Sau bước chuyển mình mạnh mẽ để “sắp xếp lại giang sơn”, một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải xây dựng lại các bản quy hoạch địa phương, trong đó có không ít quy hoạch địa phương từng được lập theo địa giới hành chính “cứng”.

Việc lập mới quy hoạch vùng cấp tỉnh theo cấu trúc hành chính - không gian mới trên cơ sở dữ liệu của các quy hoạch đã có sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức và thời gian. Ảnh minh họa: Thời nay

Nếu các quy hoạch không được cập nhật, điều chỉnh phù hợp, tổ chức không gian sẽ bất cập; rất dễ xảy ra tình trạng hạ tầng chồng lấn; gây lệch pha giữa chức năng và thực trạng sử dụng đất. Cũng thấp thoáng đâu đó rủi ro đô thị hóa lệch lạc: Một số khu vực không còn nằm trong trung tâm hành chính của địa phương sẽ bị “lãng quên” trong khi có những khu vực khác đã đông nay càng đông hơn và quá tải. Việc người dân phải đi xa hơn để tiếp cận dịch vụ công cũng là yếu tố phải tính đến. Đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong quá trình ra quyết định đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư luôn cân nhắc đến các yếu tố hạ tầng, logistics và quy hoạch để phát huy lợi thế mạng lưới.

Lấy thí dụ “siêu đô thị” Thành phố Hồ Chí Minh với ba “đô thị hạt nhân” mới là Thủ Đức, Dĩ An và Bà Rịa: Nếu giữ nguyên quy hoạch riêng lẻ cho từng địa phương, thành phố sẽ thiếu sự liên kết về giao thông, không gian hành chính lẫn kinh tế. Theo các nhà quy hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh có thể phát triển mô hình vành đai với “hồng tâm” là trung tâm tài chính, đô thị lịch sử; vòng giữa gồm Thủ Đức, Dĩ An, Thuận An có chức năng là trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, dịch vụ, đào tạo; vòng ngoài là hệ thống vận tải, cảng biển, khu du lịch như Bà Rịa, Long Hải, Cát Lái, Cái Mép, Cần Giờ… Theo hướng này, giao thông, dịch vụ công, không gian sống được phân bố đồng bộ và tối ưu hóa; giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển, giảm chi phí xã hội, tăng năng suất toàn vùng. Đồng thời, với những chính sách quản lý dân cư phù hợp, quy hoạch này có thể tránh dồn nén dân số vào trung tâm cũ, giảm áp lực hạ tầng.

Làm lại quy hoạch sau sắp xếp không đến mức “làm lại ngại hơn làm đi”. Dù không thể là phép “chắp vá” các quy hoạch cũ, nhưng cũng không có nghĩa là bỏ đi một cách uổng phí khối lượng công việc rất lớn đã thực hiện. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc lập mới quy hoạch vùng cấp tỉnh theo cấu trúc hành chính - không gian mới trên cơ sở dữ liệu của các quy hoạch đã có sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức và thời gian khảo sát, đánh giá…

Nhìn thấy trước vấn đề này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, dù đã qua hầu hết trình tự thủ tục lập pháp, chưa được trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua mà sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để trình và (dự kiến) được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 khai mạc cuối năm nay.

Quy hoạch là công cụ quyết định tư duy phát triển. Mặc dù vậy, kể cả khi đã có trong tay công cụ quản lý sắc bén là những bản quy hoạch hợp lý, khả thi, thì, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư ngay từ khâu lên ý tưởng, lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà xưởng… chứ không chỉ chờ đợi họ đến trình hồ sơ và phê duyệt.