Những tín hiệu vui tạo đà và niềm tin cho Long An phát triển
Long An đang nổi lên là một địa phương có sức hút với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký mới là 35.492 tỷ đồng. Đặc biệt, 39 dự án vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu, vốn đầu tư cấp mới 408,5 triệu USD (tăng 162 triệu USD). So với cùng kỳ, số vốn đăng ký đầu tư tăng gần 263%. Để có được kết quả đó, cùng với việc phát huy thế mạnh của tỉnh ở hệ thống giao thông thuận lợi, có các khu công nghiệp lớn và các cửa khẩu quốc tế, tỉnh đã nỗ lực tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư như: đón tiếp đoàn Thị trưởng thành phố Yangsan, tỉnh Gyeongsangnam-do (Hàn Quốc); tỉnh Okayama (Nhật Bản); tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM); Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam... Ngoài ra, các dự án giao thông trọng điểm được tỉnh triển khai đẩy mạnh; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao, 6 tháng năm 2023 đạt 46,69%, xếp thứ 3/63 cả nước.
Công trình trọng điểm Đường tỉnh 830 tỉnh Long An
(Nguồn: báo Long An online)
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển ổn định; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng được tập trung thực hiện quyết liệt. GRDP của tỉnh đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đứng thứ 9/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 6 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Long An là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh ngay sau đó đã triển khai Đề án Phát triển nhanh và bền vững tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 9%/năm. Kế hoạch này nhấn mạnh sự phát triển bền vững, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, cùng với phát triển kinh tế tri thức, xanh, và tuần hoàn. Thực hiện khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tận dụng cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số; đồng thời tập trung phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định đời sống người dân, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Đến năm 2050, Long An phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đang trên đà phát triển thành đô thị loại III
(Nguồn: Cổng thông tin Bộ Xây dựng)
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh Long An
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Một là, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo đảm đồng bộ. Tạo đột phá chính sách để thu hút vốn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật trong phát triển hạ tầng, nhất là tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, điện lực, nước sạch và các cơ sở hạ tầng khác; khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh quy mô lớn, các nhóm ngành công nghiệp xanh, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển các ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và chất lượng cao; hỗ trợ và phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và tận dụng lợi thế so sánh của tỉnh;
Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách thu hút nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề, kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác. Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường; phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực của chính quyền đáp ứng yêu cầu quản lý đối với đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và xây dựng đô thị thông minh; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bốn là, tăng cường hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tập trung ưu tiên hợp tác về đấu nối các tuyến giao thông trọng điểm của quốc gia và của vùng, phát triển dịch vụ logistics, chế biến nông sản, khu công nghiệp, xử lý rác thải và năng lượng. Chủ động tích cực tham gia các hoạt động điều phối, liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ về nhiều lĩnh vực. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quảng bá và giới thiệu hình ảnh của tỉnh Long An, nhằm thu hút đầu tư và du khách đến tham quan, làm việc và đầu tư vào tỉnh.
Trần Minh Quang - Trường Chính trị tỉnh Long An