Hiện nay, văn hóa có vai trò quan trọng trong việc điều tiết, định hướng sự phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở nước ta. Đặc biệt, văn hóa không chỉ định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội theo các chuẩn mực tốt đẹp, mà văn hóa còn đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam hiện nay.

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa (qdnd.vn)

Trong bối cảnh phát triển trên thế giới từ đầu thế kỷ XXI, các nguồn lực phục vụ sự phát triển được nhìn nhận theo tư duy và cách tiếp cận mở. Trong đó, văn hóa được xem là nguồn lực nội sinh đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước theo hướng bền vững, nhân văn. Văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ và có vai trò thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội trên rất nhiều phương diện. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội theo các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp, mà văn hóa còn hiện diện như một lĩnh vực đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP.

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp văn hóa được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng, có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện phát triển. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, các cơ quan từ Trung ương đến các địa phương đã rà soát điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chỉ đạo xây dựng chính sách lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai… để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển công nghiệp văn hóa.

Nhiều văn bản luật, nghị định liên quan các ngành công nghiệp văn hóa được ban hành, sửa đổi bổ sung phù hợp để phát triển công nghiệp văn hóa như: Luật Báo chí (2016); Luật Du lịch (2017); Luật Kiến trúc (2019); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (2020); Luật Điện ảnh (2022); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (2022); Luật Di sản văn hóa (2024); Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 của Chính phủ quy định về hoạt động triển lãm; Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn, như: Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035” (năm 2021). Thủ đô Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (năm 2022). Thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án “Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (năm 2022)…

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%. Tuy nhiên, năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm, đóng góp chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%. Sau thời gian bị tác động không tốt, đến năm 2022 bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp vào sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, hiện có 6 ngành đạt được nhiều kết quả quan trọng: điện ảnh; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; nghệ thuật biểu diễn; du lịch văn hóa; phần mềm và các trò chơi giải trí.

Về nhân lực và doanh nghiệp liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Thống kê giai đoạn 2018-2022, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, đến năm 2022 hiện có khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo năm 2022 hiện có khoảng 70.321 cơ sở kinh doanh thuộc các ngành công nghiệp văn hoá.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, so sánh số liệu thống kê sau 7 năm từ khi ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung trên thế giới về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển. Vì vậy, đây cũng là lĩnh vực đang có sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép cho các ngành thuộc nhóm nghệ thuật, vui chơi và giải trí đến cuối năm 2022 là 140 dự án (chiếm 0,4% tổng số dự án của nước ngoài).

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, song còn thiếu các cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa. Các sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn biểu hiện “lệch chuẩn”, ít tác phẩm lớn, dễ bị tác động bởi suy thoái kinh tế, dịch bệnh… Còn nhập khẩu nhiều loại hình, sản phẩm nước ngoài, chẳng hạn như phim truyền hình, đa số là phim nước ngoài, phim nước ngoài chiếu rạp chiếm trên 70%. Thiếu chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa; số lượng và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa chưa chuẩn hóa phương pháp và chỉ tiêu thống kê, thiếu hệ thống theo dõi, nên khó đánh giá thực chất tình hình phát triển…

Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa. Trong phát triển, cần đánh giá, xác định những ngành công nghiệp văn hóa trọng tâm, trọng điểm, chẳng hạn như điện ảnh, thời trang, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa… để tập trung nguồn lực khai thác, phát huy hiệu quả. Tăng cường đầu tư nhằm bảo tồn bền vững giá trị của các di sản văn hóa, làm nền tảng phát huy, phát triển về kinh tế, thể thao, du lịch. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.