Nằm bên dòng sông Thái Bình êm đềm, làng gốm Chu Đậu, thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là một trong những cái nôi của nghệ thuật gốm sứ truyền thống Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, gốm Chu Đậu không chỉ giữ được nét tinh xảo mà còn trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.
Làng gốm Chu Đậu vẫn giữ nguyên nét đẹp tinh hoa gốm qua nhiều thế kỷ. Ảnh: Internet
Trải dài trên mảnh đất hình chữ S, từ Nam chí Bắc, nghề gốm ở nước ta ra đời ở nhiều nơi, nhưng nhắc đến gốm Việt Nam, thì không thể không nhắc đến gốm Chu Đậu - Nét tinh hoa văn hóa Việt với nhiều loại men, họa tiết, hoa văn độc đáo, riêng biệt, thuần Việt chỉ có ở đồ gốm Chu Đậu.
Ngược dòng lịch sử, địa danh Chu Đậu theo nghĩa Hán là “Bến thuyền đỗ”, vào thế kỷ XV nơi đây là một xã nhỏ thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, nằm liền kề với tả ngạn sông Thái Bình - Một nhánh của sông Lục Đầu, có thể đi về kinh thành Thăng Long, đi ra biển, rất thuận lợi cho giao thương, buôn bán bằng đường thủy lúc bấy giờ. Nghề gốm Chu Đậu được hình thành, phát triển từ khoảng thế kỷ XII, XIII và phát triển rực rỡ, thịnh vượng nhất trong các thế kỷ XIV-XVII. Đây là thời kỳ gốm sứ Việt Nam đạt đến đỉnh cao với những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, do biến động lịch sử, làng nghề gốm Chu Đậu dần mai một và bị lãng quên suốt hơn 300 năm. Mãi đến năm 1980, gốm Chu Đậu được phát hiện lại từ một chiếc bình gốm lưu giữ tại Viện Bảo tàng Takapisaray (thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) và năm 1986, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ Chu Đậu và tìm thấy nhiều di vật cho thấy nơi đây từng là một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp của Việt Nam. Cuộc khai quật tại làng Chu Đậu đã đưa tinh hoa gốm Việt trở về với người dân quê hương.
Người có công lớn với nghề gốm cổ truyền Chu Đậu là nghệ nhân Đặng Mậu Nghiệp, tự là Huyền Thông. Ông quê ở thôn Cổ Phường, xã Hùng Thắng, Huyện Thanh Lâm, Phủ Nam Sách xưa (nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông đã tạo ra những sản phẩm gốm quý gồm những chân đèn men lam, rồng đắp nổi, trang trí rậm, đó là những nét tiêu biểu, điển hình cho quan điểm thẩm mĩ thời Nhà Mạc, đậm chât dân gian. Ngoài ra, ông còn sáng tạo những bát hương lớn cùng một thể loại và hiện nay vẫn còn được lưu truyền tại nhiều đền, chùa Bắc Bộ. Toàn bộ sản phẩm của ông đều được phủ một loại men trong, dày và có màu xanh sẫm, đôi khi có lẫn màu ghi xám hay ngả vàng. Để ghi nhớ công đức của ông, hiện nay trong nhiều văn bia, tập trung nhiều nhất là ở thôn Hùng Thắng còn ghi lại những việc làm quan trọng của ông.
Nghệ nhân dùng bút vẽ lên những hoa văn hoặc bức tranh nghệ thuật. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Hý, hiệu là Vọng Nguyệt - một nghệ nhân gốm xuất sắc thể kỷ XV được xem là bà tổ của gốm Chu Đậu. Bà sinh năm 1420, ở trang Quang Ánh, châu Nam Sách (nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc). Bà đã chế tác nhiều hoa văn và kiểu mẫu cho gốm Chu Đậu. Chính trên chiếc bình gốm lưu giữ tại Viện Bảo tàng Takapisaray (thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) và năm 1986 có ghi dòng chữ "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút", tạm dịch là: "Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi".
Thông thường, khi nhắc đến nghệ thuật gốm Việt Nam, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến gốm Bát Tràng. Nhưng ít ai biết rằng, nếu xét về lịch sử và tính thuần Việt thì gốm Chu Đậu (Nam Sách – Hải Dương) vẫn được giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Gốm Chu Đậu là sự kế thừa của gốm Vạn Yên (Kiếp Bạc) thế kỷ XIII, gốm Lý – Trần về lớp men ngọc và tạo khắc hoa văn chìm nổi, kiểu dáng thanh thoát. Bởi vậy, gốm Chu Đậu thời đó đã đạt được bốn tiêu chuẩn “Trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông” hay nói cách khác gốm Chu Đậu đã đạt đến sự tuyệt mỹ từ dáng vẻ, chất men đến họa tiết, hoa văn trang trí. Gốm Chu Đậu mang những đặc trưng riêng biệt mà ít dòng gốm nào sánh được. Chất liệu tự nhiên từ đất sét trắng mịn của vùng đất Hải Dương, kết hợp với men tro truyền thống tạo nên lớp men sáng bóng, mượt mà. Họa tiết vô cùng tinh tế, các hoa văn trên gốm thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên, đời sống, như hoa sen, chim muông, hay những bức tranh phong cảnh. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc bản, thể hiện tay nghề điêu luyện của người thợ gốm; Màu sắc gốm Chu Đậu nổi bật với màu men ngọc, men trắng xanh, kết hợp với các kỹ thuật vẽ chìm, khắc nổi.
Công nhân Công ty cổ phần gốm Chu Ðậu vẽ hoa văn trên sản phẩm gốm. Ảnh: nhandan.vn
Để tạo ra những sản phẩm gốm Chu Đậu chất lượng, vừa làm nổi bật giá trị truyền thống vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, việc làm gốm Chu Đậu đòi hỏi sự tỉ mỉ qua nhiều công đoạn. Từ khâu chọn đất, đất sét phải được lọc kỹ, loại bỏ tạp chất đến khâu tạo hình đòi hỏi người thợ dùng bàn xoay hoặc kỹ thuật nặn tay để tạo hình sản phẩm, khâu trang trí thường được các nghệ nhân vẽ tay, khắc nổi hoặc đắp thêm hoa văn và cuối cùng là khâu nung sản phẩm, sản phẩm được nung ở nhiệt độ từ 1.200-1.300°C để đảm bảo độ bền và màu sắc.
Sau gần 400 năm bị thất truyền, gốm Chu Đậu đã được Công ty CP Gốm Chu Đậu (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Công ty CP Hapro, thành viên của Tập đoàn BRG) hồi sinh. Ngày nay, gốm Chu Đậu đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều thị trường khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á… Đặc biệt, gốm Chu Đậu có mặt tại gần 50 bảo tàng trên thế giới, trong đó có những sản phẩm được định giá lên tới hàng triệu Đô la. Hiện gốm Chu Đậu chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với 3 dòng sản phẩm chính là hàng phục chế theo các mẫu gốm cổ, hàng gia dụng và hàng xuất khẩu. Ở đâu gốm Chu Đậu cũng làm mê mẩn lòng người bởi hình dáng, lớp men và hoa văn độc đáo. Những sản phẩm tiêu biểu như bình hoa, lọ lục bình, đĩa trang trí... được khách hàng quốc tế ưa chuộng.
Đối với những người sành đồ cổ, có hai trong số hàng chục loại gốm Chu Đậu gây ấn tượng, trở thành sản phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng đó là Bình gốm Hoa Lam (còn được gọi là bình củ tỏi) và Bình Tỳ Bà. Theo triết học phương Đông, bình củ tỏi mang tính dương, là trời, là cha, là trụ cột, là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình và xa hơn là trời đất, vũ trụ. Hoa văn được trang trí bằng hoa cúc đại đóa thể hiện cho người chính nhân quân tử. Bình Tỳ Bà đại diện cho tính ấm, đất mẹ, là hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, hiền thục, nết na. Trên bình có họa tiết lông chim Lạc Việt quanh miệng bình thể hiện cho truyền thống con Rồng, cháu Lạc. Trên vai bình là họa tiết ngũ hành, thân bình thể hiện bốn mùa tứ quý (tùng - cúc - trúc - mai) và sóng nước Bình Than. Hai loại bình này được gọi là bình âm dương, chính là tượng trưng cho bình cha – bình mẹ, tượng trưng cho nề nếp của một gia đình hạnh phúc. Cũng vì vậy, cặp bình này đã trở thành một món đồ được nhiều người trưng trang trọng trong không gian của gia đình và trở thành món quà ý nghĩa để trao tặng thay lời chúc gia đình hạnh phúc.
Gốm Chu Đậu có hình dáng, màu men và họa tiết rất đặc trưng. Ảnh: Internet
Thương hiệu gốm Chu Đậu còn gắn liền với những giá trị nhân văn sâu sắc. Người thợ gốm không chỉ làm ra sản phẩm đẹp mà còn gửi gắm tâm hồn, văn hóa Việt vào từng đường nét. Khi đến tham quan và trải nghiệm làng gốm Chu Đậu, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân làm gốm mà còn có thể thử tự tay tạo ra sản phẩm của riêng mình. Đây là cơ hội để hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử của gốm Việt và sự kỳ công của nghề truyền thống.
Gốm Chu Đậu không chỉ là sản phẩm gốm sứ đơn thuần mà còn là minh chứng cho sự khéo léo, tài hoa của người Việt. Việc bảo tồn và phát triển gốm Chu Đậu là cách để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới như chín chữ vàng mà Đại tướng Võ Nguyên giáp đã ưu ái dành tặng cho Gốm Chu Đậu – Hải Dương: “Gốm Chu Đậu - tinh hoa văn hóa Việt Nam”.