Trong thời đại công nghệ số và truyền thông đa chiều, chiến tranh không còn chỉ là cuộc đối đầu bằng vũ khí nóng mà ngày nay, một cuộc chiến còn nguy hiểm hơn - đó là chiến tranh thông tin - đang diễn ra âm thầm nhưng sâu sắc trong mọi ngõ ngách của đời sống. Nếu vũ khí quân sự gây tổn thương về thể chất, thì luận điệu sai lệch chính là loại “vũ khí mềm” có khả năng gây nhiễu loạn nhận thức, chia rẽ lòng tin, làm suy yếu ý chí, tinh thần và khối đại đoàn kết dân tộc. Chính vì vậy, Đảng ta đã hành Nghị quyết 35-NQ/TW với mục tiêu: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng;... làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới”(1).
Giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, đó là cơ sở “tự miễn dịch” trước những luận điệu sai trái của các tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch, chống đối. Niềm tin không chỉ là trạng thái tâm lý cá nhân mà còn là nhân tố nền tảng quyết định đến sự ổn định, phát triển và đoàn kết trong một quốc gia. Trong một xã hội lành mạnh, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vào pháp luật và các giá trị đạo đức chung. Niềm tin không thể áp đặt mà phải được nuôi dưỡng qua thực tiễn, minh chứng và sự nhất quán giữa lời nói và hành động của các thiết chế xã hội. Khi người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách và hành động của Đảng và Nhà nước, họ sẽ có thái độ tích cực, chủ động tham gia xây dựng và bảo vệ chế độ, đồng thời không bị dao động trước những thông tin trái chiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, không gian mạng trở thành môi trường tồn tại song song với đời sống thực, thì niềm tin xã hội lại đang đứng trước những thử thách to lớn. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội để phát tán luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, gieo rắc hoài nghi, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Có thể thấy trong chiến tranh hiện đại, nhiều khi không cần đến súng đạn, chỉ cần những bài viết kích động, các video "cắt cúp", những bình luận mang tính mớm ý, người ta cũng có thể tạo ra sự hỗn loạn về nhận thức. Luận điệu xuyên tạc không chỉ dừng ở việc phủ nhận công lao, thành tựu cách mạng, mà còn tinh vi hơn khi đánh vào tâm lý đám đông, khai thác những tồn tại, yếu kém cục bộ để thổi phồng, xuyên tạc bản chất vấn đề. Như vậy, khác với thông tin sai lệch đơn thuần do thiếu hiểu biết, luận điệu sai lệch là sản phẩm có chủ đích, được tạo ra để đánh tráo bản chất sự việc, gieo rắc hoài nghi và đánh vào những điểm dễ tổn thương trong xã hội. Chúng thường “gói trong lớp vỏ sự thật”, nhưng lại rút lõi nội dung bằng sự mơ hồ, suy diễn, hoặc cắt ghép theo hướng tiêu cực.
Một số ví dụ thực tiễn thời gian qua cho thấy sự nguy hiểm của loại “virus thông tin” này. Chẳng hạn, mấy năm trước, khi Nhà nước ban hành các chính sách phòng chống dịch COVID-19, một bộ phận người dân đã bị lôi kéo tin vào các thuyết âm mưu, tin giả về vaccine, dẫn đến sự hoang mang, thậm chí phản kháng. Hay khi Nhà nước thực hiện các dự án phát triển hạ tầng như đường cao tốc, sân bay, khu đô thị... một số trang mạng xã hội lập tức đưa tin xuyên tạc như “chính quyền thu đất của dân”, “bán đất cho nước ngoài”, “người dân bị đẩy ra đường”. Dù thực tế có cơ chế đền bù, hỗ trợ tái định cư rõ ràng, nhưng những luận điệu ấy vẫn đánh vào cảm xúc, khiến dư luận hoang mang, từ đó dấy lên làn sóng phản đối thiếu kiểm chứng.
Đặc biệt, hiện nay vấn đề thời sự là chủ trương sắp sếp tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp, sát nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách, và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong đầu tư phát triển, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Quốc hội và Chính phủ đã có các nghị quyết rõ ràng, lộ trình cụ thể và các tiêu chí minh bạch,... trong đó luôn nhấn mạnh nguyên tắc “không làm xáo trộn đời sống nhân dân, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội”. Tuy nhiên, một số luận điệu sai lệch, phản động đã lợi dụng chủ trương này để gieo rắc hoài nghi trong nhân dân, với những phát ngôn và nội dung như: “Sáp nhập xã, bỏ huyện là cách để chính quyền dễ bề kiểm soát dân”; “Cắt giảm bộ máy là lý do để cắt lương, sa thải cán bộ địa phương”; “Xóa tên xã là xóa bỏ lịch sử, truyền thống, danh tính văn hóa của người dân”; “Sau khi sáp nhập, dân sẽ bị bỏ rơi, đi làm giấy tờ phải đi xa gấp đôi, khổ trăm đường”;... Tính chất của những luận điệu này là bóp méo mục tiêu thực sự của chính sách, tận dụng tâm lý hoài cổ, lo sợ mất bản sắc, thổi phồng khó khăn trước mắt để phủ định lợi ích lâu dài, kích động tâm lý chia rẽ giữa người dân và chính quyền. Nếu không tỉnh táo, người dân có thể bị dẫn dắt bởi thông tin một chiều, mang tính cảm tính, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin vào chính sách cải cách đúng đắn của Nhà nước.
Trước những thách thức đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ môi trường thông tin lành mạnh. Tự bản thân mỗi người phải trở thành “kháng thể thông tin” – tỉnh táo, chọn lọc và có khả năng phân tích, phản biện trước những luồng tin nhiễu loạn. Không chia sẻ vội vã, không tin mù quáng, và biết đặt câu hỏi đúng lúc là cách đơn giản nhất để phòng ngừa bị dắt mũi. Bên cạnh đó, việc nâng cao dân trí, giáo dục tư duy phản biện trong nhà trường, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông chính trị cho cán bộ, đặc biệt ở cấp cơ sở, là những giải pháp thiết thực và lâu dài để xây dựng "hệ miễn dịch cộng đồng" trước sự xâm nhập của thông tin độc hại. Đáng mừng là nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, nhà báo và công dân đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rõ rệt trong công tác tuyên truyền, phản bác các luận điệu sai trái. Các chương trình như “Dân hỏi – Chính quyền trả lời”, các diễn đàn đối thoại trực tiếp, các clip phản biện ngắn gọn trên TikTok, YouTube... đã phần nào chứng minh sức mạnh của việc lan tỏa niềm tin chân thành, dựa trên sự thật.
Những thành tựu đạt được trong 40 năm đổi mới của đất nước đã minh chứng chân thực về niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhân dân ta luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Thống nhất trong nhận thức và hành động trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Cụ thể như những ngày qua, nhiều địa phương trên cả tổ chức lấy ý kiến người dân về Đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã, trong đó có tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có tỷ lệ cử tri tham gia lấy ý kiến phương án sát nhập tỉnh đạt 98,4%, tỷ lệ đồng ý đạt 97,9 %; với đề án sáp nhập cấp xã, có 143/144 đơn vị được tổ chức lấy ý kiến, trong đó có 132 đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 90% trở lên(2). Đây là những minh chứng sống động cho thấy niềm tin sâu sắc và sự đồng lòng của người dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Trong bối cảnh mà một số luận điệu sai lệch cố tình bóp méo rằng “dân không được hỏi ý kiến”, “chính quyền làm theo kiểu áp đặt”, thì con số gần như tuyệt đối này là cú phản bác đanh thép, mạnh mẽ. Nó khẳng định rằng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều đặt người dân làm trung tâm, và sự tham gia của nhân dân là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công. Đó cũng thể hiện ý thức chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm rõ ràng của người dân. Họ không thụ động chờ thông tin từ một phía, mà đã chủ động tìm hiểu, thảo luận, phân tích thiệt - hơn để đưa ra quyết định phù hợp với lợi ích chung. Đây chính là một biểu hiện sinh động của dân chủ thực chất - nơi người dân không chỉ là đối tượng chịu tác động mà thực sự trở thành chủ thể kiến tạo chính sách.
Tóm lại, niềm tin không tự nhiên mà có – trách nhiệm không ai được từ chối. Chống lại các luận điệu xuyên tạc không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà là nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân có ý thức. Niềm tin xã hội, một khi được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự minh bạch, công bằng và đối thoại, sẽ là "lá chắn thép" trước mọi âm mưu chia rẽ. Tự bản thân mỗi người - dù là giảng viên, sinh viên, công nhân, hay cán bộ... đều có thể góp phần xây dựng một cộng đồng vững vàng, đồng thuận, và giàu bản lĩnh. Đó là cách để chúng ta “miễn dịch” trước mọi sai lệch, và cùng nhau bước sang kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là Dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu...”(3).