Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, Đảng, Nhà nước ta chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và từ ngày 6-5-2025 tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền xuyên tạc nhằm thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, cần phải quan tâm nhận diện, cảnh giác và đấu tranh phản bác các chiêu trò chống phá của các thế lực phản động, thù địch liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp.

     1. Nhiều trò “mượn gió bẻ năng”!

     Ngày 06/5/2025, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền xuyên tạc nhằm thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Âm mưu, thủ đoạn đen tối của họ tập trung vào những vấn đề sau đây:

     - Lợi dụng về sửa đổi Hiến pháp để đòi hỏi phi lý “xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013” với lý sự cùn là: “Để đảm bảo quyền làm chủ của người dân” và “để nhân dân được tự do chính trị”, “Căn bản của Hiến pháp không có điều gì hợp với lòng dân, chỉ có lợi cho Đảng mà thôi. Nếu muốn sửa đổi hiến pháp, một điều duy nhất là bỏ Điều 4...” (?!). Thực chất, đó là âm mưu chống phá hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, để thực hiện cái mưu đồ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” - điệp khúc mà chúng nhai đi nhai lại từ nhiều năm nay!

     - Xuyên tạc, quy chụp phi lý rằng “sửa đổi Hiến pháp là mị dân”, “hợp thức hóa ý đồ của người đứng đầu Đảng”, “việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp chỉ là trò làm màu tốn thời gian”, “sửa đổi Hiến pháp là đấu tranh quyền lực”. Đi đầu cho luận điều này vẫn là tổ chức phản động Việt Tân cho rằng việc sửa một số điều liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước theo định hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả là có “âm mưu, động cơ chính trị” đằng sau đó. Còn Đài Á châu Tự do (RFA) ráo riết tung tin, bình phẩm với nhiều luận điệu suy diễn, xuyên tạc, quy chụp rằng, “đấu tranh quyền lực”, “công cụ để tháo dỡ các mạng lưới quyền lực cũ”. Thoibao.de - trang phản động do đối tượng Lê Trung Khoa lưu trú ở Đức cầm đầu cũng chớp thời cơ lan truyền luận điệu xuyên tạc chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 2013, rằng: “Khi nội bộ bất đồng: Sửa Hiến pháp trở thành chiến trường”... (?!).

     - Chúng đòi hỏi phi lý, vô căn cứ về cái gọi là “Thành lập tổ chức công đoàn độc lập”, “Dân chủ hóa Quốc hội”, “Công nhận báo chí tư nhân, tự do lập hội, tự do ngôn luận”. Đặc biệt nguy hiểm, tổ chức phản động Việt Tân rêu rao: “góp ý sửa đổi Hiến pháp – công nhân Việt Nam cần có quyền thành lập công đoàn độc lập để đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình. Lao động không phải là nô lệ”. Rồi Việt Tân còn mượn dịp này để lớn tiếng đưa ra yêu sách 10 điểm phi lý như đòi: “công nhận đa đảng; công đoàn độc lập; tòa án độc lập khỏi Đảng; quốc hội độc lập khỏi Đảng; ứng cử độc lập bầu cử tự do; hợp thức hóa quyền biểu tình...”.

     2. Sự thật: không bẻ được măng!

     Thứ nhất, kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) đến nay, Việt Nam có 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Từ đó để nhận thấy, như một quy luật tất yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử, luôn cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp.

     Sau hơn 11 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013, đến nay tình hình thực tiễn, nhiệm vụ cách mạng đặt yêu cầu mới, đặc biệt là hiện nay Đảng và Nhà nước ta chủ trương, thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Có nhiều thay đổi về thực tiễn, như: xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện), sát nhập một số cơ quan, tổ chức hành chính cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp xã; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng... Việc làm đó nhằm tạo nên bộ máy tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả sẽ giảm bớt gánh nặng hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

     Thứ hai, theo Điều 120 Hiến pháp 2013 quy định: “Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp”. Rõ ràng, việc sửa Hiến pháp phải tiến hành lấy kiến Nhân dân. Người dân ngoài việc được lấy ý kiến với nhiều hình thức và quy trình tiến hành rất chặt chẽ, dân chủ, khách quan, còn được theo dõi phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 qua truyền hình, phát thanh trực tiếp.

     Hiện nay Bộ Công an đã tích hợp việc góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến Pháp năm 2013 trên ứng dụng VNEID, mỗi công dân đều có thể truy cập, đọc dự thảo và trực tiếp gửi góp ý trên ứng dụng công khai này. Ở trong nước, dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến Pháp năm 2013. Người Việt Nam ở nước ngoài, nếu là một công dân Việt Nam yêu nước chân chính, còn giữ quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên họ được quyền và có trách nhiệm đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp năm 2013. Điều này sẽ được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam hỗ trợ. Nhược bằng ai đó đã xé bỏ, phỉ báng tấm vé quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn lên mạng để hô hào, lôi kéo người dân có góc nhìn sai lệch về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thì đương nhiên những kẻ đó không bao giờ có được cơ hội thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân Việt Nam.

     Như vậy, hoàn toàn không có chuyện “mị dân”, “chỉ là việc làm mất thời gian”, hay “đấu tranh quyền lực”, “hợp thức hóa ý đồ cá nhân đứng đầu Đảng” trong việc sửa Hiến pháp và lấy ý kiến Nhân dân như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch suy diễn.

     Thứ ba, cần nhấn mạnh, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của đất nước và việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, không phải do một hay một số cá nhân thực hiện theo ý muốn chủ quan, mà đòi hỏi sự đồng thuận cao từ quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang; thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Biểu hiện cao nhất đó là việc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng họp thảo luận tại Hội nghị Trung ương 11 thông qua chủ trương sửa đổi Hiến pháp 2013, kế tiếp là Quốc hội - Cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam họp hội nghị và ấn nút thông qua chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Điều đó cho thấy, sự đồng thuận chính trị đặc biệt cao trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này, mặc dù có sự rút ngắn thời so với các lần sửa đổi, thay đổi Hiến pháp trước đây tại Việt Nam.

       Về mục đích, yêu cầu của sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là: 1- Thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. 2- Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. 3- Phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước. 4- Đây là công việc hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến nhân dân; chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

     Về nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung. (1)  các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. (2) các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện. Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, liên quan đến 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội.

     Các công việc soạn thảo, sửa đổi, lấy ý kiến nhân dân, tiếp thu hoàn chỉnh, ban hành Hiến pháp được thực hiện theo chu trình chặt chẽ, nghiêm túc, công minh, không thể tùy tiện chủ quan thêm vào hay bỏ bớt nội dung như suy nghĩ của những kẻ miệng đi trước não!