Chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước. Gắn liền với chiến thắng ấy là hệ thống các di tích lịch sử - những “nhân chứng sống” phản ánh sinh động tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này không chỉ là trách nhiệm thiêng liêng, mà còn là cách để giáo dục truyền thống yêu nước, hun đúc tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Di tích quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu.

Cách đây 50 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm năm 1975, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là bản anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dinh Độc Lập trở thành nơi hội tụ của sức mạnh Việt Nam giành thắng lợi, đồng thời đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn do đế quốc Mỹ dựng lên ở miền Nam Việt Nam nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Mỹ. Với ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, ngày 25 tháng 6 năm 1976, Dinh Độc Lập được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg, xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Dinh Độc Lập lưu giữ khoảng 6.800 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật, thu hút nhiều du khách khách tham quan, trải nghiệm, được đánh giá là điểm đến không chỉ làm phong phú thêm hành trình du lịch văn hóa, mà còn khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia gìn giữ và phát huy bản sắc lịch sử - văn hóa mạnh mẽ nhất trong khu vực.

Dinh Độc Lập được xây dựng trên diện tích 4.500 m2, cao 26 m, diện tích sử dụng 20.000 m2 với 95 phòng. Nơi đây hiện lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: viettimes.vn

Nhận thức được vị thế và những giá trị to lớn, giàu tính nhân văn của di tích lịch sử Dinh Độc Lập, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử văn hóa, trong đó có Dinh Độc Lập luôn được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gây nhiều áp lực đến công tác bảo tồn di tích kiến trúc này, đặc biệt là sự phát triển của các công trình cao tầng lân cận. Để khắc phục những tác động của đô thị hóa cũng như giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng hệ thống di tích Dinh Độc Lập đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết trên bản đồ tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Dinh Độc Lập với hai mục tiêu chính là “bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc thông qua các di tích hiện còn” và “tôn tạo kiến trúc cảnh quan”. Quy hoạch trên bản đồ tỷ lệ 1/500 được thực hiện trên diện tích 12,695 héc ta, bao gồm các khu vực di tích hiện tại (Khu bảo tồn và Khu vực tổ chức các hoạt động). Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý hiện vật tiếp tục được thực hiện theo lộ trình phát triển Dinh Độc Lập trở thành một bảo tàng lịch sử - văn hóa. Công tác trưng bày và thuyết minh được đổi mới nhằm tăng sự phong phú, sống động, hấp dẫn. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống trưng bày Dinh Độc Lập qua các thời kỳ; đổi mới lộ trình tham quan và hình thức thuyết minh bằng các panô, biển báo, biển chú thích, bảng tên phòng; tăng cường nghiên cứu, sưu tầm hiện vật trong và ngoài nước phục vụ công tác trưng bày. Thông qua hiện vật, tư liệu trưng bày tại di tích đã góp phần khắc họa sinh động, làm “sống” lại sự kiện lịch sử Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975.

Toàn cảnh Dinh Độc Lập. Ảnh sưu tầm. 

Hiện nay, Dinh Độc Lập được chia làm 3 khu trưng bày: Khu cố định, khu chuyên đề và khu bổ sung. Khu cố định bao gồm: Phòng khánh tiết, phòng đại yến, phòng nội các, phòng hội đồng an ninh quốc gia; phòng khách của tổng thống, phòng làm việc của tổng thống, phòng làm việc của phó tổng thống, phòng khách của phó tổng thống, phòng trình quốc thư, khu phòng ngủ của gia đình tổng thống, khu sinh hoạt, phòng khách của phu nhân, phòng chiếu phim, phòng giải trí, lầu tĩnh tâm, phòng tham mưu tác chiến, phòng thông tin liên lạc, phòng trực chiến của tổng thống, nhà bếp, xe Jeép, máy bay F-5E, xe tăng 390, xe tăng 843...; Khu chuyên đề: Trưng bày các chuyên đề như “Từ Hiệp định Pari đến Chiến dịch Hồ Chí Minh qua tài liệu dự trữ”, “Đường Hồ Chí Minh qua các tài liệu của chính quyền Sài Gòn”, hay các cuộc triển lãm ảnh như “Việt Nam - Bài ca chiến thắng; Khu bổ sung: Trưng bày ảnh được tìm thấy và sưu tập sau này.

Trên nóc Dinh Độc Lập trưng bày mẫu trực thăng UH-1 phục vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cùng tùy tùng di tản trong một số tình huống khẩn cấp. Ảnh: viettimes.vn

Dinh Độc Lập hiện lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử có giá trị liên quan đến Chiến thắng 30 tháng 4, như: Trên nóc của Dinh Độc Lập có trưng bày chiếc trực thăng UH-1 của Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, bên cạnh là vị trí hai quả bom mà phi công Nguyễn Thành Trung ném phát nổ (ngày 8/4/1975); Chiếc xe Mercedes Benz 200 W110 biển số VN-13-78 là một trong những chiếc xe mà Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu dùng để di chuyển; xe Jeép M152A2 được Quân giải phóng dùng để chở Dương Văn Minh - vị tổng thống cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn ra Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngoài các công trình kiến trúc, trong khu vực Dinh còn có khu vườn rộng với hơn 60 loài cây, trong đó có các loại gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, gõ (đỏ và trắng), dầu sao... Có thể nói, với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên, Dinh Độc Lập là minh chứng sinh động, hào hùng, tiêu biểu cho thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, gắn liền với Chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bên cạnh đó, còn có những di tích lịch sử đã ghi dấu, phản ánh cuộc đấu tranh kiên cường, dũng cảm và đầy sáng tạo của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong quá trình chuẩn bị lực lượng và trực tiếp tham gia vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Chiếc Jeep M151 A2 - phương tiện đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền Cách mạng trưa 30/4/1975. Ảnh: viettimes.vn

Phát huy ý nghĩa của di tích lịch sử, làm cho các giá trị của di tích có thể tồn tại với thời gian, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục, giới thiệu về di tích một cách rộng rãi và thường xuyên dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân cũng như du khách đến với di tích lịch sử. Đặc biệt, trong các ngày lễ, tết, những dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử liên quan đến di tích và tổ chức các lễ hội cũng là biện pháp hữu hiệu để phát huy giá trị của di tích. Hoạt động du lịch, lễ hội gắn với di tích lịch sử trở thành hoạt động thường xuyên thu hút du khách tham quan. Hàng năm, Lễ kỷ niệm Chiến thắng 30 tháng 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham gia, thông qua hoạt động du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung, sức sống, bản sắc, đặc trưng của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Trong hoạt động du lịch văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập giữ một vai trò quan trọng, là điểm đến của hầu hết các đoàn tham quan và là một trong những địa điểm thu hút số lượng khách tham quan đông nhất tại các di tích - bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan mỗi năm. Bên cạnh chức năng lịch sử - văn hóa, Dinh Độc Lập còn là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo Trung ương cũng như của thành phố.

Vẻ nguy nga, sang trọng của khu vực cố định bên trong Dinh Độc Lập. Ảnh sưu tầm. 

Cùng với việc thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Ban Quản lý di tích và nhà trường trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng gắn với nội dung giáo dục về lịch sử địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều chương trình, phong trào được phát động, như: “Hành trình đến với bảo tàng”, các cuộc thi tìm hiểu và giới thiệu “Di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Thành phố”, các mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử tại bảo tàng”,... đã đưa di tích Dinh Độc Lập trở thành điểm đến ý nghĩa đối với nhiều bạn trẻ muốn học tập, nghiên cứu về lịch sử thông qua các hiện vật được lưu giữ tại đây, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử của di tích Dinh Độc Lập.

Có thể nói, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của thành phố trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Di tích lịch sử Dinh Độc Lập gắn với Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 đến nay đã tròn 50 năm, luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc gìn giữ những chứng tích lịch sử, bảo tồn và phát huy ngày càng sâu rộng trên địa bàn thành phố.

Học sinh tham quan, học tập ngoại khóa tại Dinh Độc Lập. Ảnh: Internet

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, bảo đảm cho di sản tiếp tục sống mãi cùng thời đại, thành phố và các cơ quan chức năng cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp cấp thiết. Trước hết, cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng liên quan (Sở văn hóa và Thể thao) trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa Dinh Độc lập nói riêng; Chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử Dinh Độc Lập thông qua tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là là đối với thanh thiếu niên, thế hệ trẻ thành phố thấu hiểu về những giá trị, ý nghĩa to lớn, sâu sắc, niềm tự hào của di tích lịch sử Dinh Độc Lập, từ đó đoàn kết, phát huy vai trò của người dân trong giữ gìn, bảo vệ di tích Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975.

Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hoạt động tại khu di tích Dinh Độc Lập, nhất là tăng cường tổ chức các chương trình về nguồn, dâng hương, báo công, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm tại khu di tích lịch sử, tạo thành phong trào sâu rộng, thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân, qua đó góp phần giáo dục, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử; quan tâm phát triển du lịch, thông qua hoạt động du lịch giúp cho du khách trong và ngoài nước có thể hiểu rõ hơn về di tích lịch sử, cũng là cách để quảng bá, phát huy giá trị của di tích một cách hiệu quả nhất.

Lễ hội nghệ thuật hương vị - Sự kiện thường niên được tổ chức tại Dinh Độc Lập. Ảnh: dinhdoclap.gov.vn

Cùng với đó, cần tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là kinh phí từ xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân cũng như việc gây quỹ và tìm các nguồn tài trợ khác nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, bảo đảm cho di sản tiếp tục “sống” cùng thời đại.

Đồng thời, cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn khách tham quan tại di tích Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà am hiểu sâu, rộng cả về kiến thức lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của thành phố và của dân tộc Việt Nam, để có kỹ năng ứng xử và vốn ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu cho khách tham quan.
Hơn nữa, phải tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan chức năng, thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, phát hiện biểu dương những tổ chức, cá nhân tích cực, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực, những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng xấu đến di tích này.

Hướng dẫn viên cùng khách tham quan tại di tích Dinh Độc Lập. Ảnh: dinhdoclap.gov.vn

Di tích lịch sử là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử, do đó, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân. Di tích lịch sử Dinh Độc Lập ngày nay là tài sản quý báu của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử là thể hiện tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.