Văn hóa là những giá trị trường tồn do con người trong nhiều thế hệ sáng tạo và bồi đắp nên. Trong hành trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, những giá trị văn hóa đó chính là chất keo kết dính hài hòa và bền vững nhất của cộng đồng. Sự chuyển động của giá trị văn hóa luôn nằm trong dòng chảy của dân tộc, nơi có sự hóa thân của những sản phẩm văn hóa đích thực.
Ảnh minh họa. Nguồn: bacgiangtv
Trong tiềm thức của mỗi con người cụ thể luôn mang trong mình những dấu tích của xuất xứ xa xăm trong dòng chảy của dân tộc. Dân tộc – Đất nước luôn khắc ghi trong mỗi con người: Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể/ Đất nước có trong miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc[1] hay như Mẹ ơi, bao người chưa từng nói về Tổ quốc/ Lấy mồ hôi gieo hạt lúa nhọc nhằn/ Tâm hồn họ như khoai vùi trong bếp/ Lúc đói lòng xin được bới ra ăn[2] …Còn nhiều và rất nhiều những câu thơ hay viết về đất nước của mọi thời đại mà khi đọc lên lòng ta luôn đỗi tự hào và khắc ghi vì đó chính là những biểu đạt mang đậm chất trữ tình mang tên ĐẤT NƯỚC.
Văn nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc
Để văn hóa trở thành chất keo và tạo thành chất xúc tác giúp tâm hồn dân tộc bay lên, văn nghệ sĩ có trọng trách không nhỏ. Thực chất, câu chuyện về trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với đất nước cũng chẳng có gì mới mẻ. Nó được coi là thiên chức hay nói rộng hơn thì gọi là sứ mệnh của người cầm bút. Những sản phẩm văn hóa thấm đẫm lòng yêu nước vẫn được dân tộc ta bảo lưu, gìn giữ như những giá trị thiêng liêng nhất. Bởi lẽ, giá trị văn hóa truyền thống luôn được nêu lên hàng đầu của dân tộc Việt Nam chính là lòng yêu nước. Vì thế, văn nghệ sĩ gắn kết với đất nước như con cái gắn bó với người mẹ vậy. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nói tới điều ấy: “Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra”[3]. Như thế, đồng hành cùng dân tộc là lựa chọn đúng đối với mỗi văn nghệ sĩ và đó cũng là lộ trình hòa nhập vào môi trường văn hóa nhân loại bao la, đa dạng, phong phú như chính nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nói “đi tận cùng dân tộc rồi sẽ gặp nhân loại”. Nhân loại có một Việt Nam với bản sắc độc đáo về văn hóa được tích hợp từ mấy nghìn năm lịch sử đã và đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Lý tưởng và bản lĩnh
Giá trị đích thực của một sản phẩm văn hóa chính là hóa thân vào dòng chảy chung của dân tộc. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã được nhân lên vì: “Bằng sức sáng tạo của mình, những nhà văn - chiến sĩ thời đại Hồ Chí Minh đã góp phần làm nổi bật lên hình ảnh cao đẹp của tinh thần quả cảm chiến đấu hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Tổ quốc”[4].
Lý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết” đã lan tỏa mạnh mẽ rồi trở thành phương châm sống và hành động của mỗi người con đất Việt. Vì thế, có ai đó “dị ứng” với chất anh hùng ca, tính công dân, tinh thần tập thể của những tác phẩm văn hóa kháng chiến một thời thì cũng chỉ là số ít lạc lõng, bơ vơ trong dòng chảy của văn hóa dân tộc mà thôi! Bởi vì, các tác phẩm văn hóa kháng chiến từ văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh,.. đã thực sự trở thành vũ khi xung trận, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Lớp lớp công chúng đã thừa nhận giá trị cao cả, trong sáng, đẹp đẽ của lòng yêu nước, sự xả thân vì non sông được biểu đạt qua hình tượng nghệ thuật trong các loại hình nghệ thuật nêu trên. Bởi thế, các thế lực thù địch dẫu cố tình bôi đen, hạ thấp cũng rất thiếu tính thuyết phục dù rằng có những sản phẩm văn hóa kháng chiến vẫn còn đó những khoảng trống, những nông cạn, thậm chí la sơ sài, vội vàng,.. Coi thường sản phẩm văn hóa kháng chiến là đồng nghĩa với việc quay lưng lại với quá khứ bi tráng của dân tộc, một quá khứ xứng đáng được ghi nhận và tri ân. Chúng ta không có quyền lãng quên quá khứ, một quá khứ còn lại muôn vàn dấu tích chiến tranh dữ dội, đang còn hiển lộ và khuất lẫn đó đây. Quá khứ đang truyền tải năng lượng to lớn vào hiện tại trong dòng chảy không đứt đoạn của lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Cuộc đời vẫn rất cần những ngọn lửa ấm từ những sản phẩm văn hóa mang tính sáng tạo mới của các văn nghệ sĩ chân chính, biết bổ sung thêm những thiếu hụt, những khoảng trống mà trong thời khắc nghiệt ngã của chiến tranh những văn nghệ sĩ – chiến sĩ chưa thể hoàn thành! Mười hai lĩnh vực công nghiệp văn hóa đang chuyển động theo chiều hướng đó. Trong xu hướng vận động đó, thân phận con người là nội dung được quan tâm trước hết. Tác giả rất tâm đắc với lý giải của nhà văn hóa nổi tiếng Giáo sư Vũ Khiêu rằng “Văn hóa là gì? Văn hóa là tất cả những cái gì mà nhân tính vượt lên trên thú tính”. Ranh giới giữa nhân tính và thú tính có thể rất xa nhưng cũng rất gần với bản thể của từng con người. Xa hay gần là do sự lựa chọn, phấn đấu, rèn luyện và chiến đấu để “vượt lên” của chính bản thân của họ trong sự vận động không ngừng nghỉ của môi trường văn hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục đi trên con đường chưa hết trắc trở, gập ghềnh nhưng đã được ánh sáng nhân văn tỏa rộng. Tiếp nhận trong hội nhập sâu rộng cùng với thế giới trong tư thế vừa có ý thức cầu thị vừa thể hiện rõ bản lĩnh để không bị sa lầy trong sự lai căng, bắt chước vô tội vạ rồi tự đánh mất mình. Từ đó, nền tảng văn hóa dân tộc truyền thống không bị làm xói lở, và nó không chỉ được gìn giữ phát huy mà còn được bồi đắp, đổi mới không ngừng mang diện mạo hiện đại, văn minh. Điều đó cho thấy, bản sắc dân tộc vừa là cái đã bắt rễ, cắm sâu nhưng cũng đã, đang và sẽ chuyển động, chuyển tiếp tới cái phổ biến của nhân loại là đa dạng văn hóa. Trong bối cảnh cảnh mới, sự chuyển động của văn hóa dân tộc không dừng lại ở việc tự phát triển để “tự cứu mình” nữa mà chính là phát triển văn hóa, con người mang đậm bản sắc dân tộc gắn liền với sự phát triển đồng bộ, hài hòa trong xu thể hội nhập quốc tế. Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khẳng định: “Đa dạng văn hóa tạo nên một thế giới phong phú và đa dạng, gia tăng các lựa chọn, nuôi dưỡng khả năng và giá trị của con người, và vì vậy, đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia”[5]. Kết tinh được xu thế phát triển chung đó, văn hóa không chỉ luôn luôn “còn” mà thực sự trở thành nền tảng, động lực, mục tiêu rõ ràng nhất để cùng dân tộc Việt Nam “ta đi tới; trên đường ta bước tiếp” trong lộ trình phát triển mới.
[1] Nguyễn Khoa Điềm: Mặt đường khát vọng
[2] Trần Mạnh Hảo: Tổ quốc, con âm thầm yêu mẹ
[3] Nguyễn Minh Châu: Trang giấy trước đèn
[4] Nhà văn Nguyễn Bình Phương; “Lời nói đầu” bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội (kỉ yếu và tác phẩm) in năm 2023
[5] Xem: UNESCO: The Protection and Promotion of the Diversity of Cultural Expressions (tạm dịch: Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa), 2005, https://en.unesco.org/creativity/sites/creativity/files/passeport-convention2005-web2.pdf