Huy động cả hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện; chỉ đạo cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW đến tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp; nâng cao hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Từ năm 2014 đến nay, đã tổ chức 2.343 cuộc đối thoại giữa bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; 7.546 buổi tiếp dân định kỳ và đột xuất với 2.330 lượt công dân; tiếp nhận và giải quyết 12.978 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Bên cạnh đó, có 19/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 01 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, 09/10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102/102 đơn vị hành chính cấp xã tiếp tục duy trì việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Đặc biệt, tỉnh Kon Tum có 1.623 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2; 32 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3.
Các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum thực hiện công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đóng góp 391.644 ngày công giúp nhân dân sản xuất, chăm sóc và thu hoạch hoa màu, tu sủa đường, nạo vét kênh mương...; huy động 1.788 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia các chốt kiểm soát khu vực biên giới, nội địa phòng, chống dịch bệnh Covid-19; cử trên 35 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ giúp dân khắc phục thiên tai, hỏa hoạn; khám và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân với tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động 5.602 lượt cán bộ, chiến sỹ giúp dân khắc phục thiên tai, hỏa hoạn; khám, cấp phát thuộc miễn phí cho 2.654 lượt người, trị giá 63 triệu đồng.
Lực lượng vũ trang tỉnh giúp nhân dân làm đường giao thông nông thôn
(Nguồn:danvan.vn)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng “hướng về cơ sở, sát với cơ sở”, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các phong trào, cuộc vận động, qua đó đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận của Nhân dân, đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao được duy trì và nhân rộng, trong đó có 587 mô hình về phát triển kinh tế-văn hóa xã hội; 191 mô hình về Quốc phòng an ninh, 388 mô hình về văn hoá xã hội. Phát huy được vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS), thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đến nay, trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, 50,68% hộ đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tập quán lạc hậu, tự lực vươn lên thoát nghèo; 49,87% hộ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; 41,02% hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Cuối năm 2022, có 6.115 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo; 2.149 hộ đồng bào DTTS thoát cận nghèo. Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng phát huy hiệu quả. Từ năm 2013 đến 2022, Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức trên 4.300 cuộc giám sát, hơn 1500 cuộc phản biện; đã có hơn 15.000 lượt/25.000 ý kiến tham gia, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Bộ đội giao lưu cùng đồng bào Gié Triêng ở thôn Nông Kon (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) tại Chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản"
(Nguồn: baodantoc.vn)
Những bài học kinh nghiệm
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07-01-2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, tỉnh Kon Tum rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt. Đồng thời, xác định công tác dân vận phải gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Hai là, việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW và Kết luận số 43-KL/TW phải phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Cán bộ xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) hướng dẫn người dân thôn Đăk Wơt Yốp kỹ thuật tỉa cành, chăm sóc cây cà-phê
(Nguồn: baovemoitruong.org.vn)
Ba là, phải phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong thực hiện công tác dân vận, nhất là việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sách nhiễu, xâm phạm quyền và lợi ích của nhân dân.
Bốn là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên; thường xuyên lắng nghe, nắm tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhân dân để đề ra nội dung, phương thức dân vận phù hợp. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân.
Năm là, thường xuyên rà soát, củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngang tầm với nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về công tác dân vận. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để xác định các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện./.
Đặng Thị Vân