Nước nhà giành độc lập hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Ngắn gọn, súc tích, Người đã mạnh dạn chỉ ra những thói hư, tật xấu của đội ngũ cán bộ và mong muốn họ sửa chữa, để làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của một chính quyền vì dân. Những lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự hôm nay
Vị trí, vai trò của nhân dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ
Mở đầu bức thư, Người chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa nhân dân và Chính phủ, đồng thời xác định rõ vị trí rất quan trọng của nhân dân trong mối quan hệ với Chính phủ: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường”. Từ đó, Người khẳng định rõ nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ phải chăm lo là giá trị của độc lập, tự do thực sự. Bởi vì, “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần về thăm quê nhà Nghệ An (Ảnh tư liệu)
Thói hư, tật xấu cán bộ cần phải tránh
Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra sáu căn bệnh mà cán bộ đã mắc phải lúc này:
Một là, “Trái phép”. Người nói rõ về thói hư tật xấu này “... có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán”. Tức là, bắt người và tịch thu tài sản không đúng. Có thể họ không có tội hoặc tội chưa đến mức nhưng vì những thù oán cá nhân trước đây nên đã bắt bớ và tịch thu oan. Mà đã oan thì tất dẫn đến oán. Đây là biểu hiện của tâm lý tiểu nông, lợi dụng chức vụ để trả thù cá nhân.
Hai là, “Cậy thế”. Bác đã mạnh dạn chỉ rõ thói xấu này: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.
Ba là, “Hủ hoá”. Từ này không giống với nghĩa của nó thường được dùng sau này với nghĩa quan hệ nam -nữ bất chính. Theo Bác, “Hủ hóa” là tham ô, tham nhũng: “...Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”. Người lấy ví dụ cụ thể hơn: “ Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô các cậu uỷ viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”.
Bốn là, “Tư túng”, nghĩa là bố trí cán bộ theo cảm tính, dựa vào quan hệ riêng tư, thân thiết để tạo vây cánh, bè phái...không phải dựa vào tiêu chuẩn (tài, đức) theo quy định. Bác chỉ rõ: “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”.
Năm là, “Chia rẽ”, nghĩa là gây mất đoàn kết nội bộ. Người chỉ ra rằng: “Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hoà thuận với nhau”.
Sáu là, “Kiêu ngạo”. Bác vạch rõ tật xấu này: “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”.
Bài học cho hôm nay
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta những bài học thật sâu sắc không chỉ đối với hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống các địa phương, mà còn đối với cả hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội) và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Một là, cần nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của nhân dân dân trong mối quan hệ với các cơ quan của Nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung. Họ chính là đối tượng quản lý của nhà nước song cũng là người được thụ hưởng những chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó, các cơ quan Nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung, phải chăm lo cho nhân dân thụ hưởng nhiều nhất quyền lợi của họ.
Hai là, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung là “công bộc của của dân”. Nghĩa là người phục vụ nhân dân chứ không phải “phụ mẫu chi dân” và “đè đầu, cưỡi cổ” nhân dân như chế độ thực dân, phong kiến.
Ba là, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự soi, sửa mình theo các thói hư tật xấu mà Bác đã chỉ ra. Từ đó, nếu sai thì phải sửa ngay.
Bốn là, các cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra Nhà nước phải vào cuộc để soi lại đội ngũ cán bộ mình đã và đang quản lý xem có mắc phải những lỗi mà Bác đã chỉ ra hay không. Nếu có, phải kịp thời uốn nắn, nhắc nhở, thậm chí kỷ luật hoặc đề nghị truy tố...
Bức thư hết sức ngắn gọn nhưng hàm chứa bao điều sâu sắc. Đặc biệt là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: vị trí, vai trò, nghĩa vụ trách nhiệm của Chính phủ và người dân. Bên cạnh đó, Bác còn chỉ ra những căn bệnh mà một số cán bộ đã mắc phải lúc này. Tuy nhiên, chỉ ra những căn bệnh ấy với một mong muốn duy nhất là để cho cán bộ ngày càng tốt hơn, làm tròn bổn phận “công bộc” của mình. Người khẳng định: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng”.
Những bài học từ bức thư của Bác vẫn còn nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kếtt luận đã chỉ rõ: “Để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.
Để thực hiện thắng lợi Kết luận này, thiết nghĩ, cán bộ, đảng viên các cơ quan trong hệ thống chính trị nên nghiêm túc đọc và suy ngẫm lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trên.
Minh Lê