Dấu ấn thu hút FDI của Nghệ An và nguyên nhân của thành công
Nếu như những năm trước đó, Nghệ An vẫn thường nằm ngoài nhóm 20 địa phương dẫn đầu trong thu hút vốn FDI thì đến năm 2022 đã thay đổi thứ hạng nhanh chóng khi tỉnh này vươn lên thứ 11 trong số các địa phương hút nhiều vốn FDI, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Năm 2023, Nghệ An đã thu hút được 1,603 tỷ USD vốn FDI, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nghệ An là tỉnh duy nhất được 5 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư: Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng, giúp Nghệ An vươn lên là “thủ phủ” mới về sản xuất linh kiện điện tử của Việt Nam. Một số dự án có tổng vốn đầu tư lớn như dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (199,8 triệu USD), dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD), Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (500 triệu USD). Ngoài ra, còn có đối tác hàng đầu của Apple - Foxconn quyết định đầu tư 100 triệu USD tại Khu công nghiệp WHA Nghệ An.
Dự án khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An
(Nguồn: congluan.vn)
Để đạt được những kết quả đó là sự kiên trì mục tiêu đặt ra từ những năm 2014 - 2016 và sự chuẩn bị 5 điều kiện “sẵn sàng” của Nghệ An. Sẵn sàng đầu tiên là công tác quy hoạch. Giai đoạn trước đây, tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 11 khu công nghiệp (KCN). Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung thêm nhiều KCN, cụm công nghiệp (CCN) vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, tỉnh đang triển khai lập đề án mở rộng khu kinh tế (KKT) Đông Nam lên trên 100.000ha và đổi tên thành KKT Nghệ An.
Thứ hai, giải pháp liên quan đến mặt bằng đầu tư cũng được tỉnh đẩy mạnh. Minh chứng điển hình là KCN Thọ Lộc quy mô 500ha, KCN Hoàng Mai II quy mô trên 300ha đang được các nhà đầu tư có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN trong nước và quốc tế như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt... Từ đó, các KCN này sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mặt bằng, quỹ đất thu hút đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu và đầu tư.
Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. Một số tuyến đường giao thông trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tiêu biểu là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Hay việc dự kiến mở rộng cảng nước sâu Cửa Lò với quy mô 3 bến, diện tích sử dụng đất khu hậu phương cảng là 32ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6.949 tỷ đồng; thực hiện mở rộng, cải tạo sân đỗ máy bay - Cảng Hàng không quốc tế Vinh.
Thứ tư, sự chuẩn bị “dài hơi" về nguồn nhân lực. Với lợi thế hơn 1,6 triệu người lao động, mỗi năm đưa vào thị trường khoảng 45.000 người, với hơn 30.000 nhân lực đã qua đào tạo; cùng 17 trường đại học và cao đẳng, 70 cơ sở đào tạo nghề, tỉnh sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng lâu dài cho doanh nghiệp nước ngoài. Nghệ An cũng đưa ra các chính sách đào tạo tập trung vào kiến thức chuyên sâu, tay nghề cao, tính chuyên nghiệp và kỹ năng ngoại ngữ.
Thứ năm, tập trung đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, sẵn sàng đồng hành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các khó khăn vướng mắc. Đáng chú ý nhất là trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư.
Nghệ An cần làm gì để đạt mục tiêu thu hút FDI những năm tiếp theo?
Không dừng lại ở kết quả đã đạt được, Nghệ An đã đặt mục tiêu phát huy những thành tựu đã có, khắc phục những hạn chế để liên tục thu hút vốn FDI từ cả đối tác truyền thống và mới trong giai đoạn 2021-2030. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Cảng nước sâu Cửa Lò; đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh; đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2), đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ), đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An)..., phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An.
Một góc Khu công nghiệp Hoàng Mai (Nghệ An)
(Nguồn: dukdn.nghean.gov.vn)
Tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng hiện có để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch đón các nhà đầu tư thứ cấp từ làn sóng đầu tư mới. Đồng thời chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng KCN, CCN. Tiếp tục hoàn thiện Đề án mở rộng KKT Đông Nam thành KKT Nghệ An để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để triển khai KCN VSIP Nghệ An II diện tích 500 ha và KCN Hoàng Mai II diện tích hơn 334 ha để sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương (huyện, xã) trong công tác giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư nói chung, trong đó đặc biệt đối với các nhà đầu tư chiến lược, đang triển khai các dự án lớn, các dự án trọng điểm thu hút đầu tư.
Nâng cao chất lượng nhân lực, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật có tay nghề, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học... Tăng cường hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để thực hiện việc đào tạo nghề, nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, tạo dựng từng bước vững chắc để hoàn thiện môi trường sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng Nghệ An thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Khoa học công nghệ vùng Bắc Trung bộ. Cần nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn trong tái cơ cấu, chức năng, định hướng hệ thống trường học, nhất là đại học, dạy nghề.
Năm 2024, với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế sẽ không còn là lợi thế để thu hút FDI buộc Nghệ An phải có các công cụ khác đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, phải tiếp tục việc rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt gánh nặng về chi phí thủ tục hành chính, tăng cường sự minh bạch, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thiết lập hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ.
Cảng hàng không quốc tế Vinh
(Nguồn: dukdn.nghean.gov.vn)
Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với các nhà đầu tư, các cuộc giao ban với các hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho các dự án hoạt động hiệu quả, tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh nhà, tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
Đẩy mạnh hoạt động kết nối đầu tư với các nhà đầu tư từ thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh vào các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành trung ương và các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại, du lịch. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các tham tán đầu tư, tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam như: AusCham; Kotra, Jetro, EuroCham, KCCI, ...
Hồ Thanh Thủy