Thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng mức độ nghiêm trọng tại Việt Nam đòi hỏi các giải pháp truyền thông hiệu quả hơn để nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động. Trong khi các kênh truyền thống đối mặt với nhiều thách thức trong việc tạo ảnh hưởng sâu rộng ở kỷ nguyên số, một nguồn lực mới đang cho thấy tiềm năng to lớn. Đó chính là ngành công nghiệp văn hóa - một đòn bẩy mới có thể tận dụng sức sáng tạo và khả năng lan tỏa để đổi mới và tăng cường sức mạnh cho truyền thông về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Bộ phim về biến đổi khí hậu “Nước 2030” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Ảnh: Internet
Công nghiệp văn hóa – một lĩnh vực đầy tiềm năng cho truyền thông về biến đổi khí hậu.
Công nghiệp văn hóa, bao gồm các ngành sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ mang tính văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo, sở hữu những ưu thế vượt trội trong việc truyền tải thông điệp. Nhờ khả năng chạm đến cảm xúc, khơi gợi suy nghĩ, định hình giá trị và đặc biệt là sức lan tỏa rộng rãi thông qua những nhân vật có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là giới trẻ, Công nghiệp văn hóa có thể trở thành một công cụ truyền thông hiệu quả về biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh các phương pháp truyền thông truyền thống đang gặp nhiều hạn chế, Công nghiệp văn hóa hứa hẹn tạo ra một “đòn bẩy” mạnh mẽ, thúc đẩy nhận thức và hành động về biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Vậy, công nghiệp văn hóa có thể tạo ra những “cú hích” gì cho truyền thông về biến đổi khí hậu ở Việt Nam?
Thời gian qua, truyền thông về biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã có tiến bộ, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Mặc dù gia tăng cả về số lượng chương trình, sự kiện, nhưng phương pháp truyền thông truyền thống vẫn chủ yếu là thông tin một chiều, ngôn ngữ khô khan, hình thức đơn điệu. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa và các đối tượng ít quan tâm, cùng với đó là sự phối hợp lỏng lẻo giữa các bên liên quan, gây cản trở thay đổi hành vi cộng đồng. Công nghiệp văn hóa có tiềm năng to lớn trong việc khắc phục những hạn chế của truyền thông truyền thống và tạo ra những tác động tích cực trong cộng đồng. Các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, văn học, nghệ thuật, thời trang, du lịch, thiết kế đều có thể được khai thác để truyền tải thông điệp về biến đổi khí hậu một cách sáng tạo và hiệu quả.
Chúng ta thử hình dung, một bộ phim tài liệu chân thực về cuộc sống của những người dân miền Trung chống chọi với bão lũ, miền Tây Nam Bộ đang vật lộn với xâm nhập mặn cùng với đó là lời kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, chính là những sản phẩm công nghiệp văn hóa có thể chạm đến trái tim của khán giả, khơi gợi lòng trắc ẩn và thúc đẩy hành động cụ thể.
Hay lĩnh vực Âm nhạc cũng là một công cụ lan tỏa mạnh mẽ. Những ca khúc với giai điệu dễ nhớ, lời ca ý nghĩa, cùng các MV ca nhạc ấn tượng sẽ truyền tải thông điệp biến đổi khí hậu một cách trực quan. Các ca sĩ, nhạc sĩ có sức ảnh hưởng, đặc biệt với giới trẻ, nên được mời hợp tác để lan tỏa những ca khúc này trên các nền tảng âm nhạc và mạng xã hội.
Trong lĩnh vực thời trang, việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường và truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường qua các thiết kế, bộ sưu tập là vô cùng quan trọng. Các nhà thiết kế, người mẫu, fashionista nổi tiếng có thể tham gia vào các sự kiện thời trang bền vững để lan tỏa phong cách sống xanh và tiêu dùng có trách nhiệm.
Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên không chỉ giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu mà còn tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm và học hỏi. Các travel blogger, KOLs du lịch nổi tiếng có thể tham gia các chuyến đi trải nghiệm và quảng bá những điểm đến du lịch bền vững.
Cuối cùng, thiết kế xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo và vật liệu tái chế cũng là một kênh truyền thông hiệu quả. Các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng có thể tham gia các dự án thiết kế xanh, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về thiết kế bền vững, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Cần làm gì để ứng dụng hiệu quả công nghiệp văn hóa trong truyền thông về biến đổi khí hậu.
Để ứng dụng hiệu quả công nghiệp văn hóa trong truyền thông về biến đổi khí hậu, cần một chiến lược toàn diện, tập trung vào khuyến khích sáng tạo, hợp tác rộng rãi, ứng dụng công nghệ và xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ.
Trước hết là khuyến khích sự sáng tạo - ươm mầm những ý tưởng xanh. Thay vì áp đặt khuôn mẫu, chúng ta cần tạo ra một “vườn ươm” màu mỡ cho các ý tưởng sáng tạo về biến đổi khí hậu nảy mầm. Quan trọng hơn, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính dành cho các dự án công nghiệp văn hóa tập trung vào biến đổi khí hậu, giúp các nghệ sĩ hiện thực hóa ý tưởng mà không phải lo lắng về gánh nặng tài chính.
Cùng với đó là sự hợp tác truyền thông - kết nối những cánh tay nối dài. Một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc sẽ trở nên vô nghĩa nếu không đến được với công chúng. Do đó, việc hợp tác chặt chẽ với các kênh truyền thông là vô cùng quan trọng. Cần thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với các đài truyền hình, báo chí, tạp chí, các trang mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến phổ biến để đảm bảo thông điệp về biến đổi khí hậu được lan tỏa rộng rãi. Xây dựng các chiến dịch truyền thông phối hợp giữa ngành công nghiệp văn hóa và các kênh truyền thông đại chúng, tối ưu hóa sức mạnh của cả hai bên để đạt hiệu quả truyền thông cao nhất.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ chính là sự thổi hồn vào những con số khô khan. Biến đổi khí hậu thường được diễn tả bằng những con số, những biểu đồ khô khan, khó tiếp cận với công chúng. Để khắc phục điều này, chúng ta cần ứng dụng công nghệ một cách sáng tạo. Công nghệ thực tế ảo (VR) có thể đưa người xem đến những vùng đất bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cho họ trải nghiệm trực tiếp những hậu quả của nó. Công nghệ thực tế tăng cường (AR) có thể biến những không gian quen thuộc thành những bối cảnh minh họa sống động về biến đổi khí hậu. Việc game hóa có thể biến những thông tin phức tạp về biến đổi khí hậu thành những trò chơi thú vị, giúp người chơi dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu xanh góp phần lan tỏa lối sống bền vững. Công nghiệp văn hóa không chỉ là nghệ thuật mà còn là kinh doanh. Họ không thể mạo hiểm để thử thách với một chủ đề thiếu sự quan tâm của khách hàng. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ về chính sách tài chính mà còn cả xây dựng thương hiệu gắn liền với các giá trị bền vững, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, có trách nhiệm xã hội. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng nguyên liệu tái chế, áp dụng quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức toàn cầu cấp bách, việc đổi mới cách thức truyền thông là điều tất yếu. Ngành công nghiệp văn hóa, với sức mạnh sáng tạo, cảm xúc và khả năng lan tỏa sâu rộng, chính là đòn bẩy hiệu quả để thúc đẩy nhận thức và hành động cộng đồng một cách bền vững. Nếu được định hướng đúng và hỗ trợ thích đáng, công nghiệp văn hóa hoàn toàn có thể trở thành lực lượng tiên phong trong truyền thông biến đổi khí hậu tại Việt Nam, góp phần kiến tạo một tương lai xanh hơn cho đất nước.