Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương và đã mở rộng phạm vi đưa người đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của nhân loại, học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển, tiên tiến trên thế giới để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Giáo dục, đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn từ 1986 đến nay

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đứng trước thời cơ phát triển thuận lợi, đồng thời có cả những thách thức gay gắt, tình hình và hoàn cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại diễn ra mạnh mẽ, nền sản xuất vật chất và đời sống xã hội đang trong quá trình quốc tế hoá, việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài là một hướng quan trọng để bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo các nhà quản lý, kinh doanh, các chuyên gia công nghệ giỏi và công nhân lành nghề nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ yêu cầu của tình hình mới, ngày 23/7/1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 270-CT về việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài trong tình hình mới. Theo đó, công dân Việt Nam được gửi đi đào tạo ở nước ngoài ở các bậc và cấp học trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học, học nghề, bổ túc nâng cao trình độ theo các kênh như: “Theo các Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế; Theo sự thỏa thuận trong các liên doanh, dự án và kế hoạch hợp tác giữa các ngành, các địa phương, các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo của Việt Nam với các tổ chức phía nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế; Theo bảo lãnh, đỡ đầu của cá nhân các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội nước ngoài hoặc thân nhân đang sinh sống ở nước ngoài”[1].

Đối tượng công dân Việt Nam gửi đi đào tạo ở nước ngoài được mở rộng, đa dạng về loại hình, cải tiến về tổ chức quản lý, thủ tục hành chính. Công dân Việt Nam gửi đi đào tạo ở nước ngoài theo sự tài trợ của Nhà nước (nguồn ngân sách, viện trợ không hoàn lại, vốn vay nước ngoài...) chỉ được thực hiện ở cấp đại học, sau đại học và đối với những ngành mũi nhọn mà ta có yêu cầu đào tạo chuyên gia giỏi.

Lưu học sinh Việt Nam tại Australia

Công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài được thống nhất quản lý theo Quy chế công tác lưu học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những người làm việc ở nước ngoài sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thì được quản lý theo Quy chế chuyên gia khoa học kỹ thuật và Quy chế quản lý người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhất quán, quan tâm, đẩy mạnh vấn đề hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thể hiện ở thông qua các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng và Chính phủ. Trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ngày 16/12/2013 Thủ tướng Chính phủ phê ban hành Quyết định số 2448/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thực hiện nhiệm vụ này theo Đề án “Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020” (Đề án).

Các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo nội dung của Đề án nói trên đã tích cực góp phần vào “xây dựng con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại; bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam; nâng tầm hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam; tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; chú trọng nâng cao nguồn nhân lực và năng lực khoa học - công nghệ”[2].

Tính từ năm 2014 đến hết năm 2020, Việt Nam đã gửi 4.277 du học sinh đi học các trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở 40 nước trên thế giới.

Theo nghiên cứu, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài. “Việt Nam có khoảng 3,6% sinh viên đại học đang du học nước ngoài. Đây cũng là mức trung bình đối với các quốc gia có tổng số đầu vào sinh viên nhập học tương đương. Nhưng tỷ lệ này, với riêng Việt Nam, tốc độ tăng là nhanh hơn so với khu vực”[3].

Hiện nay, có khoảng 200.000 học sinh Việt Nam đang đi du học nước ngoài ở các bậc học từ trung học phổ thông đến sau đại học (tức khoảng 40.000 người/năm, ước tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước 2013). Giai đoạn 2013-2022 có 3.535 người là giảng viên các trường đại học và cao đẳng đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách[4].

Các chương trình hợp tác trao đổi học sinh, giáo viên với các trường nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang phối hợp quản lý gần 200.000 du học sinh Việt Nam của tất cả các diện đi học tại nước ngoài, trực tiếp quản lý khoảng 6.000 du học sinh, trong đó 4.000 diện Hiệp định và 2.000 theo các đề án của Chính phủ[5].

Lưu học sinh Việt Nam tại Mỹ

Những vấn đề đặt ra hiện nay

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công dân Việt Nam được gửi đi đào tạo ở nước ngoài mở rộng về đối tượng, đa dạng về loại hình, có bước cải tiến về tổ chức quản lý và thủ tục hành chính, ở các bậc và cấp học theo các kênh như:

- Theo hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế;

- Theo thỏa thuận trong các liên doanh, dự án và kế hoạch hợp tác giữa các ngành, địa phương, tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo của Việt Nam với các tổ chức phía nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế;

- Theo sự bảo lãnh, đỡ đầu của cá nhân các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội nước ngoài hoặc thân nhân đang sinh sống ở nước ngoài;

- Theo diện tự túc kinh phí hoàn toàn. Những năm gần đây, số lượng đối tượng đi du học theo hình thức này ngày một tăng.

Công dân Việt Nam được gửi đi đào tạo ở nước ngoài có trình độ văn hoá, chuyên môn đáp ứng các yêu cầu đào tạo và tuyển chọn của cơ sở đào tạo phía nước ngoài và của các cơ quan Việt Nam. Tuy nhiên, do công tác tuyển chọn chưa được thực sự chặt chẽ, do công tác giáo dục, quản lý ở nước ngoài còn nhiều thiếu sót nên trong một số du học sinh và lao động còn có những biểu hiện không tốt như: Chưa có quyết tâm, hoài bão vươn lên trình độ khoa học - kỹ thuật cao, trau dồi nghề nghiệp thành thạo; Thiếu tinh thần kỷ luật trong học tập và lao động; Sinh hoạt không lành mạnh, ham mê ăn chơi, buôn bán kiếm lời; Kém tinh thần hữu nghị trong quan hệ với nhân dân nước bạn; Thiếu cảnh giác trong khi giao dịch với người nước ngoài…

Trước thực trạng du học sinh và lao động Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, đòi hỏi phải tăng cường quản lý chặt chẽ và thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý du học sinh và lao động Việt Nam ở nước ngoài. Vấn đề này đặt ra yêu cầu là:

- Làm tốt công tác tuyển chọn ở trong nước, xét duyệt kỹ, bảo đảm người được cử đi học, đi lao động có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ theo quy định với từng đối tượng.

- Tăng cường quản lý học sinh và lao động ở nước ngoài về chính trị tư tưởng, học tập và lao động, tổ chức và sinh hoạt, nhằm đạt được kết quả tốt về học tập, lao động, phẩm chất đạo đức, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với nhân dân nước bạn.

 

[1] Chỉ thị số 270-CT, ngày 23/7/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài trong tình hình mới

[2] Nguyễn Hiếu, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục (https://giaoducthoidai.vn/viet-nam-chu-dong-hoi-nhap-quoc- te-ve-giao-duc-post635776.html)