Một số thành tựu của ngoại giao kinh tế Việt Nam trong năm 2024
Năm 2024, nội dung ngoại giao kinh tế trở thành trọng tâm trong hoạt động đối ngoại, mang lại kết quả cụ thể, thực chất, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về “làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới”.
Thứ nhất, ngoại giao kinh tế là điểm sáng trong công tác đối ngoại của Việt Nam, trở thành trọng tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao; đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2024 với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt. Trong đó, tăng trưởng khoảng trên 7%, thu hút FDI 11 tháng đầu năm 2024 tăng 12,4%, đạt 31,4 tỷ USD, với số giải ngân đạt 21,7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm qua; kim ngạch xuất khẩu trên dưới 800 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn với 3 rõ: kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao, đặc biệt là các chuyến thăm của Thủ tướng đến Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Saudi Arabia, Hungari, Romania, Dominica, Trung Quốc, Nga,…
Việt Nam đã làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á; Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông;… Ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao công nghệ, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, AI,… được thúc đẩy với các đối tác chủ chốt, các tập đoàn lớn: Apple, Intel, Google, NVIDIA, Samsung, LG, Cadence, Qorvo, Marvell, Siemens,… đã đầu tư, mở rộng hợp tác đầu tư với Việt Nam.
- Apple đã hoàn tất chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.
- Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Google mở rộng đào tạo kỹ năng tại Việt Nam để tăng cường hợp tác về AI.
- Thu hút được các tập đoàn, công ty sản xuất chip vào Việt Nam, đặc biệt là tập đoàn NVIDIA đã ký với Chính phủ Việt Nam thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.
- Trung tâm R&D của Samsung, LG cũng dự kiến khai trương Trung tâm R&D thứ 3 tại Việt Nam,…
Thứ hai, thông qua ngoại giao kinh tế, Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm qua đạt mức cao kỷ lục.
Thứ ba, Việt Nam chú trọng thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các đối tác quan trọng như Chile, Argentina, Peru, Hungary, Romania, UAE, Qatar,… để thúc đẩy các hướng đi mới: phát triển ngành Halal thành thế mạnh, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm toàn cầu. Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để vươn lên trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal đáng tin cậy trong bối cảnh thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo, với khoảng 1,94 tỷ người năm 2022, chiếm 1/4 dân số thế giới. Việt Nam có tiềm năng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển ngành Halal; ngành du lịch Halal là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút khách du lịch Hồi giáo từ các quốc gia Trung Đông, Đông Nam Á và nhiều khu vực khác. Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" được ban hành vào tháng 2/2023 và Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia thành lập vào tháng 4/2024 là những cột mốc quan trọng trong việc đưa sản phẩm Halal Việt Nam ra thế giới.
Thứ tư, Việt Nam nâng tổng số FTA ký kết và tham gia lên 17; đẩy mạnh triển khai các FTA đã ký kết, tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường, qua đó, góp phần phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu; tập trung tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật khi triển khai EVFTA, vận động các thành viên EU về Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam, vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm D1-D3 và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Thương mại với nhiều thị trường truyền thống và số thị trường tiềm năng ở Trung Đông và Mỹ Latin tăng trưởng tích cực, trong đó xúc tiến đàm phán các FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu, FTA ASEAN-Canada,…
Thứ năm, các hoạt động ngoại giao kinh tế có sự chuyển biến về tư duy, cách làm theo hướng tích cực, thực chất, hiệu quả hơn. Có khoảng 700 hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch được triển khai tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương trong và ngoài nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt.
Thứ sáu, ngoại giao kinh tế đóng góp lớn vào phát triển mạnh du lịch, kéo theo đó là ngành hàng không phát triển.
Thứ bảy, ngoại giao kinh tế góp phần làm cho xuất siêu của Việt Nam lớn.
Bên cạnh những kết quả đáng kể đạt được nêu trên, ngoại giao kinh tế của nước ta còn một số hạn chế cần khắc phục như: Thứ nhất, chưa tận dụng hiệu quả và đầy đủ từ việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác. Thứ hai, hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa tương xứng với khuôn khổ hợp tác. Thứ ba, triển khai các cam kết, thỏa thuận có lúc, có nơi còn chậm.Thứ tư, công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu trong một số trường hợp thiếu chủ động, chưa theo kịp diễn biến,…
Một số giải pháp phát huy vai trò ngoại giao kinh tế trong năm 2025
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, ngoại giao kinh tế là động lực mới, quan trọng. Thủ tướng yêu cầu: phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; xúc tiến thương mại, đầu tư thực chất, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Trong năm 2025, cần bứt tốc, hoàn thành các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025; vừa phải tích cực sắp xếp tổ chức, bộ máy, tổ chức các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước; vừa chuẩn bị tổ chức tốt cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 8% trong năm 2025 và đạt 2 con số trong giai đoạn phát triển sắp tới. Muốn vậy, đòi hỏi, ngoại giao kinh tế cần có đóng góp nhiều hơn để thực hiện các mục tiêu phát triển. Công tác ngoại giao kinh tế cần tập trung thúc đẩy ký kết các khuôn khổ pháp lý như các FTA, IPA, CEPA,… đánh giá tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ta và các đối tác để xác định những vấn đề có thể hợp tác, bổ trợ và cạnh tranh nhau; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước.
Công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2025 cần chú trọng:
Thứ nhất, coi trọng cơ hội, thời gian, trí tuệ, thích ứng linh hoạt, sự quyết đoán kịp thời là những yếu tố quyết định trong hoạt động ngoại giao kinh tế.
Thứ hai, bám sát nhu cầu trong và ngoài nước để triển khai ngoại giao kinh tế phù hợp, hiệu quả, toàn diện, sâu sắc, không hình thức;
Thứ ba, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện, doanh nghiệp, địa phương, coi công việc như của nhà mình.
Thứ tư, tinh thần yêu nghề, yêu nước, tâm huyết, trách nhiệm.
Thứ năm, đối với các đối tác phải thể hiện chân thành, tin cậy, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, các đối tác cảm nhận được điều này thì họ mới chia sẻ, tôn trọng và hợp tác.
Thứ sáu, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá về ngoại giao kinh tế.
Tài liệu tham khảo
1. TTXVN: “Ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất và bài bản hơn”, https://dangcongsan.vn/, ngày 20/12/2024.
2. Trung Hưng: “Việt Nam trước cơ hội lớn phát triển ngành Halal trở thành thế mạnh”, https://nhandan.vn/, ngày 28/10/2024.
3. Hà Văn: “Thủ tướng: Tạo đột phá về ngoại giao kinh tế để góp phần tăng trưởng 2 con số”, https://baochinhphu.vn/, ngày 20/12/2024.
4. Anh Vũ: “Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông!”, https://www.qdnd.vn/, 13/01/2025.