Cách đây gần 70 năm, hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng và chuẩn bị đón chào năm mới - Xuân Canh Tý (năm 1960), vào ngày 28/11/1959 với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Tết trồng cây đăng trên báo Nhân dân, khởi đầu cho một phong trào thi đua mới: “trồng cây, gây rừng”, mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống, con người.

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16.2.1969. Ảnh: Tư liệu

Tác phẩm được viết ngắn gọn với những câu từ giản dị, dễ hiểu, truyền tải những thông điệp, những triết lý nhân văn sâu sắc, thể hiện tầm nhìn xa, rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, việc trồng cây “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”1; đó là “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”2. Cây sẽ cho quả, cho hoa, cây làm cột nhà, cây góp phần điều hòa khí hậu, cải thiện đời sống của nhân dân, đặc biệt cây làm cho đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

Với ý nghĩa thiết thực đó, vào cuối năm Kỷ Hợi (1959), Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là “Tết trồng cây”, khuyên Nhân dân cần duy trì bền bỉ “Tết trồng cây”. Vào sáng ngày 11/01/1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất), mở đầu cho một phong trào mới tốt đẹp vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc - Tết trồng cây.

Trong bài viết cuối cùng của mình về Tết trồng cây, đăng trên Báo Nhân dân ngày 05/02/1969, Người một lần nữa khẳng định ý nghĩa thiết thực cũng như tác dụng to lớn của Tết trồng cây đối với sự phát triển kinh tế, quốc phòng, đảm bảo đời sống vật chất của nhân dân. Trong bài viết này, Người còn nhấn mạnh đến ý nghĩa đặc biệt của việc trồng cây, đó là “Chúng ta phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam”3, hướng đến tổ chức “một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”4.

Bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương những cá nhân, các địa phương có nhiều sáng kiến, việc làm thiết thực trong trồng cây, xây dựng đời sống mới, Người cũng thẳng thắn phê bình một số địa phương làm chưa tốt, chưa quan tâm đến lợi ích thiết thực của việc trồng cây dẫn đến tình trạng trồng nhiều mà cây sống ít, diện tích đồi trọc còn nhiều.

Trong bản Di Chúc viết năm 1965, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp5.

Vào ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16/02/1969), trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác đã tự tay trồng một cây đa trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), thể hiện tình yêu, mong ước và khát vọng to lớn của Người về những mùa Xuân tươi đẹp của non sông, đất nước.

Khắc ghi lời căn dặn của Bác, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã được phát động rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, góp phần “hàn gắn những vết thương chiến tranh” (nơi những cánh rừng bị bom đạn của kẻ thù tán phá), phủ xanh đất trống, đồi trọc, đem đến diện mạo, sức sống mới cho mỗi làng quê, mỗi vùng miền.

Ngày nay, trước những tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng, nạn chặt phá rừng bừa bãi, khai thác trái phép lâm sản… đã tác động xấu đến hệ sinh thái, môi trường tự nhiên, gây những hậu quả nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến vấn đề an ninh, an toàn con người và sự phát triển bền vững.

Trước những vấn nạn đó, việc nhận thức đầy đủ vể vai trò, ý nghĩa của bảo vệ môi trường, việc trồng cây gây rừng càng trở nên cấp thiết để từ đó có những hành động thiết thực, chung tay bảo vệ, gìn giữ môi trường tự nhiên, gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh, những cánh đồng xanh, những dãy núi, dòng sông, kiến tạo một môi trường trong lành, nhân văn.

Nhận thức rõ về ý nghĩa thiết thực, nhân văn của việc trồng cây, trong gần 40 năm đổi mới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thường xuyên tổ chức các đợt phát động về Tết trồng cây gây rừng, mang lại màu xanh cho đất nước.

Gần 70 năm qua, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết Tết trồng cây vẫn còn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại, thể hiện tầm nhìn xa, rộng của một người trọn đời vì nước, vì dân. Cùng với Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của dân tộc, Tết trồng cây đã trở thành một tập quán, một truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Xuân về, nhớ Bác, mỗi người dân Việt Nam lại ý thức sâu sắc hơn việc trồng cây để gây dựng nên những rừng cây xanh, vun đắp niềm tin, niềm hy vọng vào tươi lai tươi sáng của dân tộc trong kỷ nguyên mới, đúng như lời thơ của Người: “Mùa xuân là Tết trồng cây / Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Chú thích

1,2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 337, 338

3,4,5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 550, 551, 614