Vào một buổi sáng tháng Tư, chúng tôi rời đất liền, bắt đầu hải trình hướng về Trường Sa – quần đảo thiêng liêng giữa ngàn trùng sóng gió Biển Đông. Chuyến đi kéo dài nhiều ngày, ghé qua nhiều đảo lớn nhỏ, nhưng đảo Sơn Ca – một trong những điểm dừng chân ngắn nhất – lại để lại trong tôi ký ức sâu đậm nhất: buổi chào cờ giữa biển trời quê hương.
Hải đăng Sơn Ca nằm trên đảo cùng tên. Ảnh: znews.vn
Trước chuyến đi, tôi đã biết đến đảo Sơn Ca qua thơ Trần Đăng Khoa – một hình dung vừa thơ mộng, vừa khốc liệt, đầy ám ảnh:
“Đảo Sơn Ca không có sơn ca
Không có giống chim nào sống được
Cái doi cát mỏng manh như bọt nước
Trôi lang thang trên mặt biển màu mây…”
Tôi từng đọc những câu thơ ấy nhiều lần, từng tưởng tượng về một vùng biển xa xanh thẳm, nơi cái tên “Sơn Ca” như một ẩn dụ thi ca, một cách gọi đầy mộng tưởng. Nhưng chỉ khi đặt chân lên đảo, tôi mới thấm thía vì sao thi sĩ lại viết như vậy. Giữa bốn bề sóng gió, đảo Sơn Ca nhỏ bé như một chiếc lá nổi trôi giữa đại dương mênh mông. Gió thổi không ngơi, dội vào từng thân cây thấp bé, từng mái tôn bạc màu. Chúng tôi bước đi trên nền cát, san hô vụn. Không khí mặn chát vị muối. Đảo nhỏ không có nguồn nước ngọt tự nhiên. Thiên nhiên ở đây không dịu dàng mà khắc nghiệt đến tận cùng.
Thế nhưng giữa cái khắc nghiệt ấy lại hiện diện những con người lặng thầm – các chiến sĩ nơi đảo xa. Phần lớn họ còn rất trẻ, tuổi đời đôi mươi, những khuôn mặt sạm đi vì nắng gió nhưng ánh mắt toát lên sự kiên cường. Họ sống giữa trùng khơi, xa gia đình, thiếu thốn vật chất, đối mặt với cô đơn, với gió bão, nhưng vẫn vững vàng trong từng nhiệm vụ. Họ là những người đang canh giữ từng hòn đảo, từng rạn san hô, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc bằng sự can trường và lòng trung thành tuyệt đối. Nhiều câu chuyện về họ đã được kể trên báo chí, truyền hình. Nhưng phải đến khi tận mắt chứng kiến, lắng nghe, chạm tay vào cuộc sống của họ, tôi mới hiểu thế nào là hy sinh thầm lặng – thứ hy sinh không ồn ào, không màu mè, mà bền bỉ, sâu lắng như chính lòng biển.
Buổi chào cờ sáng hôm ấy là một khoảnh khắc thiêng liêng đến nao lòng. Trong ánh bình minh đầu ngày mới, khi mặt trời còn chưa ló hẳn sau đường chân trời, cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên. Lá cờ đỏ sao vàng nổi bật giữa sắc xanh thăm thẳm của biển rộng, trời cao. Quốc ca cất lên giữa khoảng không bao la, khoáng đạt. Giai điệu ấy, chúng tôi đã nghe biết bao lần trong đời, nhưng ở nơi đầu sóng ngọn gió này, nó ngân vang với một âm hưởng sâu lắng lạ thường - hào hùng và xúc động đến nghẹn ngào.
Một chiến sĩ trẻ bước lên, đọc lời thề danh dự. Giọng anh vang lên rõ ràng, dõng dạc, mang theo sức nặng của niềm tin và lý tưởng:
“Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc...”
Tôi đứng lặng giữa hàng người, nghe từng lời thề thấm sâu vào tim. Đó không chỉ là một nghi thức quân ngũ – đó là lời hứa máu thịt, là niềm tin vĩnh cửu, là bản giao hưởng của lòng yêu nước được cất lên giữa nơi đầu sóng. Giây phút ấy, trong tôi như có điều gì nghẹn lại. Tôi bỗng hiểu, tình yêu Tổ quốc không phải là điều gì xa xôi hay trừu tượng. Nó chính là những khoảnh khắc như thế – khi một người lính trẻ, trong ánh bình minh biển cả, thề nguyện dâng hiến cả tuổi xuân mình để gìn giữ non sông.
Tôi nhìn chiến sĩ đang đọc lời thề. Gương mặt còn rất trẻ, nhưng ánh mắt vững như đá ngầm. Anh và các đồng đội của mình chính là biểu tượng sống động của của ý chí, của sinh khí mãnh liệt giữa gian khó. Chính họ đã làm nên sức sống ở nơi điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, đã khiến đảo nhỏ khô cằn nở hoa, dệt kết thành thơ, thành nhạc, thành những huyền thoại về lòng dũng cảm và tình yêu nước.
Tình yêu Tổ quốc, ở đây, không cần những lời nói hoa mỹ. Nó là hành động cụ thể. Là việc ôm súng đứng gác giữa trưa nắng cháy. Là kiên trì trồng rau trên nền san hô khô cằn. Là sửa mái tôn dột trong mưa bão. Là đón nhận thư nhà như một báu vật. Là âm thầm chịu đựng nỗi nhớ, nén lại những giọt nước mắt vào tim. Là dâng hiến tuổi trẻ cho biển đảo thiêng liêng, … Không vì điều gì khác, ngoài hai tiếng “Việt Nam”.
Tôi nghĩ mình là người yêu đất nước. Nhưng phải đến khi chứng kiến buổi chào cờ ấy – bằng mắt, bằng tai, bằng cả trái tim – tôi mới hiểu rằng tình yêu đó cần được nuôi dưỡng bằng trải nghiệm, bằng sự dấn thân, bằng sự thấu hiểu, và hơn hết, bằng lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã ngã xuống và những người đang ngày đêm âm thầm giữ lấy sự bình yên của Tổ quốc cho chúng ta.
Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt Sơn Ca, chúng tôi quay trở về với công việc, với cuộc sống thường ngày. Nhưng tôi tin rằng, buổi chào cờ sáng hôm ấy đã vĩnh viễn khắc sâu trong tim chúng tôi. Tôi mang theo về đất liền hình ảnh lá cờ đỏ bay trong gió sớm đại dương, lời thề của người lính, ánh mắt rưng rưng của đồng đội và của chính mình. Những hình ảnh ấy, những âm thanh ấy sẽ còn theo tôi suốt đời, như một lời nhắc nhở không thể nào quên: Tổ quốc không chỉ là một địa danh. Tổ quốc là máu thịt, là trái tim, là hơi thở của mỗi chúng ta.