Sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự Lễ giới thiệu tác phẩm ‘‘Còn có ai người khóc Tố Như” của nhà văn Võ Bá Cường do Hội Nhà văn Việt Nam và UBND tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức vào ngày 20/9 vừa qua đã truyền tải những thông điệp, giá trị văn hóa mang hàm ý rất quan trọng liên quan đến môi trường sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng Nhà văn Võ Bá Cường. Ảnh: TTXVN
Sự theo dõi, chăm lo và quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ văn nghệ sĩ
Trong buổi nói chuyện với các văn nghệ sĩ tiêu biểu tại phiên bế mạc Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chân thành và hết sức giản dị: “Bây giờ địa vị một người chính trị, tôi xin hứa rằng Trung uơng Đảng và Chính phủ sẽ cố gắng trong khả năng của mình, giúp đỡ văn nghệ tiến lên”[1].
Bảo Định Giang trong hồi ký “Bác Hồ với văn nghệ sĩ miền Nam” đã cho thấy tình cảm sâu nặng, ấm áp, trìu mến như tấm lòng người cha luôn bao dung trước đứa con ruột thịt của mình; đúng như lời thơ da diết của nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”. Khi đến xem triển lãm ký họa của các họa sĩ miền Nam gửi ra, Bác đã “xem rất kỹ từng bức ký họa của sáu họa sĩ miền Nam gửi ra. Bác hỏi tỉ mỉ từng người, cuộc sống và cách làm việc của họ. Các họa sĩ viết chú thích dưới tranh theo kiểu của họa, rất khó đọc nhưng bác vẫn chăm chú đọc từng lời”. Bác căn dặn thêm: “Các chú nhớ cho in ra nhiều bản, cho đồng bào ở ngoài này được xem, chứ triển lãm như thế này thì có mấy người được xem!”. Sự ấm áp đó chuyển tải thông điệp gắn kết giữa văn nghệ sĩ với nhân dân, giữa các sản phẩm văn hóa với yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Đảng và Nhà nước đã có đường lối văn nghệ đúng đắn khi khẳng định vai trò to lớn của văn hóa, văn nghệ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”[2]. Trách nhiệm trong hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ là hạt nhân tiêu biểu để thể hiện rõ vai trò quan trọng trên. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đề ra nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của văn nghệ sĩ: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”[3]. Để lực lượng văn nghệ sĩ thấm nhuần và vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm mang tính định hướng đó không chỉ gắn liền với những buổi tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm mà còn thể hiện thái độ trân trọng đối với những sản phẩm do họ sáng tạo nên. Sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Lễ giới thiệu tác phẩm văn học vừa rồi không chỉ thể hiện sự suy tôn đối với một sản phẩm văn nghệ cụ thể, mà còn cho thấy thái độ trân trọng, lắng nghe và chia sẻ với những sáng tạo văn nghệ đích thực và có ý nghĩa.
Tôn vinh trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với môi trường văn hóa dân tộc
Honoré de Balzac - nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực ngụ ý rất hay rằng: “Nhà văn chính là thư ký của thời đại”. Và để làm tròn nhiệm vụ “thư ký”, nhà văn Võ Bá Cường ở tuổi 83 vẫn gắng sức vượt qua bệnh tật, tuổi tác để tìm cách thâm nhập thực tế, gặp gỡ, lắng nghe và ghi chép trong suốt quá trình hình thành tác phẩm ‘‘Còn có ai người khóc Tố Như’’. Từ biết “hy sinh” mà nhà văn đã tìm được cho mình một việc làm đầy ý nghĩa. Quả thật, viết về Nguyễn Du - người được hậu thế xưng tụng “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt đến nghìn đời”, đặc biệt về Truyện Kiều, xưa nay đã có nhiều người viết, nhưng tái hiện lại cả chặng đường cơ cực nhưng lại lấp lánh chất liệu thi ca của Tố Như thì có lẽ chưa ai dám làm; lại càng chưa có ai hạ bút tái hiện cuộc đời Đại thi hào trong những năm tháng sống tại Thái Bình theo lối dã sử. Điều đó cho thấy, nếu có gì đó ta có thể lãng mạn hóa về sáng tạo nghệ thuật, đó chính là cuộc chiến cùng sự “dấn thân” cần thiết để đạt đến mục tiêu, và cả nguồn sức mạnh thôi thúc khiến mọi thứ trở nên hiện thực. Sự sẵn sàng đánh đổi thời gian, tuổi tác, sức khỏe, tiện nghi,.. chính là cốt lõi để tạo nên những sản phẩm có giá trị. Tác phẩm “Còn có ai người khóc Tố Như” của nhà văn Võ Bá Cường ra đời sẽ là lý do để chúng ta trả lời cho câu hỏi tại sao mục đích lại có ảnh hưởng lớn đến thế tới khả năng kiên trì, bám trụ và dấn thân. Tôi rất thích câu châm ngôn của đại thi hào Goethe: “Sự tôn trọng lớn nhất một tác giả có thể dành cho công chúng của mình không bao giờ là tạo ra một thứ được kỳ vọng, mà là mang đến một thứ bản thân anh ta coi là đúng đắn và hữu ích cho một giai đoạn phát triển nhận thức nào đó mà chính anh ta hoặc những người khác từng trải qua”. Điều này cũng đúng với bất kỳ kiểu người sáng tạo nào. Suy cho cùng, tự lặp lại bản thân hiếm khi là công thức chinh phục người hâm mộ mới. Do vậy, mỗi văn nghệ sĩ hãy chọn cách không bao giờ đi vào đường mòn thói quen hay những khuôn mẫu bó hẹp bản thân.
Bìa tiểu thuyết “Còn có ai người khóc Tố Như”, NXB Hội Nhà văn năm 2023 của nhà văn Võ Bá Cường. Ảnh: vanvn
Tấm gương đại thi hào Nguyễn Du soi rọi con đường sáng tạo giá trị văn hóa mới cho văn nghệ sĩ thời đại ngày nay
Nguyễn Du đã làm được một việc không mấy nghệ sĩ đạt tới: Ông sáng tạo nên các tác phẩm (trong đó cóTruyện Kiều) trường tồn với thời gian. Câu chữ của ông vẫn còn nguyên giá trị và cho đến hôm nay vẫn được công chúng trong và ngoài nước đón nhận. Tư tưởng trí tuệ của Nguyễn Du được ngưỡng mộ ở thời của ông đến nay vẫn được công chúng đón nhận như là lẽ sống. Những triết lý văn hóa thể hiện qua thơ như: "Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" đã phản ánh đời sống văn hóa của cả một thời đại. Tuổi đời của tác phẩm dài hơn nhiều so với tác giả và so với gần như tất cả các tác phẩm xuất bản cùng thời, tạo dựng cho Nguyễn Du một địa vị khả kính suốt nhiều thập niên sau khi ông qua đời. Thực sự tác phẩm đã khuấy động cả một làn sóng văn hóa, trường tồn qua nhiều chuyển biến của lịch sử, những thị hiếu nhất thời và cả những trào lưu mới mẻ, những đột phá công nghệ sâu rộng và nhiều điều khác nữa. Và ấn tượng nhất là khi nhìn vào bản chất vấn đề, ta thấy thành công này không hề tình cờ. Rõ ràng Nguyễn Du đã phải khổ công kiếm tìm mới đạt được.
Ngày nay, sau bao nhiêu năm tháng, triết lý văn hóa trong sáng tạo của ông vẫn thổi vào tâm thức công chúng và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ. Đó chính là giá trị bền vững mà tất cả những người sáng tác chân chính đều cố công đạt được. Tấm gương sáng tạo đó không chỉ là hình mẫu mà còn là phép thử cho tất cả những ai được gọi là “văn nghệ sĩ” trong quá trình sáng tạo của mình. Thực tế hiện nay đã và đang xuất hiện hiện tượng có một số được gọi là “văn nghệ sĩ” lạc lối chỉ vì đi đường tắt. Họ khăng khăng rằng muốn nhiều hơn là thành công chớp mắt, nhưng chẳng ngừng lại nổi một giây để cân nhắc xem làm thế nào để kéo dài tuổi thọ và vòng đời tác phẩm. Thay vào đó, họ coi tất cả những gì nóng sốt, thời thượng, hợp mốt và bán chạy là chuẩn mực. Kết quả là, họ phải sản xuất nhiều hơn, quảng bá dồn dập và bán những thứ tệ hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn, và cứ mỗi ngày lại càng thêm hối hả! Chẳng trách mà họ luôn nghĩ thành công trong sáng tạo là việc bất khả thi. Có lẽ văn nghệ sĩ ngày nay cần vượt qua lối tư duy thiển cận kể trên, mới mong có được tác phẩm “xứng tầm” như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
----------------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, tr 324-325
[2] ĐCSVN: Nghị quyết số 23-NQ/TW, 2008, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-23-nqtw-ngay-1662008-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-trong-thoi-ky-269.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.60-61.