Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của ngành nông nghiệp đạt 2,86%; cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ trồng trọt, tăng tỷ lệ dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 153,3 triệu đồng, tăng 13,5 triệu đồng so với năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 148 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 80 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 68 sản phẩm đạt 4 sao. Nông nghiệp liên tục được mùa, năng suất và chất lượng lúa tăng lên, diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao tiếp tục được mở rộng. Thủy sản tăng trưởng mạnh cả về diện tích nuôi trồng, sản lượng khai thác và giá trị kinh tế. Công tác quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên được thực hiện tốt; đẩy mạnh chính sách khoán rừng; tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2023 đạt 19,62%.
Thu hoạch dứa tại nông trại dứa Đồng Giao, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình
(Nguồn: doveco.com.vn)
Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả tốt. Đến nay, 100% các huyện, thành phố của tỉnh đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 33 thôn, xóm được công nhận thôn, xóm nông thôn kiểu mẫu; hai thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh[1]. Những kết quả này đem lại luồng gió đổi mới cho sự phát triển toàn diện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh Ninh Bình, nhờ đó, bức tranh kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh ngày một "khởi sắc", góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Mô hình trồng hoa công nghệ cao của nông dân xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình.
(Nguồn: baoninhbinh.org.vn)
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp những khó khăn, bất cập trong thực hiện chủ trương phát triển “tam nông”: chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Cơ sở hạ tầng nông thôn tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ; môi trường nông thôn chưa được xử lý triệt để, nhất là tại khu chăn nuôi tập trung, làng nghề, làng nghề truyền thống; chuyển đổi số trong nông nghiệp còn chậm. Các hình thức liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; sản phẩm nông nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn còn ít...
Để đạt được mục tiêu phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, thời gian tới, tỉnh cần tập trung các giải pháp trọng tâm: đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho nông dân và cư dân nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển dịch vụ nông thôn; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm ổn định; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; chủ động hợp tác, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các tố chức chính trị - xã hội ở nông thôn.
[1] Báo cáo số 387-BC/TU ngày 13/10/2023 của BTV Tỉnh ủy Ninh Bình đánh giá 01 năm thực hiện Nghị quyết 19
Mai Ngọc