Vào dịp 50 năm Việt Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, Việt Tân công bố “Văn kiện 50” - một tài liệu xuyên tạc trắng trợn sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta và thành tựu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước trong 50 năm qua
Vài nét về tổ chức và hoạt động của Việt Tân
“Việt Tân” có tên đầy đủ là “Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng” (tiếng Anh: “Vietnam Reform Revolutionary Party”, viết tắt “VRRP”) là một tổ chức chính trị được thành lập bởi một nhóm người quốc tịch Mỹ gốc Việt tại San Jose, California với mục đích đấu tranh lật đổ chế độ Cộng sản tại Việt Nam được thành lập năm 1982.
Trụ sở chính đặt tại 2530 Berryessa Rd #234 San Jose CA 95132 – 2903, Mỹ; “Văn phòng 2” đặt tại Băng Cốc, Thái Lan do Đỗ Hoàng Điềm (sinh 1963, quốc tịch Mỹ) làm “Chủ tịch” và Lý Thái Hùng (sinh 1953, quốc tịch Mỹ) làm “Tổng Bí thư”. Trong giai đoạn gần đây, Việt Tân công bố Lý Thái Hùng giữ chức “Chủ tịch”, còn Hoàng Tứ Duy là “Tổng Bí thư”.
Hiện nay, Việt Tân chủ yếu sử dụng mạng xã hội là kênh truyền thông chính để tổ chức các hoạt động tuyên truyền các quan điểm, luận điểm xuyên tạc, chống phá, tập trung vào 02 trang Facebook là “Việt Tân” và “Chân Trời Mới Media”. Hai trang Facebook này đều có lượng theo dõi lớn và đăng tải các tin, bài với tần suất rất dày đặc (khoảng 10 - 15 tin, bài/ngày).
Một trang Facebook quảng cáo cho "Văn kiện 50" của Việt Tân
“Văn kiện 50” xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam
Ngày 11/3/2025, Đảng Việt Tân công bố tài liệu “Việt Nam -Nửa thế kỷ tụt hậu & lối thoát cho tương lai” (gọi tắt là “Văn kiện 50”), tổ chức tuyên truyền, chia sẻ rộng rãi, công khai trên trang Facebook “Việt Tân” có gắn kèm đường link dẫn đến nội dung của tài liệu.
Văn kiện 50 dài 10 trang, tập trung đánh giá tình hình của Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025), với 3 nội dung chính:
1) Những bài học của quá khứ, Việt Tân chỉ trích mô hình chính trị độc tài, sự phụ thuộc vào nước ngoài, kêu gọi một sự thay đổi toàn diện về thể chế, chính sách của Việt Nam.
2) Việt Nam “tụt hậu” và “bỏ lỡ cơ hội phát triển”, Việt Nam đã “tụt hậu” vì bỏ lỡ các cơ hội vàng tại 03 thời điểm (năm 1975 khi đất nước thống nhất; năm 1989-1991, khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ từ và 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO) để đưa đất nước phát triển. Việt Tân lý giải nguyên nhân là do Đảng Cộng sản Việt Nam “mang tư duy độc tài” khi vẫn “cố chấp” theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lệ thuộc Trung Quốc nên bỏ lỡ cơ hội hợp tác với Hoa Kỳ...
3) Việt Nam “cần một lối thoát mới”, cổ súy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đề xuất các giải pháp và hướng đi để dân tộc Việt Nam tiến vào tương lai. Theo đó, Việt Nam cần phải có tự do, dân chủ, chấp nhận đa nguyên dân chủ, xã hội dân sự, trả tự do cho các “tù nhân lương tâm đang bị giam giữ vì đã lên tiếng tranh đấu cho các quyền tự do của con người và tranh đấu bảo vệ chủ quyền đất nước”…
Các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch của “Văn kiện 50”
“Việt Tân 50” đưa ra các thông tin sai lệch, đánh lận bản chất, phủ nhận chiến thắng 30/4 và những thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, đổi mới đất nước 50 năm qua.
Với cái mà Việt Tân gọi là “nửa thế kỷ tụt hậu” và “lối thoát cho tương lai”. Việt Tân muốn kích động sự nghi ngờ, hiếu kỳ, hoài nghi trong nhân dân, từ đó tạo ra bất ổn về tư tưởng, làm tiền đề để thực hiện các hoạt động chống phá sau này.
“Văn kiện 50” tiếp tục phủ nhận những thành quả to lớn mà đất nước Việt Nam đã đạt được trong nửa thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận khát vọng hòa bình và mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà toàn thể nhân dân Việt Nam đã tin tưởng, lựa chọn gần 100 năm qua, đặc biệt là trong 50 năm 1975-2025.
Hình ảnh 50 năm sau giải phóng của Sài Gòn bác bỏ quan điểm của Việt Tân về một Sài Gòn lạc hậu và tụt hậu
“Văn kiện 50” tiếp tục luận điệu công kích “mô hình độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam” và “sụ tụt hậu của đất nước”. Thực tế đã chứng minh, 50 năm qua, đất nước Việt Nam không hề “tụt hậu”. Bằng ý chí quật cường và khát vọng mãnh liệt, Việt Nam từ một nước nghèo chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được củng cố và nâng cao.
Không những vậy, Việt Nam luôn chủ động nắm bắt và tận dụng mọi thời cơ để thúc đẩy sự phát triển của đất nước; trải qua những khó khăn to lớn của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước những năm 1975-1986, từ năm 1986, nhận thức sâu sắc yêu cầu đổi mới, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tận dụng các cơ hội từ bối cảnh quốc tế thuận lợi và khai thác hiệu quả nội lực trong nước để phát triển kinh tế - xã hội.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chủ động, tích cực khi tham gia hàng loạt tổ chức và hiệp định kinh tế lớn như ASEAN, WTO, CPTPP, EVFTA… Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự nhạy bén khi đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào nhiều lĩnh vực. Đây là những bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, đồng thời khẳng định khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
“Việt Tân 50” cho rằng Việt Nam “phụ thuộc mất chủ quyền”. Trên thực tế, 50 năm qua, đặc biệt từ năm 1986, Việt Nam luôn khẳng định đường lối đối ngoại “độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[1]. Việt Nam không dựa dẫm, phụ thuộc bất kỳ một quốc gia nào, mà luôn đặt lợi ích quốc gia- dân tộc lên hàng đầu. Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ bao gồm cả chủ quyền biển đảo, các quan hệ với các nước lớn đều dựa trên nguyên tắc “bình đẳng, tôn trọng, và cùng có lợi”.
“Văn kiện 50” cho rằng Việt Nam đang tụt hậu xa với thế giới. Thự tế thì các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, của Việt Nam đều có sự phát triển vượt bậc trong 50 năm qua. Việc di cư lao động là xu hướng toàn cầu hoá, không phải biểu hiện của sự suy thoái mà là một phần của quá trình hội nhập quốc tế, mang lại thu nhập và kinh nghiệm cho người lao động. Bên cạnh đó Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát triển con người, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới giá trị chân- thiện- mỹ.
“Văn kiện 50” đề cập đến “lối thoát” để Việt Nam “tiến tới trong tương lai”, mở rộng tự do, dân chủ, chấp nhận đa nguyên dân chủ, xã hội dân sự, trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”. Hệ thống chính trị của Việt Nam hoạt động nhất quán vì mục đích xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay đều xuất phát từ khát vọng phát triển của dân tộc. Đảng chấp nhận những ý kiến phản biện nhưng phải với cái tâm trong sáng, tôn trọng Điều lệ, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và vì mục tiêu chung của Đảng và nhân dân đã lựa chọn.
Việt Tân cho rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta là cuộc “thanh trừng nội bộ”. Thực tế thì trong khoảng gần 1 năm trở lại đây, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là để hoạt động hiệu lực, hiệu quả cơ quan hành chính các cấp chứ không phải “thu gọn quyền lực”, “thanh trừng nọi bộ” như lời Việt Tân xuyên tạc. Việc kêu gọi thực hiện “tự do, dân chủ” và trả tự do cho các đối tượng trắng trợn vi phạm pháp luật Việt Nam mà Việt Tân gọi bằng cụm từ rất mỹ miều là “tù nhân lương tâm” là một điều không thể châp nhận được khi chính những “tù nhân lương tâm” ấy đã thú nhận họ bị lôi kéo, mua chuộc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngoài 1 số ít kẻ ngoan cố, phần lớn đều nhận rõ tội lỗi của mình, xin được Đảng, Nhà nước và nhân dân khoan hồng.
Rõ ràng là với những nội dung sai trái trong “Văn kiện 50”, ta có thể khẳng định tổ chức Việt Tân là một tổ chức phản động, mang bản chất chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Dưới vỏ bọc “canh tân đất nước” và những mỹ từ như “lối thoát”, “tương lai”, Việt Tân đã và đang xuyên tạc trắng trợn tình hình đất nước, bóp méo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động tư tưởng chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cổ súy các hành vi vi phạm pháp luật. “Văn kiện 50” thực chất là một sản phẩm phục vụ mục tiêu chính trị thù địch, tiếp tục những luận điệu tuyên truyền chống phá đã cũ kỹ, lạc lõng giữa dòng chảy phát triển đi lên mạnh mẽ của đất nước.
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153.