Trong bối cảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập hiện nay, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và sự bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với kinh tế tư nhân, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức đầy đủ và coi trọng văn hóa doanh nghiệp. Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu khách quan đối với các thành phần kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững.
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, cùng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: cafeland.vn
Vì sao văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho kinh tế tư nhân phát triển?
Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống giá trị, chuẩn mực, niềm tin, thái độ và cách thức ứng xử được hình thành, duy trì trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tư nhân, nó không chỉ định hướng hành vi nội bộ, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh, danh tiếng và niềm tin đối với khách hàng, đối tác. Đối với kinh tế tư nhân, văn hóa doanh nghiệp có thể mang tính cá nhân hóa cao, phụ thuộc lớn vào người sáng lập và ban lãnh đạo. Chính vì thế, nếu không được định hướng và quy chuẩn ngay từ đầu, văn hóa doanh nghiệp rất dễ bị lệch hướng, thậm chí tiềm ẩn rủi ro vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp góp phần định vị bản sắc riêng và giá trị cốt lõi của mỗi doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân được thành lập mỗi năm. Một nền văn hóa rõ ràng, minh bạch và tích cực chính là yếu tố làm nên thương hiệu, giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh đặc trưng, chiếm được niềm tin từ khách hàng, đối tác và cộng đồng xã hội.
Không chỉ vậy, văn hóa còn đóng vai trò kết nối con người trong tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp định hướng hành vi, thói quen, tinh thần hợp tác giữa các thành viên trong tổ chức. Khi có chung một hệ giá trị và mục tiêu, đội ngũ nhân sự sẽ làm việc hiệu quả hơn, giảm xung đột và gia tăng tinh thần trách nhiệm. Đây chính là yếu tố giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển lâu dài.
Ở góc độ năng lực cạnh tranh, văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thích ứng thị trường, khuyến khích sự sáng tạo, học hỏi, tôn trọng khác biệt và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Với nền tảng văn hóa tốt, doanh nghiệp tư nhân sẽ linh hoạt hơn trong ứng phó với biến động kinh tế và xu hướng toàn cầu hóa.
Song song với việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, một nền văn hóa lành mạnh còn góp phần củng cố đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm xã hội. Văn hóa doanh nghiệp là hàng rào đạo đức giúp kiểm soát hành vi, ngăn ngừa những lệch lạc trong quá trình kinh doanh như gian lận, vi phạm pháp luật hay phá hoại môi trường. Một doanh nghiệp có văn hóa lành mạnh sẽ chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bền vững.
Và quan trọng hơn cả, khi văn hóa doanh nghiệp được định hình và lan tỏa rộng rãi, hình ảnh khu vực kinh tế tư nhân cũng được nâng tầm. Điều này góp phần thúc đẩy quá trình thể chế hóa, bình đẳng hóa giữa các thành phần kinh tế, từ đó giúp kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Khi văn hóa vẫn còn là “góc khuất” trong nhiều doanh nghiệp tư nhân
Đảng ta nhấn mạnh: “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội[1]”. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã dần nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và coi đây là một phần chiến lược phát triển bền vững.
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới[2].
Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp hơn 50% việc làm phi nông nghiệp, giúp ổn định thị trường lao động. Kinh tế tư nhân (KTTN) là khu vực năng động nhất trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên hơn 3.800 startup vào năm 2023. Năng suất lao động trong khu vực KTTN có sự cải thiện mạnh mẽ, tăng trung bình 4-6%/năm trong giai đoạn 2016-2023, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng năng suất lao động chung của cả nước (4,9% năm 2023). Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như Vingroup, Masan, Thaco, FPT… đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và toàn cầu. Xuất khẩu của khu vực KTTN trong nước chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 110-120 tỷ USD/năm)…[3]
Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể, phần lớn doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hoạt động theo kiểu “thuận mua vừa bán”, chú trọng ngắn hạn, coi trọng lợi nhuận hơn là phát triển bền vững, dẫn đến những biểu hiện lệch chuẩn như gian lận thương mại, trốn thuế, sử dụng lao động không hợp đồng, thiếu minh bạch trong tài chính, vi phạm các quy định về môi trường và an toàn lao động. Thậm chí nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận, vì lơi ích trước mắt mà bất chấp sức khỏe và tính mạng con người, nhất là gần đây, những vụ việc liên quan đến hàng giả, thực phẩm bẩn, chất độc, hàng kém chất lượng... gây ra những lo lắng bức xúc ghê gớm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Văn hóa doanh nghiệp ở một số bộ phận, thành phần bị suy thoái và xuống cấp trầm trọng…
Làm gì để văn hóa trở thành “tài sản vô hình” của doanh nghiệp?
Để văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành nền tảng vững chắc, góp phần đưa kinh tế tư nhân phát triển đột phá và đóng góp ngày càng tích cực hơn cho nền kinh tế quốc dân, đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực, xuất phát từ chính nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân.
Trước hết, cần xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, trung thực, thanh liêm, trách nhiệm xã hội, gắn với bản sắc dân tộc, tiếp cận tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới, mang trong mình khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, bảo vệ môi trường, tuân thủ nghiêm túc pháp luật, nghĩa vụ thuế, chính sách với người lao động. Đây là biểu hiện cụ thể của một văn hóa kinh doanh có trách nhiệm, từ đó nâng cao uy tín thương hiệu và niềm tin xã hội.
Bên cạnh yếu tố con người, doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng giá trị văn hóa rõ ràng: xây dựng và công bố tầm nhìn, sứ mệnh và hệ giá trị cốt lõi – đây là kim chỉ nam định hướng toàn bộ hành vi, phong cách làm việc và văn hóa ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp. Xem đây là yêu cầu bắt buộc, trên cơ sở hệ thống hóa những chuẩn mực đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, giao tiếp. Doanh nghiệp cần xây dựng và thực thi quy chế văn hóa doanh nghiệp bằng văn bản, quy định rõ ràng các chuẩn mực về đạo đức, giao tiếp, phong cách làm việc, tác phong, thái độ phục vụ khách hàng…
Để các giá trị văn hóa không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, vai trò của người lãnh đạo là cực kỳ quan trọng. Lãnh đạo doanh nghiệp cần nêu gương trong hành vi ứng xử, tinh thần làm việc, tính minh bạch và trách nhiệm xã hội. Lãnh đạo không chỉ là người xây dựng mà còn là người truyền cảm hứng và bảo vệ văn hóa doanh nghiệp trước các thay đổi từ môi trường bên ngoài. Xây dựng tác phong, phong cách người lãnh đạo chuyên nghiệp, thích ứng nhanh với thời cuộc, biết kế thừa, tiếp thu học hỏi những giá trị văn hóa tiến bộ phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam, nâng tầm văn hóa doanh nghiệp lên một tầm cao mới đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Song song với đó, việc thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa doanh nghiệp cũng là một kênh quan trọng giúp duy trì và lan tỏa các giá trị đã xác lập. Doanh nghiệp cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp cho tất cả nhân viên, từ nhân sự mới đến các cấp quản lý. Nội dung đào tạo phải giúp nhân viên hiểu rõ các giá trị doanh nghiệp, cách thức hành xử phù hợp và vai trò của từng người trong việc bảo vệ văn hóa nội bộ…
Cuối cùng, trong kỷ nguyên số, không thể thiếu sự hỗ trợ của công nghệ. Ứng dụng công nghệ trong quản trị văn hóa cũng là một giải pháp thiết thực, giúp doanh nghiệp quản lý thông tin nội bộ hiệu quả, tăng tính kết nối giữa các thành viên và kịp thời điều chỉnh hành vi tổ chức. Những giải pháp đồng bộ, lâu dài này sẽ góp phần hình thành nên một nền văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, hướng đến phát triển bền vững trong kinh tế tư nhân Việt Nam.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay không chỉ là một yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp, mà còn là nhiệm vụ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội. Mỗi bên đều có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và duy trì một môi trường văn hóa lành mạnh tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển lâu dài trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Tài liệu tham khảo
- Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
- PGS, TS. Nguyễn Thị Thu Phương, bài viết: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tiêu chí đạo đức kinh doanh quy tắc ứng xử cho các doanh nghiệp hiện nay”, đăng ngày 21/2-2019. Tạp chí Lý luận chính trị, ISSN 2734-9071.
- Huỳnh Thế Du, bài viết: “Vị trí và vai trò của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam”, đăng ngày 27/02/2025, Báo điện tử Kinh tế Sài gòn.
- Cổng TTĐT Chính phủ, bài viết: "Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
[1] Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
[2] Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
[3] Huỳnh Thế Du, bài viết: “ Vị trí và vai trò của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam”, đăng ngày 27/02/2025, Báo điện tử Kinh tế Sài gòn.