Từ những bản châu phê cẩn trọng đến đàn tế dựng nơi biên ải, triều Nguyễn – đặc biệt dưới thời vua Minh Mạng – đã thể hiện tấm lòng son sắt với các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Không chỉ ban thưởng, truy phong, mà còn dựng đền, lập miếu, tế lễ theo nghi lễ trang trọng. Qua sử liệu chính thống, ta thấy rõ một tinh thần yêu nước, trọng nghĩa khí và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được đặt nền móng từ triều đại phong kiến cuối cùng của nước Việt.

Cùng nhìn lại việc tưởng nhớ ghi công các anh hùng liệt sĩ trong lịch sử và tấm lòng ưu hậu của vua Minh Mạng đối với những chiến sĩ đã xả thân vì đất nước qua tư liệu Châu bản và chính sử của triều Nguyễn.

Vua Minh Mạng, cũng gọi là Minh Mệnh (1791 – 1841), tức Nguyễn Thánh Tổ, là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn. Ảnh Unviet Travel

Ngay đầu thời Nguyễn, Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long khi tưởng nhớ công ơn các trung thần theo phò vua giúp nước đã ban Dụ rằng: Đấng vương giả dựng nghiệp truyền mối, trước phải tôn thờ người có đức, báo đáp người có công. Nhà nước ta trăm trận vất vả mới khôi phục được non sông, đành là mệnh trời yêu mến, nhưng cũng thực là nhờ sức của các tướng sĩ cùng ta chống kẻ thù chung. Phàm người có chiến công, còn sống thì đã được vinh gia tước trật, duy những người vì nước bỏ mình, trong lúc can qua bận rộn, chưa kịp truy phong, mà sổ ghi công trạng vẫn còn, thì đều cho các quan chưởng lãnh và chánh phó trưởng chi [của các viên đã mất] tới trước điện hầu nghe bàn công truy tặng, để cho yên ủi hồn thơm đã khuất. Lại ra lệnh thu dùng con cái, không có con thì dùng cháu, không có cháu thì dùng em, tùy theo công lao nặng nhẹ, hoặc trao cho quan chức, hoặc cho miễn binh dao trọn đời. Sau đó sai trấn Phiên An chọn đất xây đền, đặt tên là đền Hiển Trung, thờ những công thần, lại sắc cho Bộ Lễ bàn định điển lễ thờ tự, hằng năm xuân thu làm lễ tế. Đặt phu coi đền 25 người.

Đời Minh Mạng, vua là người trọng nghĩa khí, chăm lo chính trị, coi trọng điển lễ. Minh Mạng năm thứ 2 (1821) trong lần đầu tiên thân hành ra Bắc tuần, khi xa giá đến hành cung Quảng Bình, vua lên thành xem luỹ cổ, lại đến cửa biển Nhật Lệ xem ngắm hồi lâu, cùng với thị thần bàn bạc việc Nam Bắc phân tranh thời quốc sơ. Vua ngậm ngùi rằng: Khi các thánh bắt đầu mở nghiệp, chỗ này là nơi chiến địa, là chỗ chôn vùi các tướng sĩ bỏ mình vì nước. Người Bắc chống nhau với ta, cũng không khỏi bị thương vong, nhưng họ cũng đều vì chúa [của họ] mà bỏ mình. Nhìn lại dấu tích xưa, lòng ta bỗng thật cảm thương. Vì vậy vua sai dinh thần đặt hai đàn tế Nam và Bắc, lại đặc chuẩn sai Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức khâm mệnh đến tế. Quy định lễ phẩm ở đàn Nam bày biện hậu hơn đàn Bắc để tỏ rõ sự hơn kém. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) lại nhân dịp vua ra Bắc tuần, Bộ Lễ dâng bản Tấu xin lập đàn tế các chiến sĩ trận vong ở đây nhưng lần này xin cho được hợp tế, vua Minh Mạng châu phê: Cho y theo lời bàn.

Bản phụng Thượng Dụ của Bộ Lễ v/v xin lập đàn tế các chiến sĩ trận vong nhân dịp xa giá đến Quảng Bình năm Minh Mạng thứ 7 (1826) Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn

Tại những nơi có trận chiến xảy ra khiến nhiều binh sĩ thương vong vua cũng cho phép lập đàn tế. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) vua ban Dụ rằng: Từ trước tới nay các nơi biên thùy chống giặc cướp, sĩ tốt tòng quân nhiều người bỏ mình vì gươm giáo đều là đáng thương. Vậy giao cho quan Kinh doãn chọn nơi mà đặt đàn tế. Vì vậy nhiều địa phương trên cả nước từ Bắc thành đến Gia Định, đặc biệt các nơi địa đầu xảy ra nhiều chuyện binh đao đều cho lập đàn tế những chiến sĩ trận vong. Những nơi có ngày tưởng niệm trận chiến thì hàng năm đều lấy ngày đó làm lễ tế tự, những nơi không có ngày cụ thể đều do quan địa phương trong năm chọn ngày tốt hoặc lấy ngày rằm tháng bảy để làm lễ.

Năm Minh Mạng 11 (1830) mùa thu tháng 7 vua cho lập một đàn chay lớn tại chùa Thiên Mụ ở Kinh đô để tưởng nhớ các tướng sĩ trận vong trong lịch sử và tất cả các vong hồn vô tự. Đàn lễ cầu siêu được lập cả trên cạn và dưới sông trước chùa Thiên Mụ, vua thân đến dự lễ, lại bảo các quan theo hầu rằng: Trẫm lập đàn chay chẳng biết các u hồn nơi âm phủ có thấm được ơn đức không, Trẫm cũng chỉ là muốn tỏ lòng thương nhớ bề tôi mà thôi. Việc tế lễ xong đều cho mời các sư vào kinh ban thưởng tiệc chay và bạc lạng.

Năm Minh Mạng 14 (1833) sau sự kiện Lê Văn Khôi phản nghịch khiến nhiều binh sĩ triều đình được cử đi đánh dẹp bị tử trận, vua vô cùng xót thương, truyền Dụ rằng: Giặc Khôi làm loạn, biền binh các tỉnh ra trận nhiều người bỏ mình, Trẫm đã ban tuất ưu hậu, thưởng cấp bạc tiền, cho ghi dùng con cái rồi, nhưng nghĩ xét bọn ấy đều là bậc trung nghĩa lẫm liệt nên cho tế lễ để yên ủi vong linh. Vậy sức cho quan tỉnh sở tại đặt một đàn tế, sắm đủ lễ phẩm; lại chọn đất dựng miếu hàng năm do quan địa phương đặt lệ kính tế một lần để an ủi hồn thơm. Vua cũng truyền cho các viên Tướng quân, Tham tán tìm cách lượm được đầy đủ hài cốt, không bỏ sót, đem đoạn hoa, vải lụa, quan ván khâm liệm chôn cất ở chỗ đất sạch, lại cử người lập đàn tế một tuần ở trước linh vị. Đợi đến năm sau do quan địa phương phái thuyền đưa về nguyên quán an táng.

Có thể thấy tấm lòng của các bậc quân vương nói chung và vua Minh Mạng nói riêng đối với các bề tôi trung nghĩa. Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của người dân Việt Nam luôn tưởng nhớ ghi công các anh hùng liệt sĩ những con người đã hết lòng vì nước vì dân.