Xuyên tạc, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong lịch sử là việc các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện. Một trong nhưng nội dung họ tập trung xuyên tạc, thổi phồng là số người bị xử lý trong cuộc cải cách ruộng đất cách đây 65 năm
Tháng 10/1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã nghiêm túc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm của cải cách ruộng đất và quyết định tiến hành công tác sửa sai.
Trung ương Đảng đã kỷ luật những người chịu trách nhiệm chính về những sai lầm, khuyết điểm và tiến hành công tác sửa sai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhận khuyết điểm trước toàn thể quốc dân.
Lịch sử là như vậy, nhưng các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc một cách trắng trợn. Một trong số những nội dung bị xuyên tạc nhiều nhất là số lượng người bị xử lý, nhất là số người bị chết trong cải cách ruộng đất.
Công bố của những người nghiên cứu trong nước như thế nào ?
Từ trước đến nay, những số liệu về cải cách ruộng đất thường khó tìm thấy trong các công trình lịch sử chính thức, nhất là số liệu về số địa chủ bị kết án, số cán bộ bị xử lý oan sai… Nhưng năm 2005, GS Đặng Phong trong cuốn Lịch sử Kinh tế Việt Nam tập II (1955-1975), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, có một phần viết về cải cách ruộng đất, trong đó đưa ra số liệu người bị xử trí trong cải cách ruộng đất là 172.008 người.
Cụ thể, GS Đặng Phong cho biết:
Địa chủ cường hào gian ác, số bị quy trong cải cách ruộng đất là 26.453 người, qua sửa sai thấy số bị quy sai là 20.493 người, tỷ lệ bị quy sai là 77,4 %.
Địa chủ thường, số bị quy trong cải cách ruộng đất là 82.777 người, qua sửa sai thấy số người bị quy sai là 51.480 người, tỷ lệ bị quy sai 62 %.
Địa chủ kháng chiến, số bị quy trong cải cách ruộng đất là 586 người, qua sửa sai thấy số bị quy sai là 290 người, tỷ lệ bị quy sai 49 %.
Phú nông, số bị quy trong cải cách ruộng đất là 62.192 người, qua sửa sai thấy quy sai là 51.003 người, tỷ lệ quy sai là 82 %.
Tổng số đã quy thành phần trong cải cách ruộng đất là 172.008 người, trong đó, số bị quy sai qua sửa sai đã phát hiện là 123.266 người, tỷ lệ quy sai là 71,66 %.
Sau đó, GS Đặng Phong dành nhiều trang viết về việc Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và tiến hành công tác sửa sai.
Nhưng những nhà sử học "khách quan" không quan tâm đến đoạn này. Họ tập trung xuyên tạc, thổi phồng số liệu họ cho là nạn nhân của cải cách ruộng đất bằng chiêu trò "lập lờ đánh lận con đen".
Những nhà sử học “khách quan” đã xuyên tạc và thổi phồng như thế nào ?
Mặc dù GS Đặng Phong nói rõ là trong số 172.008 người này thì chỉ có một số ít là địa chủ bị xử bắn, nhưng khi thấy được số liệu này, các “nhà sử học” đối lập ngay lập tức phóng đại rằng: Trong cải cách ruộng đất, chính quyền Hà Nội đã sát hại 172.008 người. Họ dẫn lại sách của GS Đặng Phong với đầy đủ dữ liệu về tên sách, tác giả, năm xuất bản, nơi xuất bản, số trang… và chú thích rằng một người có vị trí, vai trò, có uy tín khoa học như GS Đặng Phong thì không thể bịa ra con số đó.
Từ đó, tất cả các trang mạng, các nhà sử học đối lập coi đó là chân lý, ra sức tuyên truyền, thổi phồng sai lầm, khuyết điểm của sự kiện cải cách ruộng đất.
Vấn đề là ở chỗ không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận cuốn sách của GS Đặng Phong để xem chính xác những gì ông viết, nên bán tín bán nghi và việc lan truyền thông tin trong thời đại ngày nay trên internet và mạng xã hội thì quá nhanh và rộng rãi.
Chúng ta hãy xem họ xuyên tạc như thế nào ?
Họ cường điệu số người bị xử lý, đặc biệt là số người bị tử hình.
Con số bị xử lý trong cải cách ruộng đất được đưa trên trang Wikipedia như sau:
Theo Bernard Fall thì không thể biết chính xác con số, nhưng ít nhất khoảng 50.000 người bị giết và 100.000 người bị bắt giam.
Theo Tibor Mende, khoảng 15.000 người bị giết.
Theo Tiến sĩ Võ Nhân Trí, thì khoảng 15.000 người bị giết.
Theo tuần báo TIME ngày 1/7/1957 thì khoảng 15.000 người bị giết.
Theo Bùi Tín , tại buổi hội thảo “Những kinh nghiệm đau buồn từ “Cải cách ruộng đất” ở đất Bắc 1953-1956” do Mạng lưới dân chủ tổ chức cuối tháng 6/2003 tại thủ đô Berlin, nêu lên con số nạn nhân là 500.000 người theo như Michel Tauriac, nhà văn-nhà báo người Pháp đưa ra. Bùi Tín cho rằng con số này cũng hợp lý nếu kể cả những người bị giết, bị chết trong tù, bị chết sau khi thả ra và tự tử hoặc thân nhân, gia đình gián tiếp chịu đày đọa.
Thống kê chính thức được đăng trong cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam tập II, 1954- 1975, do Đặng Phong chủ biên, cho biết là đã có 172.008 người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông (trong đó có 123.266 người bị quy sai, hơn 70%, tức là bị oan). Theo quan điểm của những người thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, đây là những người bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể bị bắn tại chỗ hoặc bị lãnh án tù rồi chết trong nhà giam”.
Sử gia Trần Gia Phụng, sống tại Canada, thì viết:
“Dựa vào tài liệu các nước ngoài, giáo sư Lâm Thanh Liêm, đã từng giảng dạy tại Đai học Văn khoa Sài Gòn và Huế trước năm 1975, cho rằng số người bị giết trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1955-1956 ở Bắc Việt có thể lên đến từ 120,000 đến 200,000 người.
Theo sách Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2, viết về giai đoạn 1955-1975, xuất bản tại Hà Nội năm 2004, tức là một tài liệu mới của nhà cầm quyền Hà Nội, cho biết cuộc cải cách ruộng đất đợt 5 (1955-1956) được thực hiện ở 3,563 xã, có khoảng 10 triệu dân, và tổng số người bị sát hại trong cải cách ruộng đất đợt nầy lên đến 172,008 người, trong đó có 123, 266 người (71,66%) sau nầy được xác nhận đã bị giết oan.
Những tác giả bộ Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2 dựa trên số thống kê do tài liệu của nhà cầm quyền cộng sản lưu trữ, nếu không đúng thì cũng thấp hơn số người thật sự bị giết, chứ không thể cao hơn, vì thông thường, Cộng sản Việt Nam hạ bớt những số liệu bất lợi cho họ. Nói cách khác, số người bị giết tối thiểu là 172,008 người, còn số thật sự bị giết không thể biết được, ngoài con số dự đoán tối đa của giáo sư Lâm Thanh Liêm là 200,000 người.
Ngoài 172,008 người bị giết, một số lượng người lớn hơn nữa bị tù đày, bị gởi vào các trại cải tạo, bị sỉ nhục cả gia đình; con cái bị người ngoài xa lánh. Số lượng người nầy không được thống kê đầy đủ.
Chỉ riêng với số 172,008 người bị giết, nếu tính trung bình một gia đình Việt Nam gồm có 5 người (vợ chồng và 3 con), thì số người bị liên lụy trong cuộc cải cách ruộng đất có thể lên đến 172,008 X 5 = 860,040 trong tổng số khoảng 10 triệu dân ở các làng xã đã thực hiện cải cách ruộng đất đợt thứ 5”[1].
Mặc dù Giáo sư Đặng Phong đưa ra con số 172.008 người bị xử lý trong toàn bộ 5 đợt cải cách ruộng đất, và cũng không phải đó là số người bị xử bắn, nhưng sử gia Trần Gia Phụng cứ nhất định cho rằng đó chỉ là con số nạn nhân của đợt 5, và tất cả những người này đều bị xử tử.
Gần đây, sau khi thấy những con số thổi phồng quá vô lý, Chính Bùi Tín, một trong những người viết hồi ký về cải cách ruộng đất cũng cho rằng, các con số nói về số người bị chết trong cải cách ruộng đất là quá phóng đại. Theo Bùi Tín, nếu trung bình mỗi xã có từ 1 đến 3 địa chủ bị xử bắn, thì với 3.653 xã tiến hành cải cách ruộng đất, con số địa chủ bị bắn cũng chỉ trên dưới 10.000 người.
Vũ Thư Hiên, trong cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày” thì cho rằng “Người ta thường nói tới con số khoảng 15.000 người. Tôi nghĩ con số có thổi phồng. Trong tài liệu của Bernard Fall và Wesley Fishel con số còn được đẩy tới 50.000. Nếu tính tổng số xã đã cải cách ruộng đất là khoảng 3.000, mỗi xã có trung bình một hoặc hai người bị bắn, bị bức tử, bị hãm cho chết đói, (những xã có số người bị bắn lên tới ba hoặc bốn rất ít gặp, có những xã không có ai bị) thì số người chết oan (kể cả trong chỉnh đốn tổ chức, tính cả người bị bức tử) nằm trong khoảng từ 4.000 đến 5.000 người”.
Vài lời cuối
Như vậy, mặc dù mang danh nghĩa "khách quan", "khoa học", nhưng chúng ta cũng thấy rõ ràng rằng, nhiều sử gia nước ngoài (do thiếu tư liệu) và sử gia người Việt có ý đồ xấu đã trắng trợn thổi phồng sai lầm của cải cách ruộng đất như thế nào.
Mục đích việc làm này của họ thì tất cả mọi người đều đã rõ.
Thế nhưng nhiều người vẫn cứ tin và tuyên truyền những con số thổi phồng ở trên.
Thật nực cười.
Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, cần tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin, cần tiếp nhận thông tin có phê phán, nếu không người đọc dễ bị những người có động cơ không trong sáng dắt mũi, trở thành công cụ tuyên truyền cho họ.
Lê Minh
[1] https://vietnamsaigon75.blogspot.com/2012/10/.