C. Mác là một trong những tư tưởng gia vĩ đại nhất của nhân loại, để lại dấu ấn sâu đậm với những công trình khoa học đồ sộ về giải phóng giai cấp, phát triển xã hội và tri thức nhân loại. Nhân kỷ niệm 207 năm ngày sinh của ông, tinh thần tự học bền bỉ, đam mê khám phá khoa học và khát vọng thay đổi thế giới mà C.Mác từng khơi nguồn vẫn tiếp tục truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ. Với những luận điểm sắc bén về xã hội và sự vận động của lịch sử, ông không chỉ làm thay đổi cách con người nhìn nhận thế giới, mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển của khoa học xã hội hiện đại – để lại những bài học quý giá về tinh thần học tập và nghiên cứu không ngừng.

1. C. Mác – Một trí tuệ lớn hình thành từ tinh thần tự học phi thường

C. Mác sinh ngày 5/5/1818 tại thành phố Trier, Đức. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thể hiện một trái tim nhân hậu và tư duy độc lập, khát vọng khám phá thế giới xung quanh. Ông đã tốt nghiệp trung học loại xuất sắc, với bài luận ấn tượng về việc lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường, hoàn thành luận án Tiến sĩ năm 23 tuổi, và tham gia tích cực vào việc nghiên cứu. Một trong những minh chứng rõ nét cho tinh thần tự học của C.Mác là việc tự mình lĩnh hội và tổng hợp các tri thức sâu rộng của nhân loại và sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết kinh tế mác xít và chủ nghĩa xã hội khoa học, đem khoa học đó kết hợp với phong trào công nhân, biến nó thành vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản. Ông không chỉ đọc, mà còn phân tích, phản biện, đối thoại với các nhà tư tưởng lớn đương thời như Hegel, Ricardo, Smith, Proudhon… Cùng với Ph.Ăngghen, các ông viết hàng nghìn bài viết, các tác phẩm lớn, vừa mang tính khoa học cao, làm thức tỉnh nhận thức của nhân loại. Điều làm nên tầm vóc vĩ đại của ông ở chính khả năng tự học kiên trì, nghiêm túc và có phương pháp, của lao động tự học và nghiên cứu kiên cường, không ngừng nghỉ; thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo, không ngừng đổi mới lý luận để phù hợp với hiện thực lịch sử.

2. Mục đích đam mê khoa học của Mác là để thực hành, để giải phóng con người

Điều làm nên sự khác biệt giữa C. Mác và nhiều học giả cùng thời chính là mục đích học tập không phải để chăm lo cho bản thân, mà là để phục vụ cách mạng, nhân dân lao động và hướng đến mang lại hạnh phúc cho toàn thế giới. Sự chuyển biến tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen từ duy tâm sang duy vật, dân chủ cách mạng sang cộng sản chủ nghĩa đã đặt nền móng cho chủ nghĩa Mác, giúp giai cấp công nhân nhận thức về sứ mệnh lịch sử và đấu tranh để giải phóng mình, đồng thời giải phóng toàn xã hội. Dù phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều lần bị giới tư sản vây hãm, trục xuất[1], hoàn cảnh túng quẫn và nỗi đau mất con giày vò, nhưng ông vẫn kiên định lập trường, không ngừng lao động trí óc và tham gia đấu tranh cùng với phong trào công nhân với mục tiêu xây dựng "một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người"[2]. Sự kiên trì phi thường ấy, bất chấp mọi khó khăn, đã giúp ông kiến tạo nên hệ thống lý luận đồ sộ, một di sản vô giá cho nhân loại, các giá trị nhân văn mà hiện nay đông đảo nhân loại trên thế giới hướng tới.

Tình yêu khoa học của C. Mác không chỉ là sự say mê khám phá tri thức thuần túy, mà còn là khát vọng mang ứng dụng những hiểu biết đó vào cuộc đấu tranh giải phóng con người. Với ông, lý luận soi đường cho hành động, và thực tiễn cách mạng là môi trường để kiểm nghiệm, phát triển lý luận. Sự thống nhất biện chứng giữa nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn đã tạo nên sức mạnh to lớn cho học thuyết Mác, biến nó thành vũ khí tinh thần của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những tác phẩm như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), Góp phần phê phán kinh tế chính trị (1859), Tư bản (1867) không chỉ mang giá trị lý luận mà còn định hướng hành động cho các phong trào công nhân khắp châu Âu và thế giới, là tiền đề lý luận quan trọng, thức tỉnh phong trào công nhân trong các cuộc cách mạng lớn, dẫn đến việc hình thành các tổ chức Quốc tế, đặc biệt là thắng lợi của cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917 đã hiện thực hóa lý tưởng của C. Mác, mở ra thời đại mới là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

3. Tấm gương sáng cho thanh niên Việt Nam trong thời đại mới

Từ khi ra đời đến nay, mặc dù thường xuyên bị các thế lực tư sản chống phá, xuyên tạc, nhưng học thuyết Mác với tính khoa học, cách mạng và thực tiễn sâu sắc vẫn tồn tại một cách khách quan. Nhiều quốc gia xã hội chủ nghĩa đã vận dụng sáng tạo học thuyết này vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó khẳng định giá trị bền vững và sức sống mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay.

Thanh niên tích cực học tập, nâng cao trình độ. (Ảnh Internet)

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, việc học tập theo tấm gương tự học và say mê khoa học của C.Mác là vô cùng cần thiết, nhất là đối với thế hệ trẻ. Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, chúng ta cũng đã và đang có nhiều tấm gương thanh niên học tập và nghiên cứu nghiêm túc đang tiếp nối tinh thần Mác-xít. Có thể kể đến 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc đã được vinh danh với Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng năm 2024, với các công trình của họ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, y dược, sinh học, môi trường và vật liệu mới. Ba nhà khoa học trẻ tài năng là TS. Phạm Huy Hiệu, TS. Nguyễn Viết Hương và TS. Lê Kim Hùng đã được đề cử cho giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2024, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của họ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo y tế, màng mỏng nano và truyền thông mạng máy tính. Điều đó cho thấy tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ Việt Nam đang ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn không ít bạn trẻ sa vào lối sống hưởng thụ, thụ động, thiếu ý chí học tập lâu dài. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, việc bị cuốn theo những trào lưu nhất thời, bỏ quên giá trị thực sự của tri thức là điều cần cảnh tỉnh. Chính vì vậy, việc giáo dục tinh thần tự học, đam mê khoa học và học để phụng sự đất nước như C. Mác đã làm càng trở nên cấp thiết.

4. Giải pháp phát huy tinh thần tự học, đam mê khoa học của thanh niên Việt Nam hôm nay

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số toàn diện và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu rộng, tinh thần tự học và đam mê khoa học không chỉ là phẩm chất cá nhân đáng quý mà còn trở thành yêu cầu cấp thiết đối với thế hệ trẻ Việt Nam để “xung kích”, “tình nguyện”, “sáng tạo” góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần đó, ngày 22 tháng 12 năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định rõ: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc gia”. Trong đó, nguồn lực con người, đặc biệt là giới trẻ  đóng vai trò trung tâm, quyết định sự thành công của chiến lược phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần thực hiện tốt các giải pháp là:

Trước hết, nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị của thanh niên trong việc học tập và nghiên cứu khoa học như một hành động yêu nước cụ thể. Đây chính là tinh thần mà C.Mác từng thể hiện suốt cuộc đời mình, đó là học để hành động, nghiên cứu, để cải tạo thế giới. Thanh niên Việt Nam không dừng lại ở mục tiêu cá nhân, học tập và sáng tạo cần gắn với khát vọng cống hiến, lý tưởng phát triển đất nước giàu mạnh, hiện đại, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Theo Nghị quyết 57, phải “tạo lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhà trường và viện nghiên cứu là nền tảng, Nhà nước là kiến tạo chính sách”. Trong hệ sinh thái ấy, giới trẻ phải là lực lượng chủ công, xung kích. Những mô hình như Đại học VinUni hợp tác nghiên cứu với Cornell, hay các trung tâm AI của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM đang là minh chứng rõ nét cho sức trẻ học thuật Việt Nam đang vươn ra thế giới. Cần nhân rộng các mô hình “vườn ươm khoa học” trong trường đại học, gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.

Thứ ba, phát huy tối đa vai trò của chuyển đổi số trong việc học tập, nghiên cứu và lan tỏa tri thức khoa học trong thanh niên. Nghị quyết 57 xác định: “Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa... là một trụ cột quan trọng để phát triển xã hội số và công dân số”. Thanh niên ngày nay có lợi thế chưa từng có về công nghệ: thư viện số, nền tảng học trực tuyến, AI hỗ trợ học thuật, mô phỏng công nghệ ảo (VR, AR)... tạo điều kiện cho việc học không giới hạn về không gian và thời gian. Tinh thần tự học như của C. Mác từng ngồi hàng ngày với những trang sách ở thư viện nước Anh, nay có thể được tiếp nối bằng mô hình thanh niên Việt Nam học tập suốt đời trên không gian mạng, chủ động tìm kiếm tri thức trên nền tảng số toàn cầu.

Thứ tư, xây dựng và phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khoa học trong giới trẻ, bắt đầu từ việc hình thành thói quen quan sát, đặt câu hỏi, phản biện và giải quyết vấn đề thực tiễn bằng tư duy khoa học. Tổ chức các sân chơi, diễn đàn, liên hoan khoa học trẻ Việt Nam, các giải thưởng quốc gia về đổi mới sáng tạo cho sinh viên và nhà khoa học trẻ. Theo thống kê của Trung ương Đoàn, năm 2023 đã có hơn 1.500 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được nghiệm thu cấp trường, trong đó có hơn 120 đề tài được thương mại hóa. Đây là tín hiệu tích cực cần được tiếp tục nuôi dưỡng bằng chính sách khuyến khích và đầu tư xứng đáng.

Thứ năm, có cơ chế đãi ngộ, tôn vinh, và sử dụng nhân tài khoa học trẻ một cách thực chất và hiệu quả. Nghị quyết 57 nêu rõ: “Phải đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nhân lực chất lượng cao trong khoa học, công nghệ, nhất là chuyên gia trẻ, tài năng trẻ”. Việc trọng dụng nhân tài không thể chỉ dừng ở khen thưởng hình thức, mà cần tạo điều kiện để họ làm việc, sáng tạo, và được bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tự chủ nghiên cứu. Chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái mà trong đó người làm khoa học được tôn trọng, được bảo vệ, và có thể sống bằng chính công trình khoa học của mình.

Kết luận

Tinh thần tự học bền bỉ, khát vọng khám phá chân lý và niềm đam mê cháy bỏng với khoa học của C.Mác không chỉ là biểu tượng vĩ đại của trí tuệ nhân loại, mà còn là nguồn cảm hứng sâu sắc đối với mỗi người trẻ Việt Nam trong hành trình phát triển bản thân và góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại chuyển đổi số, khoa học không còn là lĩnh vực dành riêng cho số ít tinh hoa, mà trở thành tài sản chung của toàn xã hội. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã mở ra một tầm nhìn chiến lược và khát vọng đột phá của quốc gia, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển. Phát huy tinh thần của C. Mác trong thời đại mới, thanh niên Việt Nam cần biến mỗi giờ học, mỗi lần tìm tòi tri thức, mỗi ý tưởng khoa học thành hành động cụ thể vì sự tiến bộ của cộng đồng, dùng tri thức để hiện thực hóa khát vọng, góp phần vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

[1] C.Mác đã bị trục xuất ít nhất bốn lần khỏi các quốc gia khác nhau trong thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi của mình. Năm 1845 bị trục xuất khỏi Paris (Pháp) theo yêu cầu của chính phủ Phổ do những bài viết mang tính cách mạng của ông. 1848 bị trục xuất khỏi Brussels (Bỉ) do những lo ngại của chính phủ Bỉ về làn sóng cách mạng đang lan rộng ở châu Âu. 1849 bị trục xuất khỏi Cologne (Đức) sau khi tờ báo Neue Rheinische Zeitung do ông biên tập bị đóng cửa. Sau đó bị trục xuất lần thứ hai khỏi Paris (Pháp). Sau lần trục xuất cuối cùng khỏi Pháp vào năm 1849, Các Mác đã chuyển đến London (Anh) và sống ở đó cho đến cuối đời.

[2] C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 628