Dòng người Ukraine tị nạn chiến tranh đã gây ra nhiều tác động đối với các quốc gia tiếp nhận và bản thân Ukraine trong quá trình xây dựng và phát triển hiện nay

Đối với các quốc gia tiếp nhận

Trước hết là những tác động tiêu cực. Làn sóng di cư ồ ạt vào châu Âu đã tạo ra những bất ổn đáng kể trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội đối với châu Âu, thể hiện trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất, đó là sự hỗn loạn về an ninh và trật tự xã hội của một số quốc gia, nhất là tại các khu vực cửa khẩu biên giới và hệ thống đầu mối giao thông. Sự di cư ồ ạt đã ảnh hưởng đến thị trường lao động và hệ thống phúc lợi của các quốc gia tiếp nhận. Làn sóng tị nạn cũng đặt gánh nặng lên vai các nước châu Âu về chăm sóc y tế, việc làm, giáo dục và vấn đề lưu trú bất hợp pháp…

Thứ hai, khủng hoảng di cư đã tạo ra gánh nặng kinh tế đối với hầu hết các quốc gia châu Âu, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cho đến nay chưa được hóa giải triệt để. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), việc tái định cư cho người tị nạn Ukraine ước tính sẽ tiêu tốn ít nhất 43 tỷ euro, tương đương với 1/4 tổng chi tiêu dự tính trong năm 2022 của EU[1], trong khi khối này vẫn đang gồng gánh áp lực từ cuộc khủng hoảng di cư ở phía bên kia bờ Địa Trung Hải.

Thứ ba, áp lực từ làn sóng di cư đến châu Âu đã khiến cho những bất đồng chính trị trong nội bộ EU ngày càng sâu sắc hơn. Mặc dù có nhiều chính sách trợ giúp người tị nạn Ukraine, song nhiều nước châu Âu, trong đó có cả Ba Lan, nước có nhiều người Ukraine đến nhất tuyên bố không sẵn sàng nguồn lực cho họ tị nạn vĩnh viễn.

Thứ tư, nếu người Ukraine trở về quê hương sau khi thích nghi, thì tác động đối với nước sở tại là khá tiêu cực vì chi phí ban đầu rất cao không được bù đắp bằng lợi ích từ việc làm của người di cư trong dài hạn.

Bên cạnh những tác động không mong muốn trên, người tị nạn Ukraine ở các nước châu Âu cũng có những đóng góp tích cực đối với những nước tiếp nhận.

Một là, nếu họ ở lại các nước này lâu hơn vài năm thì họ có thể tác động tích cực đến ngân sách và nền kinh tế của các nước này. Những người di cư được phép làm việc và di chuyển tự do sẽ cư xử như những người di cư kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng tương ứng theo thời gian. Vì hiện nay, người Ukraina đang hội nhập tốt vào thị trường lao động châu Âu đang đóng thuế và các chi phí khác.

Điển hình Ba Lan, quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine thứ hai trong EU. Trước đây, người tị nạn từ Ukraine được ở miễn phí trong các khu tập thể và được Chính phủ Ba Lan hỗ trợ chi phí sinh hoạt.

Người tị nạn Ukraine tại biên giới Cộng hòa Séc, tháng 02/2022 (Ảnh AFP/TTXVN)

Đến ngày 1/3/2023, Quốc hội Ba Lan đã thông qua một điều khoản thay đổi quy chế đối với người tị nạn Ukraine. Theo quy định mới, người tị nạn Ukraine ở các trung tâm hỗ trợ của Chính phủ Ba Lan quá 120 ngày sẽ phải trả 50% chi phí sinh hoạt. Đến tháng 5/2023, mức phí này đã tăng lên 75%[2].

Chi tiêu của người di cư Ukraine hỗ trợ nền kinh tế của các nước tiếp nhận chủ yếu dưới hình thức tiêu dùng cá nhân. Đặc biệt, chi phí ở nước ngoài của người Ukraine tăng hơn gấp ba lần năm 2022 so với năm trước, đạt 2 tỷ USD/tháng. Chi tiêu cho người di cư Ukraine cũng thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng nhà ở, y tế và giáo dục (có tính đến chiếm tỷ lệ lớn ở trẻ em, dao động từ 28% đến 44% ở nhiều quốc gia khác nhau)[3].

Thứ hai, đóng góp cho thị trường lao động. Đến đầu năm 2024, trên khắp châu Âu, khoảng một nửa số người tị nạn Ukraine đã tìm được việc làm. Con số này ở Đức thấp hơn: chỉ có 25% nam giới đang làm việc và thậm chí phụ nữ còn ít hơn[4]. Điều này có nghĩa là lực lượng lao động của EU sẽ tăng khoảng 0,3 đến 1,3 triệu người[5].

Như vậy, người tị nạn Ukraine sẽ là sự bổ sung đáng kể cho lực lượng lao động tại một số nước châu Âu trong bối cảnh các nước này đang đối mặt với sự già hóa dân số và thiếu hụt nhân lực. Người tị nạn Ukraine, với trình độ học vấn tương đối cao, kinh nghiệm làm việc đa dạng và tinh thần cầu tiến, đã nhanh chóng hòa nhập vào các lĩnh vực thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ khách hàng, công nghệ thông tin và xây dựng.

Chẳng hạn, tại Ba Lan, quốc gia hiện nay tiếp nhận gần 1 triệu người Ukraine – hơn 60% người trưởng thành Ukraine đã tìm được việc làm chính thức trong vòng một năm sau khi đến nơi (OECD, 2023). Chính phủ Ba Lan cũng đơn giản hóa các quy trình giấy tờ, cho phép người Ukraine được làm việc hợp pháp ngay sau khi đăng ký tạm trú. Tương tự, tại Đức, Cộng hòa Séc và Hà Lan, người Ukraine đã giúp lấp đầy các vị trí thiếu hụt lao động trong hệ thống y tế, đặc biệt là các nhân viên y tá và chăm sóc người cao tuổi.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2024) chỉ ra rằng người tị nạn Ukraine đã đóng góp vào tăng trưởng GDP của các nước tiếp nhận ở mức từ 0,2 đến 0,5% trong năm 2023 thông qua tiêu dùng, lao động và nộp thuế. Ngoài ra, nhiều người Ukraine có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật cũng đã góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở các quốc gia tiếp nhận như Estonia và Lithuania – nơi có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho người tị nạn.

Thứ ba, làm giàu đời sống xã hội và văn hóa bản địa. Người Ukraine không chỉ là lực lượng lao động, mà còn là tác nhân làm phong phú thêm đời sống xã hội và văn hóa của các nước tiếp nhận. Họ mang theo truyền thống ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật, ngôn ngữ và lễ hội dân gian – những yếu tố góp phần làm đa dạng hóa không gian văn hóa đô thị ở châu Âu. Nhiều cộng đồng người Ukraine đã tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, triển lãm nghệ thuật, và các lớp dạy tiếng Ukraine, qua đó tạo cơ hội giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa người tị nạn và cộng đồng sở tại.

Tại Paris, cộng đồng người Ukraine tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển nhằm gây quỹ hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương. Tại Berlin, các quán cà phê do người Ukraine mở đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Đức, không chỉ vì ẩm thực đặc trưng mà còn là nơi tổ chức các buổi thảo luận về nhân quyền và hòa bình. Những hoạt động này giúp giảm định kiến, tăng cường sự đồng cảm và thúc đẩy hội nhập xã hội theo hướng song phương – tức không chỉ người tị nạn thích nghi với xã hội mới, mà còn làm giàu cho xã hội đó.

Thứ tư, thúc đẩy đoàn kết nội khối và cải cách chính sách tiếp nhận. Một tác động tích cực mang tính chiến lược mà người tị nạn Ukraine tạo ra là góp phần thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất trong nội khối Liên minh châu Âu (EU). Việc các quốc gia EU nhanh chóng nhất trí áp dụng Chỉ thị bảo vệ tạm thời (Temporary Protection Directive) – cho phép người Ukraine được cư trú, làm việc và học tập mà không cần quy trình tị nạn truyền thống – được coi là một bước ngoặt trong chính sách di cư và tị nạn của khối. Đây là lần đầu tiên kể từ khi được thông qua năm 2001, chỉ thị này được kích hoạt, cho thấy tinh thần đoàn kết mạnh mẽ và sự thích ứng chính sách kịp thời.

Làn sóng người tị nạn Ukraine đã khiến nhiều quốc gia châu Âu nhận ra sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống tiếp nhận và hòa nhập linh hoạt hơn. Các cải cách chính sách như đơn giản hóa quy trình xin việc, hỗ trợ học ngôn ngữ, công nhận văn bằng nhanh chóng... không chỉ giúp người Ukraine hội nhập tốt hơn mà còn tạo tiền đề cho các chính sách di cư hiệu quả hơn trong tương lai. Những thay đổi này có khả năng tạo ra mô hình mẫu cho cách tiếp cận người tị nạn nhân văn, hiệu quả và bền vững ở châu Âu.

Người tị nạn Ukraine tại biên giới Ba Lan, tháng 02/2022 (Ảnh AFP/TTXVN)

Đối với đất nước Ukraine và bản thân những người tị nạn Ukraine

Đối với đất nước Ukraine, đến cuối năm 2023, có khoảng 6,2 triệu người Ukraine - gần 15% dân số - đã rời khỏi đất nước. Chính phủ Ukraine đã đưa ra các ưu đãi để khuyến khích họ quay trở lại: trả tiền mặt, trợ cấp thế chấp, cho vay kinh doanh khởi nghiệp. Đồng thời, Chính phủ Ukraine thiết lập các trung tâm hỗ trợ tại Đức và miễn nghĩa vụ quân sự cho những người làm việc trong những lĩnh vực quan trọng, để khuyến khích người tị nạn quay trở về nước.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Trung tâm Chiến lược Kinh tế Ukraine, vào cuối năm 2024, chỉ 43% người tị nạn có ý định trở về, so với 74% vào năm 2022[6]. Trước tình hình đó, Ukraine cũng chấp nhận tình huống rằng sẽ có nhiều quốc tịch. Mục tiêu là cho phép người dân Ukraine sống và làm việc tại nước khác được phép về thăm, đầu tư và đóng góp cho quốc gia.

Nếu những người tị nạn Ukraine không quay trở lại, thì dân số của đất nước này, vốn đã giảm trước chiến tranh, có thể tiếp tục suy giảm 25% trong những thập niên tới. Trong khi đó, 2/3 những người rời Ukraine đều đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học. Vì vậy, việc thiếu hụt dân số này sẽ là đòn giáng mạnh vào kinh tế đối với một đất nước đang nỗ lực tái thiết trong và sau chiến tranh.

Tổng thống Zelensky hy vọng các quốc gia châu Âu sẽ khuyến khích người Ukraine quay trở lại, bao gồm cả việc giảm bớt phúc lợi cho người tị nạn . Cộng hòa Séc, Ireland và Thụy Sĩ hiện đang xem xét trợ cấp du lịch để giúp người Ukraine trở về nước khi giao tranh chấm dứt. Tuy nhiên, không quốc gia nào nói về việc buộc họ phải quay trở lại[7].

Sự mất mát dân số do di cư ảnh hưởng đến lực lượng lao động và tăng trưởng kinh tế của Ukraine. Việc tái thiết đất nước đòi hỏi nguồn lực lớn và sự hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc phục hồi cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân trở về. Đây là tác động lâu dài đối với Ukraine nhất là sau khi chiến tranh kết thúc.

Đối với người tị nạn Ukraine, những người tị nạn là những người họ buộc phải rời bỏ nhà cửa, tìm nơi ẩn náu xuyên biên giới để thoát khỏi cuộc xung đột ở Ukraine, đe dọa tính mạng và điều kiện sống của họ.

Cuối cùng, những người tị nạn phải sống trong các trại trong một thời gian dài, nơi những người tị nạn sống mà không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết, và nhiều người trong số họ phải đối mặt với bạo lực thể xác và tình dục. Đối với người lớn và trẻ em bị buộc phải tìm nơi ẩn náu, họ phải chịu đựng những vấn đề khác nhau, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng, v.v[8]. Những người tị nạn đã chịu nhiều mất mát. Họ mất đất nước, tiền bạc, lối sống, sự an toàn và an ninh.

Trong khi đó, sau khi tha phương đến ở những “vùng đất mới”, tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người tị nạn cao hơn so với dân cư bản địa, và nhiều người đối mặt với nguy cơ nghèo đói và khai thác lao động. Trẻ em tị nạn cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục do rào cản ngôn ngữ và thiếu chỗ học[9]. Điều quan trọng là cuộc sống lưu vong vẫn sẽ tồn tại bất lợi, vì vậy ngay cả việc cư trú ở một đất nước thân thiện với người nhập cư Ukraine, chẳng hạn như Ba Lan, cũng gây ra lo lắng như vậy.

 

[1] 2022, “Xung đột Nga-Ukraine dẫn tới làn sóng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2”, VOV, <https://vov.vn/the-gioi/xung-dot-nga-ukraine-dan-toi-lan-song-di-cu-lon-nhat-o-chau-au-ke-tu-the-chien-2-post951550.vov>, [truy cập ngày 25/1/2024]

[2] 2023, “EU chia rẽ trong cơn khủng hoảng di cư”, Công an nhân dân online, https://cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/eu-chia-re-trong-con-khung-hoang-di-cu-i709825/, [truy cập ngày 25/3/2025]

[3] Olga Tucha, Inna Spivak, Olga Bondarenko, Olga Pogarska (2022), “Impact of Ukrainian Migrants on Economies of Recipient Countries”, National Bank of Ukraine, https://bank.gov.ua/admin_uploads/article/Migration_impact_2022-12-15_eng.pdf, [truy cập ngày 25/2/2024]

[5] 2022, “The impact of the influx of Ukrainian refugees on the euro area labour force”, European Central

[6] https://kyivindependent.com/5-2-million-ukrainian-refugees-remain-abroad-less-than-half-plan-to-return-poll-says/

[8] 2018, “Refugees, forced migration, and conflict: Introduction to the special issue”, Sage Journals, https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/0022343318814128, [truy cập ngày 25/1/2024]

[9] https://www.unicef.org/appeals/ukraine