Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng?

Trả lời

Ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, sử dụng ngòi bút để vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới vấn đề tham nhũng bằng việc viết rất nhiều bài báo, phóng sự tố cáo nạn tham nhũng trong các loại quan chức chính quyền thực dân ở Đông Dương, Người chỉ rõ: “trong cái xứ này do thiếu sót hay nói đúng hơn, do ý định của Chính phủ, nên đâu đâu từ trên xuống dưới cũng đều có cái nạn tham nhũng mua quan bán chức(1). Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hẳn một chương (Chương VI: Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị(2)) để viết về nạn tham nhũng trong bộ máy cai trị, của những kẻ tự xưng là “quan phụ mẫu” của dân. Người vạch ra các thủ đoạn phung phí tiền của dân cho việc tham quan, triển lãm, tiếp khách, giải trí, mua sắm biệt thự, xe cộ, các thủ đoạn rút tiền từ việc nhận thầu các công trình xây dựng, làm đường, khai man để rút tiền công quỹ, chi tiêu sử dụng cho riêng mình. Người chỉ ra tham ô, lãng phí, quan liêu “là những xấu xa của xã hội cũ. Nó do lòng tự tư tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra(3), là những căn bệnh của quyền lực và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại tàn dư của chế độ cũ - chế độ người bóc lột người. Chính vì thế, với tư cách là người đứng đầu Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đặt vấn đề đấu tranh với thứ giặc rất nguy hiểm này.

Nghiên cứu các bài nói chuyện, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thấy tệ tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được Người diễn đạt dưới thuật ngữ chung nhất là tham ô. Bản chất của tham ô là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”, “tiêu ít mà khai nhiều” “là khai gian, lậu thuế”, “tham ô là trộm cướp(4), “tham ô là lấy của công làm của tư”, “là gian lận tham lam”, “là không tôn trọng của công”. Mà “của công” là “do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra(5) để phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. “Của công” là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân ta. Cho nên, mọi hành vi lấy trộm “của công”, chiếm của công làm của tư đều là tham ô, “là hành động xấu xa của con người”, “là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào”. Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng Người đã chỉ ra “những lầm lỗi rất nặng nề” của cán bộ cần phải ra sức sửa chữa đó là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Trong đó, Người đặc biệt cảnh báo và lên án hành vi “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...(6).

Từ việc làm rõ tham ô là gì và phân tích các biểu hiện cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa”, “bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở(7). Vì vậy, để tẩy sạch nạn tham ô thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân. Trong bài nói chuyện tại Đại hội III Đoàn thanh niên Việt Nam ngày 24/3/1961, Người lại nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội(8). Người khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con nguy hiểm; một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm khác. Trong số những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm nhất, là “hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội(9). Bởi, tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ lớn; nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật; hư hỏng cán bộ; triệt tiêu động lực cơ bản nhất của sự phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta… Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng ta là cần, kiệm, liêm, chính(10). Xét đến cùng nguyên nhân là “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”. Rằng: “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm(11) vì “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí(12). Do đó, muốn chống tham nhũng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì(13). Vì thế, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị(14). Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời Xtalin về cách thức phòng, chống lãng phí: “Đồng chí Xtalin dạy chúng ta: “Phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta. Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân. Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý - Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ(15).

Có thể thấy, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng vừa sâu sắc, toàn diện, vừa có tính khái quát, cụ thể, dễ hiểu và là kim chỉ nam trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng trước đây cũng như hiện nay./.

Chú thích và tài liệu tham khảo

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.19.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.75-80.

(3), (4), (5), (7), (10), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.361; 355-357; 296-297; 217,345; 357-358; 358; 365.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.65.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.90.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.141.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.547.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.611.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.127.