Trong kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày ở Tuyên Quang, sắc chàm hiện lên như một biểu tượng đậm nét, kết tinh từ bàn tay tài hoa và tâm hồn cần mẫn của người phụ nữ. Không chỉ là màu áo truyền thống, sắc chàm còn thấm sâu vào nghi lễ, phong tục và đời sống thường nhật, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Từ thổ cẩm đến lễ cưới hỏi, màu chàm lặng lẽ kể câu chuyện về một dân tộc hòa mình với thiên nhiên, gìn giữ di sản qua bao thế hệ.
Thiếu nữ Tày Tuyên Quang trong trang phục dân tộc nhuộm bằng màu chàm truyền thống. Ảnh: Internet
Người Tày ở Tuyên Quang định cư theo từng bản làng ở các thung lũng nhỏ, nơi gần các con suối, con khe và các mạch nước ngầm trên núi để tiện cho canh tác và sinh hoạt. Vì đặc trưng sống ở vùng cao, hoà hợp với thiên nhiên nên người Tày có ẩm thực đa dạng, nhiều bài thuốc thảo dược quý và đặc biệt là dựa vào thiên nhiên để tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt.
Sắc chàm là màu sắc đặc trưng của dân tộc thiểu số vùng cao trong đó có dân tộc Tày. Sắc chàm trong văn hoá người Tày được thể hiện rõ nét trong trang phục, chăn thổ cẩm và các nghi lễ tâm linh. Người Tày dùng vỏ cây chàm để nhuộm trang phục, nhuộm chăn, nhuộm màn, địu trẻ em… màu chàm có màu xanh gần như màu xanh than. Sự đặc biệt trong sắc chàm của văn hoá Tày là sự tỉ mỉ, cần cù, khéo léo của phụ nữ Tày trong việc tạo ra các sản phẩm thổ cẩm bền màu, thấm hút mồ hôi.
Màu chàm được phụ nữ Tày tạo ra bằng cách lấy vỏ chàm về đun cùng lá “bâư sỏm”, một loại lá thân mềm được đồng bào Tày trồng để tạo ra màu chàm. Khi nhuộm màu cho vải, các bà, các mẹ đun vỏ chàm cùng lá “bâư sỏm”, thêm ít gạo nếp nấu sền sệt như cháo rồi bỏ vải cần nhuộm vào ngâm 2 - 3 ngày. Trong quá trình nhuộm phải cho gạo nếp vì gạo nếp tạo sự kết dính và độ bám của màu sắc trên vải đồng thời tạo độ mềm cho vải.
Vải chàm là sản phẩm kết tinh tri thức dân gian của đồng bào Tày, là giá trị trao truyền và kết nối các thế hệ. Vải chàm sau khi phơi khô sẽ được dùng để thiết kế thành nhiều sản phẩm khác nhau. Nhưng có lẽ được dùng nhiều nhất trong may trang phục truyền thống của người Tày. Trang phục truyền thống của đồng bào Tày là trang phục giản dị, ít hoạ tiết và màu trầm nhất so với đồng bào Dao, đồng bào Pà Thẻn cùng sinh sống ở vùng cao Tuyên Quang.
Áo dài chàm của phụ nữ Tày có hai loại, áo lễ phục có tà dài như áo của dân tộc Kinh nhưng chiều dài thường trên mắt cá chân để thuận tiện khi di chuyển địa hình đồi núi, áo dài Tày có hai tà liền thân và cài một hàng khuy chéo từ cổ xuống đến vùng eo, các khuy bấm thường được làm bằng bạc hoặc bằng đồng, kết hợp với áo dài là chân váy đụp bằng chiều dài với tà áo và thêm phụ kiện là xà tích, vòng cổ, vải màu để thắt eo, vấn đầu và khăn mỏ quạ. Màu chàm là gam màu trầm nên các phụ kiện thường được chọn màu sáng, đó là màu sáng của chiếc kiềng bạc, của xà tích, màu hồng, màu xanh, màu đỏ của dây lưng. Hai gam màu đối lập tôn lên được sắc chàm dịu dàng, e ấp, duyên dáng của phụ nữ Tày. Còn trang phục thường ngày của phụ nữ Tày là áo chàm được may theo dáng áo ba ba của phụ nữ miền xuôi.
Trang phục của nam là những chiếc áo chàm cổ tròn, cài khuy đơn giản và không có phụ kiện. Trong những lễ hội truyền thống của người Tày như lễ hội Cầu mùa, lễ hội Lồng Tông hay trong các ngày Tết Nguyên đán, Rằm tháng Bảy, những chàng trai, cô gái Tày sẽ diện những lễ phục thật đẹp để đi hội, du xuân. Mùa xuân của người Tày phơi phới trên đôi má hồng, trong ánh mắt đôi lứa yêu nhau, trên cao ngút cột còn trao liệng như những chú chim ngũ sắc trên bầu trời. Trang phục Tày là sản phẩm đậm nét sắc chàm, thể hiện sự cần cù tinh tế của phụ nữ Tày. Sắc chàm theo phụ nữ Tày đi khắp các nẻo gần xa và đặc biệt là trong ngày vui về nhà chồng.
Người Tày ở Lâm Bình, Tuyên Quang truyền dạy nghề dệt thổ cảm cho lớp trẻ. Ảnh: Internet
Khi nhắc đến sắc chàm trong văn hoá người Tày là nhắc đến những phong tục cưới hỏi, tâm linh. Con gái người Tày đi lấy chồng phải đủ gánh mang theo, đó là những gánh chăn thổ cẩm, gối, màn để làm quà tạ ơn sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục của ông bà, cha mẹ và họ hàng bên chồng. Những món quà đó thể hiện sự chịu thương, chịu khó cũng như khẳng định sự tự nguyện trong tình yêu đôi lứa của nam nữ dân tộc Tày. Chính vì vậy từ khi còn là thiếu nữ, con gái Tày đã biết cán bông, dệt vải, lên rừng lấy vỏ chàm, củ nâu về để nhuộm chăn, màn, quần áo. Hình ảnh các bà, các mẹ, thiếu nữ Tày cần mẫn bên khung cửi dệt vải đã trở thành một hình ảnh nghệ thuật trong các tác phẩm văn học, âm nhạc và là biểu tượng đẹp trong văn hoá dân tộc Tày. Đó là kí ức của những người con gái Tày lớn lên trong không gian của thổ cẩm, của sắc chàm:
“Nhớ ngày nắng thơm nở đầy tay mẹ
Gỡ từng sợi vải vừa nhuộm từ vỏ chàm, củ nâu
Con dâu Tày ai cũng khéo dệt vải
Về nhà chồng phải đủ gánh mang theo
Con gái đảm đang ấm lòng cha mẹ.” (Thứ Trịnh)
Hay màu chàm là màu của nỗi nhớ, của tình yêu:
“Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” (Tố Hữu)
Trong bản hùng ca “Bắc Sơn” của cố nhạc sĩ Văn Cao bắt đầu với không gian bát ngát, hùng vĩ của vùng cao Việt Bắc mà điểm nhấn là màu áo chàm:
“Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió…”
Đó là màu áo chàm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc, là biểu tượng văn hoá đã thành gốc rễ như những cây táu, cây lim trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, của đồng bào Tày nói riêng.
Ngoài ra, trong các nghi lễ tâm linh của người Tày cũng không thể thiếu những mảnh thổ cẩm màu chàm để kết nối thế giới trần với thế giới tâm linh, điều đó thể hiện sự tri ân của thế hệ con cháu với những thế hệ trước đã tạo ra màu chàm, đồng thời khẳng định giá trị bền vững của sắc chàm trong văn hoá Tày.
Sắc chàm đã trở thành hồn cốt không thể tách rời trong đời sống văn hóa của dân tộc Tày ở Tuyên Quang. Từ những tấm thổ cẩm nhuộm màu từ vỏ cây chàm, đến trang phục truyền thống giản dị mà tinh tế, màu sắc ấy không chỉ phản ánh tài hoa, sự kiên nhẫn của người phụ nữ Tày mà còn là minh chứng cho sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Trải qua bao thế hệ, sắc chàm vẫn được gìn giữ như lời nhắc nhở về cội nguồn, đồng thời là cầu nối thiêng liêng trong các nghi lễ, phong tục và tình yêu đôi lứa. Trước xu thế hội nhập, việc bảo tồn sắc chàm không chỉ là nhiệm vụ của riêng đồng bào Tày mà còn là động lực để Tuyên Quang phát triển du lịch bền vững, kết hợp di sản với kinh tế. Những lớp trẻ được truyền dạy nghề dệt, nhuộm chàm hôm nay chính là hy vọng để màu sắc ấy tiếp tục lan tỏa, vượt qua không gian và thời gian. Sắc chàm – như dòng chảy âm thầm mà bền bỉ – mãi là biểu tượng của sức sống văn hóa, nơi quá khứ hòa quyện vào hiện tại, để truyền thống luôn đồng hành cùng tương lai.