Hiện nay, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý thoái hoá, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hoá, vi phạm pháp luật… làm tổn hại đến lợi ích nhân dân và suy giảm uy tín của Đảng, Nhà nước. Hàng loạt vụ việc tiêu cực bị phanh phui gây chấn động dư luận xã hội có liên quan đến cán bộ trên hầu khắp các lĩnh vực, từ trung ương đến cơ sở đã chứng minh điều đó. Song nhìn lại “lộ trình công tác cán bộ” của những cán bộ ấy, tuyệt đại bộ phận đã qua luân chuyển, và trước, trong và sau luẩn chuyển đều được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những trái ngược ấy đã chỉ ra sự không đúng, không hợp lý trong đánh giá cán bộ. Nguyên nhân có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan, song như Đảng thường chỉ rõ: Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa được khắc phục.

Ai cũng biết, muốn đánh giá, dù vật dụng hay công việc người ta đều phải có công cụ, mực thước. Đánh giá con người, phẩm chất hay tư tưởng, năng lực hay tình cảm cũng phải dựa vào những cái làm mực thước, làm tiêu chuẩn. Trong công tác cán bộ của Đảng, việc đánh giá cán bộ luôn dựa vào tiêu chuẩn chức danh. Tiêu chuẩn là “điều được quy định dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá”, được cụ thể hoá thành những tiêu chí – thành “dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, xem xét, hoặc phân loại một vật, sự vật”. Điều này cho thấy, trong khi đã có tiêu chuẩn vẫn rất cần tiêu chí, mặc dù tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá cán bộ trong thực tiễn vận hành có nhiều điểm chung. Hơn nữa, do đội ngũ cán bộ của Đảng có nhiều loại và được phân thành nhiều cấp, nên tiêu chí đánh giá cán bộ cần có những tiêu chí chung, đồng thời phải có các tiêu chí đặc thù để đánh giá phân loại theo phân cấp cán bộ cho phù hợp.

Với công tác đánh giá phục vụ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, việc xây dựng đồng bộ 3 nhóm tiêu chí, gồm đầu vào (trước luân chuyển), đương nhiệm (đang luân chuyển), đầu ra (sau luân chuyển) gắn với từng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể cho từng loại cán bộ quả thật không đơn giản. Việc này chỉ có thể thực hiện khi cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý cán bộ luân chuyển trực tiếp xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ luân chuyển cho đội ngũ cán bộ của mình.

Bám sát Quy định 89, Quy định 90 và Quy định 65, các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền có thể tổ chức xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ trước, trong và sau luân chuyển như sau:

Một là, rà soát, phân loại cán bộ theo 7 chức danh được xác định trong Quy định số 89-QĐ/TW. Bao gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan tham mưu của Đảng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan dân cử cán bộ lãnh đạo; cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý tòa án nhân dân và cán bộ lãnh đạo, quản lý viện kiểm sát nhân dân.

Hai là, xác định tiêu chí đánh giá cán bộ theo chức danh trước luân chuyển. Cùng với các tiêu chí đánh giá chung về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã được quy định trong các văn bản nói trên, cần xác định các tiêu chí đánh giá đặc thù cho 7 chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp theo chức trách, nhiệm vụ của mỗi chức danh. Theo đó:

Tiêu chí đánh giá đặc thù đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan tham mưu của Đảng gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, ban hành, sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp của cấp ủy về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và nhiệm vụ chính trị được giao;  Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra; Thẩm định, thẩm tra các nghị quyết, chính sách, giải pháp của cấp ủy về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và các nhiệm vụ chính trị được giao.

Tiêu chí đánh giá đặc thù đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tổ chức và theo dõi việc thi hành, thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công. Tham mưu, hoạch định, cụ thể hóa, chỉ đạo thực hiện, hướng dẫn kiểm tra các chủ trương, chính sách, kế hoạch phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, cải cách hành chính theo ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương. Thực hiện cải cách hành chính, chế độ công chức, công vụ; chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền.

Tiêu chí đánh giá đặc thù đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan dân cử gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, thẩm định, thẩm tra, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng. Thực hiện chức năng giám sát hoặc chức năng khác được giao theo luật định. Phối hợp tổ chức tiếp xúc, giải quyết các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri.

Tiêu chí đánh giá đặc thù đối với cán bộ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ nắm tình hình nhân dân và các tổ chức trong khối mặt trận; tổ chức nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các nhiệm vụ khác. Tổ chức thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội; giữ mối liên hệ và gắn bó với nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng; tham gia xây dựng Đảng và chính quyền; tổ chức tập hợp xây dựng liên minh chính trị và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tổ chức thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, đoàn viên, hội viên và tầng lớp nhân dân.

Tiêu chí đánh giá đặc thù đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy lực lượng vũ trang gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp hoặc phục vụ tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tiêu chí đánh giá đặc thù đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tòa án nhân dân gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ tổ chức công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc và thi hành án theo quy định của pháp luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để xảy ra án oan, sai, bị hủy. Tổng kết công tác xét xử; tham mưu xây dựng các văn bản luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Thực hiện cải cách tư pháp; quản lý, xây dựng ngành; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân theo thẩm quyền.

Tiêu chí đánh giá đặc thù đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý viện kiểm sát nhân dân gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng; không để xảy ra truy tố oan, sai. Thực hiện công tác điều tra; tham mưu xây dựng pháp luật; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Thực hiện cải cách tư pháp; quản lý xây dựng ngành; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

Ba là, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ đang luân chuyển theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Khi cán bộ được phân công, bổ nhiệm về nơi luân chuyển, tùy theo vị trí chức danh công tác, cấp ủy, tổ chức đảng quản lý cán bộ tiến hành xác lập lại chức trách, nhiệm vụ cán bộ luân chuyển tại nơi công tác mới để xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ đang luân chuyển. Đây là cơ sở để cán bộ phấn đấu, học tập, rèn luyện đáp ứng yêu cầu tiêu chí, đồng thời là tiêu chí để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ luận chuyển hàng năm hoặc khi cần thực hiện công tác cán bộ.

Bốn là, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ sau luân chuyển gắn với chức danh quy hoạch. Nếu chức trách, nhiệm vụ của cán bộ lúc đang luân chuyển trùng với vị trí chức danh quy hoạch, thì tiêu chí đánh giá cán bộ sau luân chuyển sẽ bao gồm các nội dung như tiêu chí đánh giá trong quy hoạch, song cần đòi hỏi “độ” chất lượng cao hơn. Nếu không trùng chức danh quy hoạch, thì tính chất của các tiêu chí đánh giá cần hướng mạnh vào bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm xử lý tình huống thực tiễn, xu hướng, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ nếu được bổ nhiệm.

Bạch Yến