Cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có những đóng góp rất đáng tự hào trong các cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của đất nước. Tỉnh có 235.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận; trên 16.000 người con của đất mẹ Ninh Bình đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ; 1.216 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 14 người đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 7.936 thương binh; 6.900 là bệnh binh; 5.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học; 849 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 740 người được công nhận là Cán bộ Lão thành cách mạng và Cán bộ tiền khởi nghĩa, 32 gia đình có công giúp đỡ cách mạng; trên 102.000 người được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến, hàng chục nghìn người được tặng Bằng khen vì có thành tích tham gia kháng chiến[1]. Tỉnh Ninh Bình và nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Những năm qua, việc thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo, tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng về xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách người có công. Từ năm 2017, tỉnh Ninh Bình không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội[2]. Ngoài việc quản lý và thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước, nhiều chính sách khác cũng được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện như: chính sách miễn giảm thuế, ưu tiên trong giao ruộng đất, mặt nước, vay vốn để phát triển sản xuất, ưu tiên và tạo điều kiện cho con em người có công trong giáo dục, đào tạo, học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động...
Cấp uỷ, chính quyền các cấp thường xuyên phát động và tổ chức tốt các phong trào và được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng nhiều hoạt động rất cụ thể, thiết thực như: Xây dựng, sửa chữa “Nhà tình nghĩa”, vườn cây, ao cá tình nghĩa; giếng nước, bể nước tình nghĩa và tặng đồ gia dụng tình nghĩa; lập “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”; tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa” phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến hết đời, đón thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình...; thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Chỉ riêng dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; các cơ quan doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ, đi thăm, tặng 76.353 nghìn suất quà, trị giá trên 23.875.900.000 tỷ đồng[3] cho các đối tượng người có công với cách mạng...
Xây nhà tình nghĩa cho người có công ở tỉnh Ninh Bình
(nguồn: internet)
UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức khám, tư vấn chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công, trị giá hàng tỷ đồng. Các Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan; Bệnh viện Chỉnh hình, điều dưỡng, phục hồi chức năng Tam Điệp; Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần (Yên Mô) đã từng bước được đầu tư xây dựng nâng cấp, tăng cường trang thiết bị và kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, viên chức đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và người có công...
Tỉnh Đoàn tổ chức tôn tạo, dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn... Đã thành thông lệ, vào tuần lễ cao điểm thực hiện công tác "Đền ơn đáp nghĩa" nhân dịp 27/7, Tỉnh Đoàn duy trì các hoạt động tu sửa, tổ chức thay hoa, cát, hương, làm vệ sinh, trồng cây xanh, thắp nến tri ân trên các phần mộ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn. Tỉnh Đoàn cũng thực hiện tốt công tác phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...
Hội liên hiệp phụ nữ và các tổ chức chính trị - xã hội của Tỉnh hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà tại địa phương; đóng góp trên 500 ngày công quét dọn vệ sinh nghĩa trang, đài tưởng niệm, làm đèn hoa đăng, tích cực tham gia giúp các gia đình có công với cách mạng bằng chương trình cho vay giống, vốn không lấy lãi, hỗ trợ ngày công lao động; lồng ghép trong các chương trình, phong trào, hoạt động của Hội để tuyên truyền, phổ biến về những chế độ, chính sách mới ban hành đối với gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm nhằm chia sẻ, nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam tại gia đình cho các hội viên...
Chăm sóc sức khỏe người có công tại Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần tỉnh Ninh Bình
(Nguồn: dansinh.dantri.com.vn)
Những việc làm đầy trách nhiệm và tình nghĩa đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc giáo dục lòng yêu nước, nhân ái, biết ơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với nước; đồng thời củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí quật cường "Tàn nhưng không phế" đã vượt lên thương tật, bệnh tật và khó khăn, phấn đấu vươn lên, cần cù, sáng tạo trong học tập, công tác, lao động sản xuất bằng ý chí và nghị lực để làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương. Những tấm gương tiêu biểu như ông Đinh Văn Ninh (xã Định Hoá, huyện Kim Sơn) là thương binh tỷ lệ thương tật 35% đã nhận khoán thùng đấu và áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, đồng thời giúp đỡ bà con trong thôn xóm, kỹ thuật chăn nuôi để thoát nghèo; ông Lê Đức Vinh (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) là thương binh tỷ lệ thương tật 81% đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch cho nhân dân trong xã và một số vùng xung quanh[4]... Kết quả công tác người có công trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua là rất đáng tự hào, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương.
[1],2 UBND tỉnh Ninh Bình, Báo cáo số 87/BC-UBND, ngày 07/7/2017 về Kết quả thực hiện công tác Thương binh, Liệt sĩ, Người có công và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012 - 2017.
[3] Sở Lao động – Thương binh và xã hội Báo cáo số 19/BC-UBND, ngày 23/01/2025 về Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, năm 2025.
[4] UBND tỉnh Ninh Bình, Báo cáo số 87/BC-UBND, ngày 07/7/2017 về Kết quả thực hiện công tác Thương binh, Liệt sĩ, Người có công và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012 - 2017.