Theo quy luật của sự phát triển, sự vật sau bao giờ cũng phát triển và hoàn thiện hơn sự vật trước, khi nào quy luật này bị đảo ngược tức suy thoái, thoái trào. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức tập hợp những con người cùng chung mục đích và lý tưởng. Đảng được tổ chức nên từ những con người, mà con người thì không thể không có những sai lầm. Lịch sử 95 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã vấp phải không ít khuyết điểm, sai lầm, nhưng trước những khuyết điểm, sai lầm, Đảng đã nhanh chóng nhận ra và dũng cảm sửa chữa, khắc phục, đó là sự vĩ đại của Đảng
Tư duy độc đáo, sáng tạo và trí tuệ
Tư duy đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam được đặt nền móng từ khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Khi ấy, đa phần các sĩ phu vẫn tìm đường sang phương Đông thì Nguyễn Tất Thành quyết định đi phương Tây. Giáo sư Trần Văn Giàu đã đánh giá về sự kiện này: “Định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất đầu thế kỷ 20. Đi ngả nào mới tới đích? Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sĩ lớn tuổi đi tìm ở phương Đông (Nhật) rồi tới hướng Bắc (Trung Hoa) thì thanh niên Nguyễn Tất Thành đi sang châu Âu. Tìm cách đánh đuổi thực dân Tây phương mà đi về hướng Tây. Đi ngược chăng? Chưa một ai ngờ rằng đi ngược mà sẽ về xuôi. Không vào hang hổ sao trói được hổ”.
Khi Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) khẳng định chỉ công, nông mới là lực lượng của cách mạng thì Chính cương vắt tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đoàn kết tất cả các giai tầng, chỉ trừ những người phản lại quyền lợi của đất nước, dân tộc. Tinh thần này sau đó đã được cụ thể hoá trong Chương trình của Việt Minh được thành lập năm 1941.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, Đảng Cộng sản Đông Dương đã dự báo đúng tình hình, đề ra quyết sách chuẩn xác đó là đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Khi đất nước giành được độc lập nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, bằng những quyết sách sáng suốt của mình, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, từng bước đặt nền móng vững chắc về cơ sở pháp lý cho chính quyền cách mạng. Vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, khi các tổ chức đảng ở miền Nam bị khủng bố, đánh phá, khi con đường cách mạng miền Nam đứng trước nguy cơ, thử thách lớn, Đảng Lao động Việt Nam đã ra Nghị quyết về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam…
Sau năm 1975, khi nền kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng với lạm phát rất cao, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định điều chỉnh một số nhiệm vụ lãnh đạo, đặt cơ sở cho quá trình đổi mới đất nước bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết đổi mới, nhất là đổi mới trong nông nghiệp như Chỉ thị số 100 - CT/TW năm 1981, Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 1988. Đặc biệt là quyết sách về đổi mới toàn diện đất nước được thông qua tại Đại hội VI của Đảng năm 1986.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Những thành tựu to lớn, những thắng lợi vĩ đại
Về những thành tựu lớn của đất nước và dân tộc, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã khái quát: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Đánh giá về những thành tựu lớn của đất nước và dân tộc, trong bài viết với tiêu đề “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm viết: “Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế”.
Thế nhưng lại phải xin viết lại đây lời nhắc nhở của của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Mỗi con người hay một tập thể ngày hôm qua là vĩ đại, là anh hùng, ai dám chắc họ vẫn giữ được thành quả ấy nếu cứ luôn tự mãn với chính mình, nếu không chịu đổi mới bởi thực tiễn luôn vận động và phát triển không ngừng.
Với Việt Nam, thành quả của gần 40 năm đổi mới, nếu so với chính mình chúng ta thấy mình vĩ đại, song nếu nhìn ra thế giới có lẽ những ai còn đau đáu với dân, với nước sẽ cảm thấy đầy trăn trở suy tư. Trung Quốc sau 40 năm đổi mới đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hàn Quốc, Malaysia cũng chỉ mất vài chục năm để trở thành nước phát triển cao. Có lẽ đã đến lúc mỗi chúng ta, nhất là những đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, những công dân có trách nhiệm của đất nước phải luôn luôn thường trực trong đầu câu hỏi là đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam có thể không phải như hiện nay mà phải phát triển hơn, giàu mạnh hơn, văn minh hơn…
Tiếp tục đổi mới để trở thành quốc gia phát triển cao
Nhìn lại lịch sử 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, không khó để nhận ra rằng nếu không tự đổi mới mình để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn chắc chắn Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước Việt Nam khó mà đạt được những thành tựu to lớn như hiện nay.
Tiến sỹ Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga trong một trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam cách đây mấy năm đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là một chính đảng luôn luôn tự đổi mới mình để phát triển. Ông cũng cho rằng tư duy và hành động đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khởi nguồn từ chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Theo Tiến sỹ Kobelev thì Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Ông cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc phải 3 sai lầm nghiêm trọng, chính những sai lầm ấy là nguyên nhân khiến cho Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, nhưng ở Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tránh được cả 3 sai lầm mà những người Bolshevik Nga đã mắc phải.
Thành phố Hồ Chí Minh, "đầu tàu" đổi mới của đất nước
Cũng trong bài viết: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn lời người thầy của giai cấp vô sản V.I. Lênin: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua” và khẳng định: “Thực tiễn đổi mới luôn vận động, phát triển, đòi hỏi đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng…”.
Sang năm 2026 là tròn 40 năm cuộc đổi mới kể từ Đại hội VI, tạm gọi là cuộc đổi mới lần 1, Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam lại đang đứng trước những thôi thúc về cuộc đổi mới lần thứ 2, đổi mới để phát triển, đổi mới để xây dựng (tạo dựng-xây dựng chứ chưa thể bước vào nếu không tạo dựng-xây dựng được những tiền đề vững chắc) kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của đất nước, dân tộc.
Nhìn lại lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử 95 năm ra đời, phát triển, đồng hành cùng dân tộc, có thể nhận thấy những cuộc đổi mới bao giờ cũng là công việc không hề dễ dàng. Những tư duy bảo thủ, trì trệ ăn sâu, bám rễ lâu dài trong đời sống xã hội thường là những lực cản đối với các cuộc đổi mới. Các cuộc đổi mới thường đụng chạm đến lợi ích của số bảo thủ và đang được hưởng lợi chính từ sự bảo thủ ấy, song không khó để nhận ra rằng các cuộc đổi mới hầu như bao giờ cũng vì dân, vì nước, vì sự nghiệp chung. Có lẽ vì đổi mới thường gặp khó khăn, thách thức nên có những cuộc đổi mới thành công, song cũng có những cuộc đổi mới không thành công. Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ khi có đảng, thật may mắn, các cuộc đổi mới của đất nước, dân tộc Việt Nam luôn thành công.
Một mùa Xuân mới lại về trên đất nước Việt Nam, hy vọng, ước vọng về một mùa Xuân mới, mùa Xuân trường cửu của đất nước, dân tộc mỗi chúng ta lại tràn đầy niềm tin về sự phát triển của đất nước, dân tộc, tràn đầy niềm tin về thắng lợi của công cuộc đổi mới để đất nước và dân tộc Việt Nam tạo dựng những tiền đề vững chắc cùng sánh vai với các cường quốc năm châu.