Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, được khẳng định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.

Ngày 19/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030.

Đề án nêu rõ quan điểm về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo là:

Thứ nhất, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo theo đúng quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, nhất là tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013.

Thứ hai, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong giáo dục và đào tạo; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam; tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo, văn hóa, học thuật; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo với các nước, đối tác quốc tế, nhất là các nước có nền giáo dục tiên tiến, các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống.

Thứ tư, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, đầu tư với các đối tác nước ngoài trong giáo dục và đào tạo; phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ cơ hội để huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, góp phần nâng cao quy mô và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực công nghệ chiến lược, mũi nhọn, góp phần mở rộng thị trường lao động, phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu chung của hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030 là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.

Mục tiêu cụ thể là:

Một là, có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030; phấn đấu có thêm 05 tỉnh/thành phố có cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy chương trình giáo dục tích hợp với chương trình nước ngoài.

Hai là, phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực dạy các môn học khác bằng tiếng nước ngoài cho giáo viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Ba là, trên 20% chương trình liên kết đào tạo vái nước ngoài có ngành đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài xếp hạng top 500 thế giới trở lên; nâng tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học lấy bằng của Việt Nam đạt 1,5%; nâng tỷ lệ tổng số giảng viên của Việt Nam đi và số giảng viên của nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật hằng năm lên 8% trên tổng số giảng viên Việt Nam.

Bốn là, trên 80% cơ sở giáo dục đại học có ít nhất 03 đề tài, chương trình nghiên cứu chung hoặc dự án hợp tác với nước ngoài hằng năm.

Năm là, trên 20% chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín.

Sáu là, phấn đấu thu hút để có thêm 02 phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tại Việt Nam.

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo

Một là, rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Hai là, rà soát và hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, bằng cấp của giáo viên nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định hiện hành của Việt Nam.

Ba là, rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách về việc hợp tác, tổ chức dạy học tiếng Việt vá quảng bá văn hóa dân tộc cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.

Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác, kiến tạo môi trường quốc tế trong giáo dục và đào tạo

Một là, chủ động mở rộng hợp tác song phương và đa phương, trong đó ưu tiên các nước láng giềng, các nước có nền giáo dục tiên tiến, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống; thúc đẩy hợp tác với các nước có nền giáo dục và đào tạo hàng đầu thế giới. Đẩy mạnh việc ký kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận, điều ước quốc tế, trong đó ưu tiên thực hiện các cam kết quốc tế, chương trình, dự án và các chương trình học bổng Hiệp định.

Hai là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về chương trình và học liệu, phương pháp giảng dạy; nghiên cứu phát triển các mô hình trường học mới theo kinh nghiệm quốc tế nhằm kiến tạo môi trường làm việc quốc tế trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường mô hình kết nghĩa giữa các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam và nước ngoài.

Ba là, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và nước ngoài để công nhận quá trình học tập; tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên; thu hút giảng viên, nhà khoa học, sinh viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Việt Nam; tăng cường cơ chế phối hợp và chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để đa dạng hóa các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm quản lý giáo dục và hợp tác nghiên cứu khoa học.

Bốn là, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nâng cấp các tạp chí khoa học trong nước đạt chuẩn quốc tế và tăng tỷ lệ giảng viên công bố bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Năm là, tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với giảng viên các ngành khoa học mũi nhọn mà Việt Nam có nhu cầu; khuyến khích việc học tập và nghiên cứu khoa học ở nước ngoài bằng các nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài; khuyến khích mở văn phòng đại diện hoặc hình thành một số cơ sở giáo dục của Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, có uy tín của nước ngoài mở phân hiệu tại Việt Nam.

Thứ ba, bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Một là, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản lý, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế.

Hai là, thực hiện tham chiếu khung trình độ quốc gia Việt Nam với các khung trình độ quốc gia các nước, các khu vực; đẩy mạnh việc ký kết công nhận văn bằng và quá trình đào tạo với nước ngoài; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và các cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao của nước ngoài ký kết công nhận tín chỉ và quá trình đào tạo.

Ba là, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ.

Bốn là, tham gia các chương trình đánh giá, xếp hạng chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Năm là, tạo điều kiện để các tổ chức kiểm định có uy tín của khu vực và quốc tế hoạt động tại Việt Nam và khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thực hiện kiểm định quốc tế.

Sáu là, đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.

Thứ tư, nâng cao năng lực đội ngũ và nhận thức về hội nhập quốc tế

Một là, rà soát và hoàn thiện tiêu chuẩn giáo viên và đào tạo giáo viên, chương trình, giáo trinh đào tạo, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng để phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Hai là, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng định kỳ để nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ giảng dạy và đặc biệt là cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2024 phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030).