Phát huy truyền thống "Sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…"[1]
Ngày 18/01/2013, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku ban hành Đề án về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku. Sau khi Đề án được triển khai, các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bằng nhiều hình thức phong phú như xe loa tuyên truyền, băng rôn, pa-nô, áp phích... Phối hợp vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Chi bộ 1 và Chi bộ 3, Đảng ủy phường Chi Lăng tổ chức lễ ký kết công tác kết nghĩa và tặng quà cho hộ nghèo làng Ia Lang, phường Chi Lăng.
(Ảnh: Bá Bính. Nguồn: pleiku.gialai.gov.vn)
Đã tổ chức tập huấn cho 14.750 lượt người đồng bào dân tộc dân số, chuyển giao kỹ thuật mô hình nuôi heo địa phương, mô hình nuôi bò cái sinh sản, mô hình trồng măng Tây, mít Thái, mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê... Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp để tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân; linh hoạt lồng ghép Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Hỗ trợ về nhà ở, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân với số tiền trên 179 triệu đồng; trao mô hình sinh kế (hỗ trợ 51 con bò giống, 114 con heo giống và hàng ngàn giống các loại cây trồng khác...) đã góp phần vào công tác giảm nghèo của thành phố.
Thành đoàn Pleiku tặng cây giống cho người dân làng Têng 2 (làng kết nghĩa), xã Tân Sơn.
(Nguồn: pleiku.gialai.gov.vn)
Duy trì tổ chức hằng năm các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm tăng cường sức khỏe và giao lưu, đoàn kết cộng đồng các dân tộc như hội thao đại đoàn kết, giải việt dã Kpă KLơng thành phố Pleiku, giải bóng chuyền truyền thống thanh niên, Liên hoan Cồng chiêng và hát dân ca trong thanh thiếu nhi... Đồng thời, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc, duy trì các lớp dạy cồng chiêng, múa xoang. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 84 bộ cồng chiêng, 30 đội cồng chiêng, múa xoang với trên 600 nghệ nhân, trên 100 nghệ nhân làm cây nêu, trên 80 nghệ nhân tạc tượng góp phần lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Công tác xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa được quan tâm chú trọng. Năm 2013 có 32/43 làng đạt văn hóa, tỷ lệ 74,4% thì đến cuối năm 2022 có 37/37 làng đạt văn hóa, tỷ lệ 100%. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và thực hiện tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; các cơ quan, đơn vị kết nghĩa hỗ trợ cơ sở vật chất thiết yếu tại các hội trường, nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng như tivi, âm thanh, bàn, ghế, làm sân và tặng bóng, lưới... Các cơ quan đơn vị kết nghĩa đã phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào kết hôn đúng quy định của pháp luật, góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố Pleiku còn 16 cặp tảo hôn và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các phường, xã được phân công kết nghĩa với các xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức nhiều đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đồng thời tuyên truyền, phản bác lại những luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Qua các đợt phát động, đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng đã nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đa số người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe, không làm theo kẻ xấu, xóa bỏ tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê Gar” và sẵn sàng giúp đỡ các đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện tốt thế trận an ninh nhân dân; xây dựng, củng cố thực lực chính trị cơ sở.
Các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã cùng với địa phương thường xuyên phối hợp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân - dân - chính ở các làng; phối hợp tổ chức 68 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 2.500 lượt cán bộ tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% làng có chi bộ độc lập, 100% chi bộ làng có đủ số lượng đảng viên là người làng; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong làng, các chức sắc tôn giáo ngay tại địa bàn.
Chi bộ Phòng Tài chính-Kế hoạch và Chi cục Thống kê TP. Pleiku tặng quà cho người dân làng Ngó (phường Trà Bá)-đơn vị kết nghĩa.
(Ảnh: P.D. Nguồn: baogialai.com.vn)
Để tình đoàn kết thêm bền chặt
Từ kinh nghiệm sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku, để tình đoàn kết thêm bền chặt, hiệu quả, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cơ quan, đơn vị và các xã, phường trong việc chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của Đề án. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với đảng ủy, chính quyền các xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng địa phương để thực hiện các nội dung của Đề án. Thường xuyên phối hợp gặp gỡ cán bộ quân dân chính làng và nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân để đề xuất các giải pháp, áp dụng các mô hình phù hợp nhằm giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.
Các xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số cần duy trì trao đổi thông tin hai chiều với các cơ quan, đơn vị và các phường, xã kết nghĩa để có giải pháp triển khai thực hiện phù hợp. Đồng thời, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm hằng năm, kịp thời bổ sung vào kế hoạch thực hiện phù hợp với từng làng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị của từng làng thật sự vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, đoàn thể để tập hợp đoàn viên, hội viên vào tổ chức; phát huy vai trò đội ngũ cốt cán, tranh thủ được người có uy tín trong làng để qua đó làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb CTQG ST, H.2011, tr. 249.
Ngọc Cảnh