Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, lớp trầm tích văn hoá Việt ngày càng được bồi đắp, kiến tạo, khiến cho “thành trì” di sản văn hoá của dân tộc thêm phong phú, đa dạng. Thấu hiểu sâu sắc vai trò di sản trong công cuộc kiến thiết nước nhà, ngay từ những ngày đầu khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 65/SL về “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - đặt viên gạch đầu tiên cho tư duy bảo vệ văn hoá bằng luật pháp.
Sắc lệnh 65 ngày 23/11/1945 - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ VH,TT&DL.
Từ “nền móng” pháp lý đầu tiên trong bảo tồn di sản văn hoá…
Sắc lệnh số 65/SL được ban hành ngày 23/11/1945, trong bối cảnh nước nhà vừa giành độc lập với vô vàn khó khăn trước tình thế giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ lâm thời lại ban hành một sắc lệnh chuyên biệt về nhiệm vụ “bảo tồn cổ tích”. Điều này chứng tỏ, công tác bảo tồn di sản không bị xem là thứ yếu, mà là một trong những phần thiết yếu của công cuộc xây dựng đất nước. Sắc lệnh thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị vật chất, tinh thần của các di sản văn hoá cũng như vai trò của bảo tồn di sản, mà sâu xa hơn, là nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa nói chung trong phát triển quốc gia. Người nhận thấy cần thiết phải bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo các di sản văn hoá, bởi lẽ, di sản là hồn cốt của dân tộc, nếu đánh mất dù chỉ là một phần di sản cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc.
Sắc lệnh 65/SL chỉ vỏn vẹn 314 từ, vừa ngắn gọn, vừa súc tích, phản ánh rõ nét những tư tưởng, quan điểm sâu sắc của Nhà nước. Sắc lệnh gồm 6 điều, xác định vai trò của công tác bảo tồn di sản “là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”1; chủ thể quản lý “Đông phương Bác Cổ học viện từ nay sẽ thay Pháp quốc Viễn đông Bác cổ học viện (Ecole Francaise d' Extrême-Orient) có nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”2; quy định các nhiệm vụ cụ thể như giữ nguyên luật lệ về bảo tồn cổ tích, “cấm phá huỷ những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn, những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”3; xác định nguồn kinh phí “Chính phủ vẫn công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác cổ học viện”4;… Từ đây, tiến trình thể chế hoá công tác bảo tồn di sản được hình thành, mở đường cho việc thiết lập hệ thống các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hoá, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản văn hoá Việt Nam” nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc”5.
… đến các thách thức đặt ra trong bối cảnh mới
Nếu Sắc lệnh 65/SL đặt nền móng cho tư duy bảo tồn bằng luật pháp, thì ngày nay, trước bối cảnh đổi thay nhanh chóng, nhiệm vụ ấy càng trở nên cấp thiết và phức tạp hơn bao giờ hết. Sau gần 80 năm thực thi Sắc lệnh 65/SL cùng với hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ngày càng được quan tâm và gặt hái nhiều thành quả. Đó là nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của di sản và vai trò/ trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ngày càng được nâng cao; từng bước xây dựng và chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật và các chính sách về di sản; công tác xã hội hoá di sản có nhiều chuyển biến tích cực;… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác này đang phải đối mặt với những nguy cơ và thách thức mới trước sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; đồng thời, đứng trước sự biến đổi các giá trị trong xã hội. Những thách thức này đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, toàn diện và linh hoạt trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc trong kỷ nguyên hội nhập.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã thúc đẩy sự giao thoa, tiếp biến văn hoá của đất nước, tạo nên những giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc của dân tộc. Bên cạnh đó, còn mở ra cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ làm công tác di sản, tiếp cận nguồn tài chính, công nghệ - kỹ thuật hiện đại từ UNESCO, các tổ chức văn hóa quốc tế, các quỹ bảo tồn. Đơn cử như di tích Cố đô Huế, trong hơn 40 năm qua, thông qua sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO đã có 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ, hơn 10 tổ chức tư vấn chuyên môn quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí đầu tư hơn 10,5 triệu USD. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, quá trình này luôn tồn tại tính hai mặt, bên cạnh những lợi ích to lớn thì văn hoá nước nhà phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lăng, lai căng, đồng hoá văn hoá. Do đó, việc kiên định lập trường và nhận thức đúng đắn về vấn đề giao lưu và tiếp biến văn hoá chính là “chìa khoá” then chốt để giải quyết bài toán hoà nhập nhưng không “hoà tan” trước bối cảnh hội nhập văn hoá toàn cầu.
Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã làm thay đổi diện mạo đất nước, cải biến sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội,… và tác động không nhỏ đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Thứ nhất là phá vỡ cấu trúc không gian văn hoá, tạo sự xung đột giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế đô thị. Một số di sản văn hoá phi vật thể như: Hát Ca trù; Hát Xoan Phú Thọ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh;… lo ngại nguy cơ đánh mất giá trị bản sắc văn hoá, bởi lẽ nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân dần thay đổi, không gian diễn xướng thay đổi, tạo nên rào cản trong việc tái hiện nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống. Thứ hai là tiềm ẩn nguy cơ thương mại hoá di sản, làm mai một bản sắc và đánh mất yếu tố nguyên gốc. Nhiều địa phương đã thành công trong việc biến di sản văn hoá thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế du lịch, trái lại, không ít địa phương đang rơi vào tình trạng lạm dụng hoặc khai thác thiếu kiểm soát, dẫn đến hiện tượng “làm mới” di sản một cách tuỳ tiện, gây đứt gãy giá trị nguyên bản. Thứ ba, thiếu hụt lớp nghệ nhân trẻ kế cận do sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp dần chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Có thể thấy, hiện tượng phai nhạt giá trị văn hóa là bằng chứng của sự đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình chuyển đổi. Điều này đặt ra thách thức lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Trước xu thế toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng, nền kinh tế thị trường thâm nhập ngày càng sâu rộng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ giá trị văn hoá Việt Nam là đối tượng chịu ảnh hưởng/tác động rõ nét nhất và đòi hỏi phải chuyển đổi để thích ứng với dòng chảy hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Sự chuyển đổi đó theo ba xu hướng: Một là nhiều giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ, song đã có sự thay đổi nhất định về nội dung và hình thức thể hiện; hai là một số giá trị truyền thống lỗi thời, lạc hậu dần bị thay thế/mất đi vì không còn phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại; ba là nhiều giá trị mới được kiến tạo, tiêu biểu như: văn hoá số, chính phủ số, bảo tàng số, kinh tế số,… cho thấy xu hướng tiếp cận di sản theo những phương thức mới, linh hoạt và đầy tiềm năng.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được quan tâm và chú trọng nhiều hơn không chỉ ở các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn trong nhận thức nêu cao tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội. Và sắc lệnh 65/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược vượt thời gian, vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, trở thành “kim chỉ nam” trong việc gìn giữ hồn cốt, bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc và khẳng định bản lĩnh văn hoá Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập. Đồng thời còn thể hiện khát vọng xây dựng một đất nước, nơi bản sắc văn hoá dân tộc không bị lùi lại phía sau mà thực sự trở thành nội lực, nền tảng tinh thần cho sự nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.
Mục lục tham khảo:
(1) (2) (3) (4): Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”.
(5): Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg ngày 24/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Di sản văn hoá Việt Nam”.