* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc trên những phương diện chủ yếu sau:
Một là, các thế lực thù địch cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đề cao đấu tranh giai cấp nên không quan tâm đến hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Hai là, các thế lực thù địch cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam nói không đi đôi với làm trong hòa hợp, hòa giải dân tộc, chỉ nói mà không làm.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, hòa hợp, hòa giải dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngay khi bước vào đàm phán hòa bình ở Hội nghị Paris, hòa giải và hòa hợp dân tộc đã được cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt ra như một yêu cầu tiên quyết để giải quyết vấn đề chấm dứt chiến tranh cũng như xây dựng lại sau khi chiến tranh kết thúc. Tinh thần nhất quán về hòa giải và hòa hợp dân tộc đã được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam theo đuổi cho tới khi Hiệp định Paris được ký kết. Điều 11 khẳng định: “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ: Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia…”1
Hai là, kể từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ngay từ năm 1993, Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17-11-1993 của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất đã khẳng định: “Chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau...”2. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”3. Đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”4.
NĐT
1 Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II: Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2012, t.2, tr.19.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2007, t.53, tr.74-75.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tr.158-159.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.