Thực hành tiết kiệm và phòng chống lãng phí đang trở thành một chiến lược phát triển quốc gia thay vì chỉ là khẩu hiệu đạo đức. Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gần đây cho thấy sự nhất quán trong tư duy lãnh đạo về giải phóng nguồn lực và thực hành liêm chính công quyền.

Cả nước hiện có khoảng 2.200 dự án tồn đọng. Ảnh: BẮC SƠN

Tiết kiệm là giải phóng nguồn lực

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những con số khiến bất kỳ ai cũng phải giật mình: cả nước hiện có khoảng 2.200 dự án tồn đọng, nếu được tháo gỡ có thể giải phóng hơn 230 tỷ USD - tương đương 50% GDP của Việt Nam. Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhiều lần nói đến thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Gần đây nhất, trong buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương, người đứng đầu Đảng ta khẳng định: “Đất nước không thể phát triển nhanh nếu không tiết kiệm, vẫn để xảy ra tình trạng lãng phí”.

Phát biểu của hai nhà lãnh đạo cho thấy một điều: tiết kiệm và chống lãng phí không còn là khẩu hiệu đạo đức đơn thuần, mà đã trở thành mệnh lệnh chính trị và chiến lược phát triển quốc gia.

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra một vấn đề cốt lõi trong quản trị quốc gia: làm sao để khơi thông những dòng vốn bị tắc nghẽn, làm sao để tận dụng những tài nguyên “đang ngủ quên”. 2.200 dự án nằm im đồng nghĩa với hàng nghìn ha đất bỏ hoang, hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách bị giam cầm, hàng triệu lao động tiềm năng không có cơ hội việc làm. Lãng phí, theo nghĩa rộng, không còn chỉ là chuyện văn phòng mua sắm lãng phí, hay dự án đội vốn mà là sự bất động của cả một nền kinh tế khi các nguồn lực không được giải phóng.

Trong thời điểm Việt Nam đang đối mặt với áp lực từ cả trong và ngoài nước, từ xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược Mỹ- Trung, đến nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”, từng đồng vốn, từng ngày chậm trễ trong triển khai các dự án cũng có thể là rào cản với tăng trưởng bền vững.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao lại có hàng nghìn dự án tồn đọng như vậy? Một phần nguyên nhân nằm ở sự chồng chéo pháp lý, sợ trách nhiệm trong công tác phê duyệt, giải ngân; phần khác đến từ sự thiếu quyết đoán, thiếu tầm nhìn dài hạn ở các cấp điều hành. Chính phủ, như lời Thủ tướng, đang khẩn trương xây dựng các cơ chế đặc thù, cải cách quy trình để tháo gỡ nút thắt. Nhưng điều quan trọng hơn là cần một thái độ nhất quán và kiên quyết từ toàn bộ hệ thống chính trị đối với lãng phí, coi đó không chỉ là lỗi hành chính, mà là một hình thức “tham nhũng nguồn lực”.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đưa vấn đề tiết kiệm và chống lãng phí vào một tầng sâu hơn, từ một chính sách kinh tế trở thành một chuẩn mực đạo đức công vụ trong hệ thống chính trị hiện đại. “Đất nước không thể phát triển nhanh, tăng trưởng hai con số nếu không tiết kiệm, vẫn để xảy ra lãng phí”, đây không phải là một phát biểu lý thuyết mà là một định hướng chiến lược. Nó đồng nghĩa với việc phải coi tiết kiệm là nguyên tắc cốt lõi trong mọi quyết sách công: từ ngân sách nhà nước, đầu tư công, cho đến vận hành bộ máy hành chính.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã trải qua không ít bài học đắt giá về lãng phí: những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, những công trình đội vốn gấp ba lần, những khu công nghiệp, sân bay, cảng biển xây xong nhưng không được đưa vào sử dụng đúng công năng. Tất cả những điều đó không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân, kìm hãm cơ hội phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng chống lãng phí là nhiệm vụ “cấp bách, ưu tiên, phải làm ngay”. Đây là điểm mấu chốt. Trong khi tham nhũng thường được công luận chú ý và xử lý bằng các bản án nghiêm khắc, tình trạng lãng phí thường bị coi nhẹ, không quy được trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Lãng phí là kẻ thù vô hình, nhưng chính vì vô hình nên mức độ phá hoại của nó càng nghiêm trọng nếu không bị nhận diện và ngăn chặn kịp thời.

Tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh…

Nhìn rộng ra, chính sách tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay là sự tiếp nối rõ rệt tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ những năm đầu lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh tinh thần “tiết kiệm là quốc sách”. Trong tác phẩm “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (trang 352, tập 7, Hồ Chí Minh toàn tập), Người viết: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc tốn bao nhiêu công, bao nhiêu của, cũng vui lòng. Nhưng, đúng là Kiệm”.

Trong kháng chiến, tiết kiệm là để chống đói, chống giặc; trong thời bình, tiết kiệm là để xây dựng đất nước, bảo đảm an sinh xã hội. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng một quốc gia còn nghèo muốn đi lên không thể sống hoang phí, dù là trong sản xuất hay trong chi tiêu hành chính.

Ngày nay, khi đất nước đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, tư tưởng đó cần được làm mới và thực hiện một cách hệ thống, từ quy hoạch đầu tư đến vận hành bộ máy công quyền. Nếu tư tưởng tiết kiệm của Hồ Chí Minh được thấm nhuần sâu sắc thì những dự án “treo”, những công trình bỏ hoang, những khoản chi ngân sách bất hợp lý sẽ dần bị triệt tiêu.

Chống lãng phí, như phát biểu của Tổng Bí thư và Thủ tướng, phải được xem là một tiêu chí hàng đầu trong quản trị quốc gia. Điều cần lúc này không chỉ là tinh thần mà là cơ chế cụ thể để giám sát, minh bạch và xử lý trách nhiệm. Cần có bộ chỉ số đo lường lãng phí trong đầu tư công, cần có báo cáo hàng năm về chi phí cơ hội của các dự án bị chậm tiến độ. Và trên hết, cần đặt tiết kiệm, chống lãng phí thành một phần trong đánh giá năng lực cán bộ, một tiêu chí trong chỉ số hài lòng của người dân với chính quyền.

Không thể nói đến “Chính phủ kiến tạo, liêm chính” nếu vẫn tồn tại hàng nghìn dự án treo, và cũng không thể xây dựng “thế trận lòng dân” nếu ngân sách nhà nước bị sử dụng một cách dàn trải, không hiệu quả.