Năm 2000 toàn tỉnh có trên 5.000 người có trình độ đại học trở lên, trong đó 4.952 cử nhân, 55 thạc sỹ và 6 tiến sĩ. Các tổ chức – hội thành viên còn ít, các hoạt động của các hội viên còn chưa đa dạng, phong phú... Nhìn chung, đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị chưa theo kịp yêu cầu phát triển của tỉnh cũng như mặt bằng chung cả nước, các cơ chế chính sách chưa thật sự phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, công tác xây dựng đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tỉnh đã tạo dựng được môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức thông qua ban hành một loạt chính sách phù hợp, như ban hành Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND, ngày 31/5/2013 về quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020; Nghị quyết số 166/2021/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026...; quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị; Quy chế hợp đồng trí thức trẻ về công tác tại địa phương; khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ...
Tỉnh đã ban hành một số chính sách nhằm trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, như: quy hoạch cán bộ; thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng cán bộ. Trong công tác quy hoạch cán bộ đã quan tâm đến những tri thức có trình độ cao; có năng lực, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, những nhân tố mới, cán bộ trẻ có triển vọng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức gặp mặt các trí thức có học vị tiến sĩ, thạc sĩ và tương đương đang công tác, sinh sống trên địa bàn tỉnh để động viên, lắng nghe ý kiến tâm huyết, những kiến nghị, đề xuất để giúp tỉnh có chủ trương, chính sách sát hợp trong công tác quản lý, phát huy năng lực, sở trường đội ngũ trí thức trong việc xây dựng phát triển tỉnh nhà.
Lãnh đạo tỉnh, Tỉnh Đoàn Quảng Trị trao tặng quà các trí thức trẻ, thanh niên khởi nghiệp tỉnh Quảng Trị.
(Nguồn: tienphong.vn)
Tỉnh quan tâm, chú trọng hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Các loại hình đào tạo ngày càng được đa dạng hóa; chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định và có bước phát triển; chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được kết quả đáng phấn khởi. Chỉ sau 4 năm Nghị quyết 27-NQ/TW được ban hành, năm 2012, toàn tỉnh có hơn 24.000 người có trình độ đại học trở lên, tăng gấp đôi so với năm 2007, trong đó có trên 790 thạc sỹ, 38 tiến sỹ và nhiều người đang theo học, nghiên cứu, bảo vệ luận văn, luận án tiến sĩ, thạc sĩ trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở tỉnh Quảng Trị là 25,1%, cao hơn cả nước (23,1%) và các khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung (22,7%). Năm 2019, tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, gấp 2,5 lần so với năm 2009. Điều này cho thấy giáo dục đại học và sau đại học của tỉnh Quảng Trị đã có bước chuyển mình, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, vai trò, trách nhiệm của trí thức trong tỉnh đã từng bước được phát huy. Hiện nay, tổ chức Liên hiệp Hội của tỉnh Quảng Trị có 38 thành viên (18 hội chuyên ngành, 7 hội địa phương, 13 tổ chức thành viên) và 03 đơn vị trực thuộc. Trên 11.000 người được tập hợp vào đội ngũ trí thức, trong đó, hơn 8.200 người có trình độ đại học trở lên. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước như đã tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội 150 đề án/dự án kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh, các ngành, huyện, thị xã; Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI, XVII; Báo cáo Chính trị Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Địa chí Quảng Trị, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham vấn góp ý dự thảo khung định hướng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Ngày 23/12/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị (Liên hiệp Hội) tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
(Ảnh: tuyengiao.vn)
Các trí thức của tỉnh cũng có nhiều ý kiến tâm huyết cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII, góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó, tổ chức, tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động chuyên môn, sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...; phối hợp, chủ trì một số cuộc hội thảo khoa học như: “Hội thảo khoa học quốc tế về hợp tác nghiên cứu và phát triển mạng lưới hoạt động an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng trong tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ ba tại Quảng Trị - Việt Nam” (2016), “Chương trình giảm phát thải (ER-P) vùng Bắc Trung Bộ tại Quảng Trị” (2018)...
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức của tỉnh Quảng Trị ngày càng lớn mạnh, góp phần đưa địa phương này chuyển mình vươn lên, tạo điều kiện để Quảng Trị phấn đấu đạt mục tiêu trở thành tỉnh thuộc nhóm có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu của cả nước vào năm 2030./.
Như Quỳnh