Trong bức tranh toàn cảnh đó, Huế và Đà Nẵng với khả năng cộng hưởng giữa hai thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò như điểm tựa của “đòn gánh”, mang trọng trách thúc đẩy sự phát triển không chỉ của riêng mình mà còn của cả khu vực, trở thành động lực tăng trưởng của miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, đi cùng với đó là không ít thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, hợp tác liên kết, cả sự quyết tâm và đặc biệt là một chiến lược phát triển tổng thể.
Hải Vân Quan - Cái “bắt tay lịch sử” giữa Huế và Đà Nẵng.
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Khám phá nội lực, định vị trung tâm động lực và chiến lược phát triển Huế - Đà Nẵng
Để trở thành động lực tăng trưởng, cả Huế và Đà Nẵng đều cần định vị rõ những lợi thế, những “nội lực” mà mình đang sở hữu, cũng như xác định rõ vị trí và vai trò trong bức tranh phát triển chung của khu vực.
Huế - Thành phố văn hóa ASEAN với nền tảng lịch sử và văn hóa phong phú, phát triển cả về nghệ thuật và đô thị. Đó không chỉ là một thành phố mà còn là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống hết sức độc đáo. Cố đô Huế với 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, là một minh chứng hùng hồn cho quá khứ vàng son của triều Nguyễn, tất cả tạo nên một sức hút đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước. Đây chính là “nội lực” mạnh mẽ mà Huế cần khai thác, phát huy để phát triển du lịch văn hóa, sinh thái một cách bền vững. Ngoài ra, Huế cần định vị mình là trung tâm của vùng và cả nước về y tế chuyên sâu; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Để thực hiện được điều đó, chiến lược phát triển của Huế cần gắn liền với việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp chất lượng cao và có khả năng hội nhập tốt.
Di sản cố đô Huế
Đà Nẵng - Trung tâm kinh tế và đổi mới sáng tạo. Khác với Huế, Đà Nẵng lại nổi lên như một thành phố năng động, hiện đại, với vị trí địa lý chiến lược là trung tâm kết nối giao thông của khu vực. Nơi hội tụ nhiều lợi thế về hệ thống giao thông kết nối với nhiều thành phố trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và hội nhập quốc tế như Cảng biển Đà Nẵng là một trong những cảng biển lớn nhất miền Trung, điểm cuối cùng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC); sân bay Đà Nẵng là sân bay quốc tế sầm uất thứ 3 tại Việt Nam, với nhiều đường bay kết nối quốc tế và nội địa. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, các trường đại học, viện nghiên cứu... Đây là những “nội lực” quan trọng, tạo cơ hội cho Đà Nẵng phát triển dần trở thành Trung tâm logistics lớn của miền Trung, là Vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và quốc tế. Đà Nẵng cần định vị mình là trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, công nghệ của khu vực, là một thành phố đáng sống, đáng đầu tư. Chiến lược của Đà Nẵng cần tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và đặc biệt là xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn.
Thành phố Đà Nẵng
Hợp lực và liên kết vùng - bước tiến của Huế và Đà Nẵng
Tuy sở hữu những lợi thế riêng, cả Huế và Đà Nẵng đều phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình phát triển. Và để vượt qua những thách thức đó, việc hợp lực và liên kết vùng là một yêu cầu tất yếu.
Thách thức: Một trong những thách thức lớn nhất mà Huế và Đà Nẵng đang phải đối mặt là sự cạnh tranh, không chỉ bởi các địa phương trong khu vực miền Trung mà còn cả những quốc gia trong khu vực ASEAN. Bởi họ cũng có những tiềm năng văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế tương tự, cùng với đó là những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn đối với khu vực, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán, nước biển dâng... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, và môi trường. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương trong khu vực còn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc giao thương, đi lại, và phát triển du lịch.
Cơ hội: Bên cạnh những thách thức đang đặt ra, Huế và Đà Nẵng đang đứng trước những cơ hội phát triển to lớn. Tiềm năng du lịch của khu vực vẫn còn rất lớn, đặc biệt là du lịch văn hóa, sinh thái, biển đảo, và du lịch cộng đồng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư mang đến cơ hội để hai địa phương phát triển các ngành công nghệ thông tin, trở thành trung tâm về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghệ cao, logistics, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, quản lý đô thị, ... Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giải pháp hợp lực và liên kết vùng: Để vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội, Huế và Đà Nẵng cần hợp lực và liên kết vùng một cách chặt chẽ và hiệu quả. Điều này bao gồm việc xây dựng một quy hoạch tổng thể liên kết phát triển giữa các địa phương, phát triển các tuyến giao thông kết nối các điểm du lịch, khu công nghiệp, các cảng biển, sân bay. Các địa phương cần hợp tác trong việc xây dựng các tuyến du lịch liên vùng, kết nối các điểm đến văn hóa, lịch sử, sinh thái, biển đảo, từ đó tạo ra một sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn. Hợp tác kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng, liên kết vùng không chỉ dừng lại ở các cấp chính quyền, mà các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các địa phương cần chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nguồn lực trong đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Việc khai thác nội lực, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, và đặc biệt là sự hợp tác, chia sẻ sẽ là chìa khóa để Huế và Đà Nẵng thực sự trở thành những trung tâm phát triển bền vững, đóng góp vào sự thịnh vượng chung cả nước và của khu vực.
Nguyễn Toàn