Cao Bằng có đường biên giới dài 333,125 km, tiếp giáp với khu vực tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94,88% dân số toàn tỉnh. Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới trải dài trên 7 huyện, 37 xã, 3 thị trấn, 119 xóm giáp biên cùng 634 mốc quốc giới. Nhằm phát huy sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân đối với việc bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ; tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy đối với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội địa phương, ngày 15/7/2021, Tỉnh ủy Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 117-NQ/TU về lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung cụ thể hóa các mục tiêu: xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng về quốc phòng, an ninh.
Tỉnh đã chủ động tuyên truyền rộng rãi 03 văn kiện pháp lý về biên giới gồm: Nghị định thư phân giới cắm mốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, thúc đẩy tình cảm và ý thức tự hào dân tộc, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn quân trong quản lý, bảo vệ biên giới.
UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt trên 23.000 lượt người có uy tín, hơn 98% trong số đó là người dân tộc thiểu số, gồm nhiều thành phần như: Già làng, trưởng thôn bản, cán bộ nghỉ hưu, thầy mo, thầy cúng, chức sắc tôn giáo, người sản xuất kinh doanh giỏi... Đây là những người có ảnh hưởng lớn tới đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, họ cũng là cầu nối quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới bà con, đặc biệt tại các khu biên giới.
Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh được tỉnh tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Tỉnh đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua nhằm tạo ra các điển hình tiên tiến trong xây dựng “thế trận lòng dân”, như: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; “Thi đua quyết thắng”; “Vì an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh hưởng ứng tham gia.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Pò Rẻ (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) tham gia ngoại khóa tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc
(Nguồn: baocaobang.vn)
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được mạng lưới 155 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, với gần 8.000 hộ, gần 11.600 người tham gia; 392 tổ tự quản an ninh trật tự với trên 11.400 thành viên. Người có uy tín cùng nhân dân đã cung cấp trên 3.400 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ an ninh trật tự biên giới và đấu tranh với các loại tội phạm; huy động phối hợp tuần tra biên giới được trên 11.000 lần/87.000 lượt người tham gia; phát quang đường tuần tra, đường thông tầm nhìn biên giới được trên 2.300 lần, với trên 190.000 lượt người tham gia; tu sửa được 65 buổi/gần 27km đường tuần tra biên giới, với trên 1.350 lượt người tham gia; xử lý 291 vụ, 378 đối tượng liên quan đến ma túy; 708 vụ, 678 đối tượng buôn lậu; 7 vụ, 12 đối tượng mua bán, tàng trữ vũ khí trái phép...
Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh thường xuyên chú trọng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động để nhân dân nắm vững quan, điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tích cực giúp nhân dân trong quá trình thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Đề án số 21 - ĐA/TU ngày 30/82019 của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030; Quyết định số 2175/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh Cao Bằng về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 2016/KH-UBND ngày 08/8/2022 của UBND tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2022... Góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực biên giới, tạo thuận lợi trong huy động, khuyến khích, động viên sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên đất liền và trên biển, đảo của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Trường giúp Trường Tiểu học Xuân Trường dọn dẹp vệ sinh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng)
(Nguồn: baocaobang.vn)
Để ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là khu vực biên giới nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Cao Bằng đòi hỏi thường xuyên củng cố và phát huy “thế trận lòng dân”. Trong đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tại địa phương là then chốt, từ đó nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng; tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ biên giới; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng khu vực phòng thủ biên giới...
Lê Hải Định