Trong dòng chảy mạnh mẽ của toàn cầu hóa, văn hóa thế giới đang hòa trộn, lan tỏa khắp mọi ngõ ngách đời sống xã hội. Tuy nhiên, phía sau vẻ đẹp lung linh của sự giao lưu ấy, một mối nguy thầm lặng đang dần hiện hình: xâm lăng văn hóa. Đây không chỉ đơn thuần là sự du nhập sản phẩm ngoại lai, mà còn là quá trình tấn công tinh vi nhằm làm mai một bản sắc, phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Cuộc chiến ấy diễn ra âm thầm nhưng vô cùng quyết liệt, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi con người phải nhận diện rõ ràng và chủ động bảo vệ những giá trị cốt lõi của mình.

Nhiều bộ phim cài cắm “đường lưỡi bò” đã bị gỡ bỏ, cấm chiếu tại Việt Nam. Ảnh: baovanhoa.vn

Văn hóa dân tộc đối diện với sự “xâm lăng văn hóa”

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các sản phẩm văn hóa đến với công chúng tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới bằng nhiều con đường khác nhau. Từ những con đường này, các sản phẩm văn hóa bên ngoài (đặc biệt là phương Tây) tràn vào, xâm thực thị trường văn hóa của nhiều quốc gia. Ban đầu nhiều quốc gia lầm tưởng rằng họ đang thành công quá trình “tiếp biến văn hóa”, song sau một thời gian chính sự “lầm tưởng” đó đã dẫn đến những nguy hại khôn lường đối với môi trường văn hóa dân tộc. Sự lan tràn các sản phẩm văn hóa đó đã thực sự trở thành cuộc “xâm lăng” diễn ra với cấp độ ngày càng lớn, cuốn phăng những giá trị văn hóa truyền thống. Chúng thực sự trở thành vũ khí tư tưởng tấn công vào bức tường an ninh quốc gia, phá vỡ cấu trúc văn hóa, tàn phá ngày càng lớn giá trị chân, thiện, mỹ trong môi trường văn hóa hiện nay. Đại văn hào Nga M. Gorki đã từng lên tiếng “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”. Câu nói vẫn mang tính thời sự ấy đã nhắc nhở, cảnh tỉnh với mỗi quốc gia trước hiểm họa xâm lăng mới của các thế lực thù địch - “xâm lăng văn hóa”!

Rò ràng, một khi các thế lực thù địch nắm trong tay sản phẩm văn hóa có điều kiện phân phối số lượng lớn nguồn sản phẩm đó đến công chúng tiêu dùng thì sự tàn phá của chúng đến môi trường văn hóa dân tộc tăng lên rất nhanh chóng. Trong bối cảnh mạng xã hội được xem là vùng đất “tự do và vô luật” làm xói mòn chủ quyền quốc gia, dân tộc thì sự “xâm lăng văn hóa” đã và đang trở thành mối đe dọa an ninh văn hóa toàn cầu. Mục tiêu các thế lực thù địch hướng đến chính là đạt được đồng hóa văn hóa để thực hiện nô dịch văn hóa và tiến tới giai đoạn thay đổi cấu trúc văn hóa, chuyển hóa toàn bộ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tại các nước nằm trong kế hoạch của họ.

Hệ lụy khôn lường từ xâm lăng văn hóa

Sử dụng “sức mạnh mềm văn hóa” gắn liền với chiến lược “diễn biến hòa bình” có thể xem là vũ khí lợi hại mới của các thế lực thù địch trong bối cảnh hiện nay. Rất nhiều bạn trẻ hiện vẫn còn thơ ơ hoặc phớt lờ các sự kiện đang diễn ra xung quanh họ. Các bạn trẻ vô tư tham gia các hoạt động giải trí, xem phim, lướt mạng xã hội, khuếch trương ẩm thực nước ngoài, theo đuổi các mẫu thời trang thời thượng quốc tế… Họ tự hào vì điều đó và cho rằng như vậy mới thể hiện được cái tôi, sáng tạo và văn minh! Thế nên, hiện trạng thụ hưởng khi chưa phân biệt rõ giữa giá trị văn hóa đích thực với những sản phẩm phản văn hóa vẫn đang diễn ra. Đó chính là “thời cơ” để các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác để thực hiện chiêu bài, âm mưu mà chúng đã chuẩn bị. Những hình ảnh, sự việc đáng phê phán đã và đang diễn ra xung quanh chúng ta trong thời gian qua thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo. Những biểu hiện nhốn nháo của lối sống khoe mẽ, hợm hĩnh; thói đua đòi, côn đồ, lố lăng; …đang diễn ra tương ứng cùng với sự lan tràn của các sản phẩm ngoại nhập. Đáng lo là một số người đã tìm cách lẩn tránh trách nhiệm với Tổ quốc, không thực hiện nghĩa vụ công dân nhưng luôn đòi hỏi vô cớ về tự do, dân chủ, bình đẳng theo kiểu phương Tây! Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch không ngừng sản xuất các sản phẩm văn hóa mang tính thời thượng, có sức hút mạnh mẽ đến giới trẻ, những người về hưu, tiểu thương... sử dụng các chiêu bài tinh vi như giải thưởng, khuyến khích nhu cầu hưởng thụ văn hóa để phát tán các dạng tin giả độc hại, phản động… tạo ra khuynh hướng đối lập giữa văn hóa với chính trị, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa.

Ngăn chặn “xâm lăng văn hóa” từ giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc

Đánh giá và hiểu rõ âm mưu của các thế lực thù địch, Việt Nam đã và đang đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng để loại trừ những hành động phản văn hóa đang diễn ra. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” vào ngày 27-7-2010, đưa ra cảnh báo về nguy cơ, tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại và sự sùng ngoại, lai căng đã “tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng; dẫn đến khuynh hướng “tự diễn biến” về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”.

Trong kỷ nguyên mới, văn hóa không chỉ là yếu tố truyền tải giá trị tinh thần mà còn trở thành là công cụ định hướng, quản lý sự thay đổi trong toàn xã hội. Chính vì thế, văn hóa chính là chìa khóa để tạo dựng nền tảng vững chắc nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề, nội dung cốt yếu chính là: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội[i].

Giáo dục văn hóa không chỉ dừng lại ở việc truyền dạy lý thuyết mà còn gắn liền với trải nghiệm thực tế cùng sự tổng hợp của các hoạt động mang tính sự kiện về lễ hội, phong tục, tập quán… Khi văn hóa có khả năng hóa thân và là một phần tự nhiên trong đời sống hằng ngày của mỗi con người thì nó không dễ bị pha loãng hay bị lãng quên. Chính vì thế, việc xác định rõ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc hướng cả cộng đồng hiểu một cách sâu sắc về triết lý sống, những giá trị truyền thống, lịch sử, phong tục, tập quán, nếp sống... là nội dung cấp thiết, không thể thay thế trong bối cảnh hiện nay. Những giá trị cốt lõi đó sẽ chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” góp phần đấu tranh có hiệu quả để đánh bại âm mưu đồng hóa, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch từ sớm, từ xa trong bối cảnh mới.

 

[i] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr. 143.