Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử Nghĩa Trủng Hòa Vang của chính quyền phường Khuê Trung đã và đang thể hiện sự kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa đồng thời cũng là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống như Hội làng Khuê Trung, Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng có vai trò quan trọng nhằm bảo lưu, tạo sức sống bền vững cho văn hóa.
Khu di tích Nghĩa Trủng Hòa Vang. Ảnh: Internet
Giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn phường Khuê Trung
Có thể nói Cẩm Lệ có sự đa dạng về văn hóa, nhìn về góc độ giao lưu văn hóa Việt – Chăm thì Cẩm Lệ là địa phương còn lưu rõ nét dấu ấn văn hóa Chăm, Chăm Phong Lệ ở Hòa Thọ Đông là điển hình cho các di tích khảo khổ, Miếu Bà Chăm, Giếng cổ Chăm ở Khuê Trung …Thêm nữa là các đình làng được hình thành trong quá trình Nam tiến mở cõi, khẩn đất lập làng của lưu dân Cẩm Lệ xưa, cũng là nơi thờ tự các bậc tiền hiền, hậu hiền của các làng. Nhắc đến di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn Khuê Trung người ta nghĩ ngay đến khu Di tích Nghĩa Trủng Hòa Vang được Bộ Văn hóa Thể thao công nhận năm 1999. Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia có diện tích khoảng 4.000 m2 là một quần thể di tích văn hóa gồm phế tích tháp Hóa Quê, Miếu Bà, giếng Cổ Chăm, Nhà thờ chư phái tộc gồm các vị tiền hiền lập làng Hóa Quê thế kỷ XV và khu Nghĩa Trủng là nơi yên nghỉ của 3 vị tướng và hơn 1.000 nghĩa sĩ đã hi sinh trong buổi đầu chống thực dân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược 1858 – 1860. Từ khi được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia đến nay, Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành các cấp và nhân dân phường Khuê Trung đã luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, hiện nay vẫn giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa; hằng năm nhân dân phường nhà đều tham gia đóng góp để chăm sóc, bảo vệ di tích; tổ chức các lễ hội làng Khuê Trung và giỗ Tiền Hiền, cúng Miếu Bà, tưởng niệm các Nghĩa sĩ.
Theo Luật Di sản văn hóa năm 2002 (sửa đổi, bổ sung 2009), di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống (bác học và dân gian), văn hoá cách mạng, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại” theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương thực chất là sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để tác động đến đối tượng bị quản lý nhằm để bảo tồn lâu dài các yếu tố cấu thành di sản văn hóa đồng thời phát huy giá trị phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Hiệu quả của quản lý văn hóa địa phương phụ thuộc đầu tiên là công cụ quản lý thông qua các quy định nhà nước hiện hành, cơ chế, chính sách, định hướng; thứ nữa là phụ thuộc vào năng lực nhân sự quản lý, những người trực tiếp làm công tác quản lý văn hóa, đội ngũ cán bộ và hơn hết là sự tham gia của cộng đồng nhân dân. Các di tích văn hóa, lịch sử là tài sản vô giá, là nguồn lực vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, điều này đồng nghĩa với việc bảo tồn và phát huy di tích văn hóa, lịch sử hướng đến yếu tố cộng đồng và vì cộng đồng, phục vu sự phát triển cộng đồng, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào các hoạt đông bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn phường Khuê Trung còn nhằm chống lại sự mai một của thời gian, sự tàn phá thiên nhiên, con người và xã hội. Công tác đầu tư, nâng cấp và mở rộng khu di tích Nghĩa Trủng Hoà Vang của Thành phố, quận Cẩm Lệ và phường nhà trong thời gian qua chính là sự bảo tồn về mặt cơ sở vật chất, tạo cảnh quan cho khuôn viên di tích.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn
Công tác lãnh đạo chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc trông nom, bảo vệ, giới thiệu, quảng bá lan tỏa các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đối với Ban quản lý di tích cần nâng cao vai trò của các bên tham gia, xác định quy chế hoạt động, quy định trách nhiệm từng thành viên ban quản lý di tích đồng thời lưu ý đến vai trò tự quản của cộng đồng. Để công tác quản lý, lãnh đạo đạt hiệu quả thì vai trò nhân lực là then chốt, cho nên đội ngũ này cần chuyên môn hóa về nghiệp vụ, cần có chính sách đào tạo, đào tạo lại nhân sự quản lý lĩnh vực này, đối với cán bộ chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, thành viên ban quản lý di tích… cần cung câp kiến thức cơ quản liên quan, tập huấn chuyên môn theo định kỳ, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các đơn vị…
Về quảng bá, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn: Việc phát huy giá trị di tích thông qua hoạt động lễ hội hằng năm là cách tuyên truyền lan tỏa giá trị di tích thiết thực nhất. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn phường còn là sự kế thừa và gìn giữ nét riêng trong các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống. Năm 2005, thực hiện chủ trương của các cấp về việc thành lập quận Cẩm Lệ, phường Khuê Trung được sáp nhập về quận Cẩm Lệ là một đơn vị hành chính trực thuộc quận Cẩm Lệ cho đến nay. Khi làng lên phố, người dân đô thị ở phường Khuê Trung vẫn giữ những nét đẹp của văn hóa làng quê, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, tính cố kết cộng đồng được phát huy; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng… đồng thời khắc phục những thói quen xấu đã tồn tại bấy lâu ở làng quê. Đời sống tinh thần của Nhân dân được nâng cao chính là động lực thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa và văn minh đô thị. Điều đặc biệt hằng năm, vào các ngày 15,16 tháng 3 Âm lịch, cán bộ và nhân dân phường Khuê Trung náo nức tham gia và tổ chức các hoạt động tưởng niệm Nghĩa sĩ, Lễ cúng Miếu Bà và giỗ các vị Tiền Hiền làng Khuê Trung tại Nghĩa Trủng Hòa Vang, đồng thời địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi các môn thể thao và các môn văn hóa dân gian truyền thống với sự tham gia của các cụm dân cư trên địa bàn phường. Đây là dịp tụ họp nhân dân trong toàn phường, con cháu làm ăn xa quê về dự, thắp nén hương tỏ lòng thành kính tổ tiên, ghi nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ; tạo khối đoàn kết keo sơn trong toàn phường; cầu cho quốc thái dân an, một năm an lành thịnh vượng cho dân làng và quê hương; tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa để cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập noi theo.
Theo công văn số 2925 ngày 08/9/2023 của Sở văn hóa thể thao thống nhất chọn ngày 31/8 hàng năm là “ngày tưởng niệm các anh hùng Nghĩa sĩ Đà Nẵng tại khu di tích quốc gia Nghĩa Trủng Hòa Vang”, các cấp chính quyền cùng chư phái tộc, nhân dân địa bàn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng nghĩa sĩ đã hi sinh trong buổi đầu chống quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược. Thông qua các nghi thức cúng, tế, tưởng niệm cũng là phát huy truyền thống yêu nước của các thế hệ cha ông, các thế hệ nhân dân phường nhà luôn đồng tâm, hiệp lực, tận dụng vận hội, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ gìn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; tiếp tục nỗ lực phấn đấu hết sức mình để người dân mãi mãi được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời quảng bá “ nghĩa trang đầu tiên của cả nước” trên các kênh thông tin để người dân khắp nơi biết và hướng về.
Khai thác các giá trị văn hóa, di tích lịch sử phục vụ du lịch cũng là hình thức quảng bá di sản hiệu quả. Định hướng phát triển kinh tế du lịch trên cơ sở phát huy di tích lịch sử, di tích văn hóa trong những năm qua được thành phố Đà Nẵng rất quan tâm, cụ thể đã có nhiều tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó việc khai thác tiềm năng trong các tour du lịch tâm linh, hành trình di sản cần có hoạch định liên kết giữa các địa phương, đơn vị lữ hành. Cụ thể từ bảo tàng thành phố, du khách dọc theo các con đường dừng thăm Nghĩa Trủng Hòa Vang ở Khuê Trung (thăm miếu Bà, nhà thờ Tiền Hiền, viếng nghĩa Trủng Hòa Vang, dừng nghỉ ngơi thưởng thức bánh tráng thịt heo Mậu, ăn cái bánh khô mè Bà Liễu, uông chén chè xanh), tiếp tục lên Túy Loan thăm Đình Làng Bồ Bản, các di tích văn hóa Hòa Vang…
Gắn kết di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn với các hoat động học tập tại trường học trên toàn thành phố. Thông qua buổi học ngoại khóa, tham quan, nghiên cứu, sinh hoạt truyền thống, dọn dẹp vệ sinh… góp phần tô điểm thêm kiến thức lịch sử, nhân lên niềm tự hào dân tộc cho học sinh, cũng là cách tuyên truyền hữu hiệu. Cùng với đó là tăng cường gắn kêt, giới thiệu, quảng bá di tích thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội. Việc phân khúc khách du lịch từ các đơn vị truyền thông lữ hành là việc cần thiết vừa bảo vệ di tích vừa quảng bá hữu hiệu di sản ra khắp nơi.
Hiện tại quần thể khu di tích quốc gia Nghĩa Trủng Hòa Vang bên cạnh nhà thờ Tiền Hiền còn có Miếu bà Chăm, giếng cổ Chăm là di tích có giá trị về văn hóa tâm linh thờ cúng của người Việt, địa phương mong muốn thành phố, quận cùng địa phương phục dựng lễ hội vía Bà hằng năm tại đây, nâng tầm lễ hội này quy mô cấp quận để phát huy các giá trị văn hóa lâu đời của người dân, cũng là cách hướng đến sự đa dạng các lễ hôi văn hóa Cẩm Lệ, thu hút du khách thập hương tìm về quận nhà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Tóm lại, việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Khuê Trung là vô cùng quan trọng... Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng, việc giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa có vai trò quan trọng nhằm bảo lưu, tạo sức sống bền vững cho văn hóa xứ Quảng Đà, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII và mới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc thêm một lần xác định, nền văn hóa Việt Nam phải đứng vững trên “đôi chân” vừa tiên tiến - hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống. Sự biến đổi văn hóa cổ truyền trong xã hội hiện đại với sự thay đổi sâu sắc các nền tảng là một tất yếu. Nhưng những giá trị di sản ông cha phải được con cháu trân trọng, gìn giữ, phát huy thành sức mạnh nội sinh./.