Trung tâm học tập cộng đồng là nơi giúp người dân tiếp cận tri thức, phát triển các kỹ năng sống và nghề nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng cường sự bình đẳng trong xã hội. Việc nâng cao hiệu quả của các trung tâm học tập cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững cho người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1716/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030. Chương trình được áp dụng cho các Trung tâm học tập cộng đồng thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên phạm vi toàn quốc trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là tạo chuyển biến trong việc tổ chức các chương trình và hoạt động giáo dục của trung tâm học tập cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đảm bảo đến năm 2030, người chưa biết chữ được theo học các lớp xóa mù chữ có chất lượng; người lớn tuổi, người lao động có cơ hội theo học chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học, cập nhật kiến thức kỹ năng chuyển giao công nghệ một cách thiết thực, hiệu quả; góp phần vào nâng cao dân trí, tìm việc làm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, xây dựng xã hội học tập.
Chương trình hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:
Một là, 100% trung tâm học tập cộng đồng được bổ sung nhân lực để tổ chức hoạt động, trong đó:
- Ít nhất 60% giáo viên của các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục chính quy được cử sang hỗ trợ hoạt động tại trung tâm.
- 100% trung tâm phát triển được mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên trong số các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, bộ đội biên phòng, công an đóng trên đóng trên địa bàn hỗ trợ trung tâm tổ chức và hoạt động.
- Ít nhất 70% trung tâm có nhà giáo nghỉ hưu, già làng, trưởng bản, sinh viên tình nguyện tự nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động tại trung tâm.
Hai là, 100% trung tâm có địa điểm làm việc hoặc văn phòng điều hành riêng, có máy tính kết nối internet; 90% trung tâm có tủ sách/thư viện cộng đồng, có kết nối intremet/wifi miễn phí để hỗ trợ người dân học tập.
Ba là, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động tại trung tâm; 70% giáo viên, báo cáo viên được tập huấn nâng cao năng lực phát triển học liệu số; 70% tình nguyện viên tham gia hỗ trợ hoạt động của trung tâm được tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn phát triển giáo dục cộng đồng.
Bốn là, 100% trung tâm sử dụng tài liệu được biên soạn theo Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; hằng năm huy động ít nhất 10,5% số người trong độ tuổi từ 15 - 60 chưa biết chữ học Chương trình Xóa mù chữ giai đoạn 1 và 2% số người trong độ tuổi từ 15 - 60 học Chương trình Xóa mù chữ giai đoạn 2 khi đã hoàn thành xóa mù chữ giai đoạn 1; hằng năm huy động tối thiểu 5% tỷ lệ gia tăng số lượt người trong độ tuổi từ 15 - 60 học Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học tại trung tâm.
Năm là, ít nhất 90% trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, tổ chức hoạt động giáo dục, đạt mức độ cơ bản trở lên. 100% trung tâm được bổ sung, cập nhật, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Ít nhất 80% trung tâm hoặc cơ sở giáo dục được giao thực hiện Chương trình Xóa mù chữ sử dụng tài liệu xóa mù chữ điện tử và các bài giảng điện tử để học viên lớp xóa mù chữ có thể học mọi nơi, mọi lúc.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trung tâm học tập cộng đồng
Thứ nhất, truyền thông nâng cao nhận thức
- Truyền thông về vai trò, nhiệm vụ của trung tâm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc cung ứng các chương trình giáo dục; thúc đẩy học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
- Tăng cường các hoạt động thúc đẩy học tập suốt đời tại trung tâm thông qua tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam và Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hằng năm; xây dựng không gian văn hóa, học tập cộng đồng gắn với phong tục, tập quán của người dân tại các thôn/bản, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư, nhà truyền thống...; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân học tập suốt đời, hỗ trợ hoạt động của trung tâm.
Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương
- Các cấp chính quyền địa phương tích cực xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục, phổ biến, quán triệt quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đến Đảng viên và nhân dân về thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; thông qua hoạt động tại trung tâm giúp người dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, tăng cao năng suất lao động.
- Thực hiện sơ kết, tổng kết: Phát hiện các vấn đề mới phát sinh cần xử lý kịp thời; phát hiện, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình hoạt động hiệu quả của các trung tâm, giữa các địa phương; tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất trong quản lý, tổ chức hoạt động của trung tâm.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trung tâm học tập cộng đồng
Thứ nhất, rà soát, nghiên cứu kiện toàn tổ chức của trung tâm để thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ. Nghiên cứu hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019 và đặc thù đối với trung tâm tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ hai, xây dựng khung năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và bộ tiêu chí đánh giá trung tâm theo định hướng xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng theo hướng mở rộng loại hình trung tâm tư thục để tạo môi trường chia sẻ, hỗ trợ học tập giữa các vùng thuận lợi và khó khăn; hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa trung tâm với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn cơ chế huy động nguồn lực cho trung tâm học tập cộng đồng.
Thứ tư, nghiên cứu chính sách phù hợp để các trung tâm có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách, cán bộ hợp đồng tham gia quản lý trung tâm; chính sách hỗ trợ giáo viên được cử sang hỗ trợ hoạt động trong các trung tâm học tập cộng đồng; cơ chế hỗ trợ kinh phí động viên các nhà giáo đã nghỉ hưu, già làng, trưởng bản tự nguyện tham gia các hoạt động tại trung tâm học tập cộng đồng.
Ba là, nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện các chương trình giáo dục tại trung tâm học tập cộng đồng
Thứ nhất, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giám đốc trung tâm theo Khung năng lực quản lý hoạt động trung tâm học tập cộng đồng; tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học người lớn/giáo dục cộng đồng, phương pháp dạy xóa mù chữ gắn với lao động sản xuất và phát triển kinh tế cho giáo viên, báo cáo viên, già làng, trưởng bản, công an, bộ đội biên phòng.
Thứ hai, biên soạn sổ tay hướng dẫn tổ chức hoạt động trung tâm học tập cộng đồng. Chuẩn hóa quy trình tổ chức thực hiện Chương trình Xóa mù chữ trong các trung tâm theo hướng phối kết hợp với các cơ sở giáo dục, lực lượng hỗ trợ khác.
Thứ ba, phối hợp hoạt động giữa trung tâm học tập cộng đồng với trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã trong việc duy trì, phát huy và thúc đẩy các nét văn hóa, di sản và bản sắc cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua các lớp học của người dân tại trung tâm học tập cộng đồng.
Bốn là, huy động nguồn lực cho trung tâm học tập cộng đồng
Thứ nhất, củng cố, xây dựng và hỗ trợ cơ sở vật chất và các trang thiết bị tối thiểu để trung tâm đủ năng lực hoạt động. Thúc đẩy phối kết hợp giữa trung tâm tại các xã biên giới có đồn Biên phòng trong việc vận động, huy động người học Chương trình Xóa mù chữ.
Thứ hai, xây dựng mô hình “Tổ liên gia xóa mù chữ” hướng dẫn, dạy học xóa mù chữ tại nhà dân tại các cụm dân cư, các vùng thưa dân cư. Xây dựng cơ chế hỗ trợ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu giáo chức tại địa phương, những người tự nguyện tham gia hướng dẫn hỗ trợ dạy học xóa mù chữ tại khu vực người học sinh sống.
Thứ ba, khuyến khích mỗi cơ sở giáo dục đại học kết nối với ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng để hỗ trợ hoạt động, giới thiệu sinh viên tình nguyện, cung cấp nguồn học liệu, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và những người tình nguyện tham gia hoạt động tại trung tâm.
Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động tại trung tâm học tập cộng đồng
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục; tăng cường sử dụng phần mềm quản lý trung tâm; từng bước khai thác hạ tầng số, trang thiết bị, đường truyền để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa bài giảng và cung ứng các chương trình giáo dục, nhất là chương trình xóa mù chữ cho người dân.
Thứ hai, đẩy mạnh việc cung cấp nguồn học liệu số thông qua môi trường internet; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn trong việc cung cấp nguồn học liệu để hỗ trợ đáp ứng nhu cầu học tập của người học.
Sáu là, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng điển hình
Thứ nhất, lựa chọn và chỉ đạo thí điểm tại 3 miền một số trung tâm khu vực biên giới, trong đó chú trọng phối hợp với đồn biên phòng địa phương trong việc huy động người học tại các trung tâm học tập cộng đồng.
Thứ hai, các địa phương lựa chọn, chỉ đạo điểm ít nhất một trung tâm để đầu tư, huy động nguồn lực phù hợp với vùng miền, làm cơ sở nhân rộng điển hình, lan tỏa, để học tập cách hay, làm sáng tạo và hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường phối hợp với một số quốc gia, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm xây dựng mô hình trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả để hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục. Tổ chức học tập kinh nghiệm quốc tế về mô hình trung tâm hoạt động hiệu quả.
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1716/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2024 phê duyệt Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030).