* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về mối quan hệ giữa văn học - nghệ thuật với chính trị được thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau:
Một là, một số cá nhân và tổ chức thông qua các tác phẩm văn học - nghệ thuật, thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội để bày tỏ, truyền bá quan điểm sai trái, thù địch về đường lối phát triển đất nước. Họ cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, việc kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin là một quyết định sai lầm của Đảng ta, từ đó phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận những thành quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như thành quả của công cuộc đổi mới.
Hai là, một số khác chủ trương “giải thiêng”, tập trung công kích, xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các anh hùng, danh nhân trong lịch sử dân tộc.
Ba là, có những đối tượng chủ trương đòi “xét lại lịch sử”, xoáy sâu vào một số sự kiện lịch sử để hòng nhen nhóm ngọn lửa hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Bốn là, một số đối tượng khác tập trung chống phá, xuyên tạc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Họ phủ nhận những thành tựu của nền văn học kháng chiến, cho rằng đó là nền văn học minh họa cho đường lối của Đảng, ít có giá trị nghệ thuật, đòi hòi văn học - nghệ thuật phải đứng ngoài chính trị. Ngoài ra, có những kẻ phê phán đường lối, chính sách văn hóa văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta, cho rằng đường lối, chính sách ấy đang làm mất sự tự do trong sáng tạo văn học - nghệ thuật, đưa ra yêu sách thành lập các tổ chức văn đoàn độc lập, thoát ly văn học - nghệ thuật khỏi chính trị để “cởi trói” cho đội ngũ sáng tác.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, về phương diện chính trị, pháp lý, nhân loại tiến bộ đều hướng tới tinh thần thượng tôn pháp luật. Vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cũng như việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần của xã hội đã được hiến định trong Điều 4 Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà. Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, nhiều nghị quyết về văn học - nghệ thuật. Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, một số luật liên quan đến nội dung phát triển văn học - nghệ thuật đã được ban hành như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật An ninh mạng. Nhiều chính sách tôn vinh, động viên, khích lệ đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cũng đã được triển khai ... Đây là những căn cứ chính trị, pháp lý cơ bản để đập tan các luận điệu xuyên tạc về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai là, về phương diện khoa học, văn học - nghệ thuật và chính trị là những hình thái ý thức xã hội tuy tồn tại độc lập nhưng có mối quan hệ mật thiết. Xét cho đến cùng, một nền văn học - nghệ thuật chân chính cũng như một nền chính trị chân chính đều là vì con người, vì hạnh phúc của con người. Mục tiêu của nền văn học - nghệ thuật cách mạng Việt Nam thống nhất với mục tiêu đường lối chính trị Việt Nam, vì hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đúng theo phương châm: “Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ chính trị khô khan, giản đơn, nhất thời nào đó, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay”1.
Ba là, về thực tiễn, sự lớn mạnh về số lượng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, sự đa dạng của các chủ đề và các hình thức sáng tạo văn học - nghệ thuật, sự phong phú về số lượng các tác phẩm nghệ văn học - nghệ thuật nói chung và trên không gian mạng nói riêng trong thời kỳ đổi mới chính là câu trả lời chân xác nhất về tự do trong sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay.
1 Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022, tr.321.