác: không xa cách, không khuôn mẫu, mà gần gũi, chan chứa yêu thương như ánh mắt của một người ông nhân hậu.

Bác Hồ trong mắt trẻ thơ

Tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu nhi sâu nặng bao nhiêu, thì tình cảm của thiếu nhi dành cho Bác cũng đằm thắm bấy nhiêu. Điều kỳ lạ là: dù tuổi thơ vốn vô tư, hồn nhiên, nhưng trong trái tim những em bé Việt Nam và cả nhiều em nhỏ trên thế giới, hình ảnh Bác Hồ lại in đậm một cách tự nhiên, không gượng ép, không cần ai nhắc nhở.

Đó không chỉ là sự “biết ơn” do người lớn dạy bảo, mà là một tình yêu bản năng, xuất phát từ sự đồng cảm trẻ thơ dành cho một con người chân thành, gần gũi. Trẻ em cảm nhận tình thương không qua lý luận mà qua ánh mắt, nụ cười và sự ân cần. Chính điều đó khiến Bác Hồ, dù là lãnh tụ quốc gia, dù đã đi xa hơn nửa thế kỷ vẫn luôn hiện diện sống động trong tâm trí các em nhỏ, như một người ông, người bạn lớn thân thiết.

Trong cảm nhận của thiếu nhi, Bác là người rất thật, rất gần. Không ít em nhỏ từng ví Bác với ông nội, ông ngoại – với mái tóc bạc, giọng nói hiền từ, nụ cười ấm áp. Bác Hồ trong mắt trẻ thơ không phải là nhân vật trên tượng đài, mà là một con người hết sức thân thuộc, Người bước vào đời sống hằng ngày của các em qua lời kể, bài thơ, bức tranh, thước phim hết sức dung dị. Trong tâm trí lớp lớp thiếu nhi Việt Nam, khi nhớ tới Bác là nhớ tới hình ảnh Bác đang chia kẹo cho các em, là Bác bế em bé, là Bác bắt nhịp cho các cháu hát bài ca kết đoàn, …

Ngày 7/2/1968, Bác Hồ sang thăm Ấn Độ, trẻ em Ấn Độ hô vang “Bác Hồ, Bác Hồ”. Thủ tướng Nêru ngồi bên cạnh Bác nói vui: “Ngài là đối thủ đáng yêu của tôi, vì được các em gọi là Bác”[8]. Vì ở Ấn Độ, các em thiếu nhi gọi ngài Nêru là Bác và Bác Hồ là người thứ hai được các em gọi là Bác. Các nhà báo tường thuật lại không khí ngày hôm đó vô cùng vui vẻ. Các em thiếu nhi Ấn Độ ùa lên tặng hoa cho Bác, có em tặng Bác 2 cái kẹo, có em thiếu nhi mù được Bác bế lên, sờ râu, sờ má rồi ôm chặt Bác một cách âu yếm.

Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới lại trở thành hình ảnh gần gũi trong tâm trí trẻ em như vậy. Không phải bằng quyền uy, cũng không bằng tuyên truyền, mà bằng chính tình yêu thương chân thật. Đó là mối gắn bó không cần lý giải, không cần dẫn chứng – bởi tình cảm, một khi được trao đi bằng trái tim chân thành, thì tự khắc sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc trong trái tim người khác, kể cả với trẻ thơ.

Giữ lửa yêu thương

Tình cảm giữa Bác Hồ và thiếu nhi là mối dây liên kết đặc biệt – không chỉ mang giá trị biểu tượng, mà còn là cội nguồn cho nhiều hành động thiết thực hôm nay. Khi nhìn lại những gì Bác để lại cho thế hệ trẻ – từ lời dạy giản dị đến tầm nhìn xa rộng về giáo dục con người – chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm tiếp nối tình yêu ấy, bằng hành động cụ thể trong hiện tại.

Bác từng nói: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan.” Câu nói ấy gửi gắm một thông điệp căn bản: chăm sóc, giáo dục thiếu nhi là nhiệm vụ hàng đầu của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đó không chỉ là quyền lợi của các em, mà còn là nền móng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày nay, giữa nhịp sống hiện đại và guồng quay công nghệ, việc giữ gìn sự hồn nhiên, nhân hậu trong trẻ thơ, cũng như nuôi dưỡng lý tưởng, đạo đức từ thuở nhỏ, lại càng cần được quan tâm đúng mức. Một câu chuyện kể về Bác, một bức tranh thiếu nhi vẽ Bác, một buổi sinh hoạt chủ đề “Nhớ ơn Bác Hồ”, … – những điều tưởng như nhỏ nhặt, nhưng chính là hạt giống của lòng biết ơn, của lý tưởng sống vì người khác được gieo vào tâm hồn trẻ.

Tình cảm không thể áp đặt, nhưng có thể khơi gợi. Tình yêu với Bác – nếu được nuôi dưỡng đúng cách – sẽ không dừng lại ở sự tôn kính mà sẽ chuyển hóa thành hành động cụ thể: chăm học, biết chia sẻ, sống tử tế, biết nghĩ cho người khác, biết yêu đất nước bằng việc làm nhỏ mỗi ngày. Đó chính là cách thiết thực nhất để trẻ thơ hôm nay viết tiếp tình cảm thiêng liêng với Bác mà thế hệ đi trước đã từng tiếp nhận và gửi trao.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày Bác đi xa, nhưng ánh sáng trong trái tim Người vẫn luôn soi đường cho những thế hệ lớn lên sau này. Mỗi em bé biết yêu thương, biết sống đẹp, là một “cành sen bé nhỏ” mà Người từng ao ước. Và khi tình cảm được trao đi bằng sự chân thành, thì thời gian không thể làm nó phai nhạt – bởi tình yêu, cũng như tuổi thơ, luôn có cách để ở lại mãi trong lòng người.

Tình cảm giữa Bác Hồ và thiếu nhi là một trong những nét đẹp nhân văn nhất trong cuộc đời và di sản tư tưởng của Người. Đó không chỉ là mối quan hệ giữa một vị lãnh tụ và thế hệ tương lai, mà còn là sự kết nối tự nhiên giữa một trái tim lớn và những trái tim trong trẻo, thơ ngây. Tình cảm ấy như một dòng suối trong mát giữa lòng dân tộc, luôn chảy mãi.

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Tập 9, Hà Nội.
  2. Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2010), Mỗi câu chuyện nhỏ, một bài học lớn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Tuệ Minh (2023), Học Bác lòng ta trong sáng hơn, Nxb Văn học, Hà Nội.
  4. https://baotanghochiminh.vn/doi-thu-dang-yeu.htm
 

[1] Tên một bài thơ của nhà thơ Việt Phương viết về Bác Hồ năm 1969.

[2] Tuệ Minh (2023), Học Bác lòng ta trong sáng hơn, Nxb Văn học, Hà Nội, trang 69.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Tập 9, Hà Nội, trang 500.

[4] Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 9, trang 500.

[5] Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 9, trang 52.

[6] Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2010), Mỗi câu chuyện nhỏ, một bài học lớn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 233.

[7] Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2010), Sđd, trang 176.