“Bình dân học vụ số” được lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” do Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngay sau khi đất nước giành độc lập nhằm giải quyết nạn “giặc dốt”. “Bình dân học vụ số” chính là bước đột phá trong phổ cập tri thức số, thúc đẩy chuyển đối số quốc gia ở Việt Nam hiện nay.

Mục tiêu của phong trào “Bình dân học vụ số”

80 năm trước, phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là một biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí, tinh thần đoàn kết giúp người dân thoát khỏi mù chữ, tiếp cận tri thức.

Phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ “về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW”*.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh: “Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng”.

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa được trang bị đầy đủ tri thức và kỹ năng về công nghệ số. Vì vậy, “xóa mù” về chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách để Việt Nam không bị tụt hậu và có thể vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Ngày nay, trong kỷ nguyên số và hướng tới xã hội thông minh, tinh thần ấy đang được kế thừa và phát triển với phong trào “Bình dân học vụ số”. Mục đích của phong trào là phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến mọi tầng lớp nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhận định: Đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào “Bình dân học vụ số” còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển.

Vì vậy, trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên số, “Bình dân học vụ” đã khoác lên mình tấm áo mới - “Bình dân học vụ số”. Có thể nói, phong trào “Bình dân học vụ số” là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Việc phổ cập tri thức số cho toàn dân chính là nền móng để xây dựng một xã hội tri thức, hình thành thế hệ công dân số chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt với thời đại.

Ngày 26/3/2025, phát biểu tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Bình dân học vụ số” là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”.

Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phong trào “Bình dân học vụ số” là cách thức quan trọng để phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân. Thông qua nền tảng “Bình dân học vụ số”, sẽ tuyên truyền, hỗ trợ, phổ cập tới người dân các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin; tổ chức các khóa học trực tuyến về kỹ năng số thiết yếu; hướng dẫn, phổ cập cho người dân sử dụng máy tính, các thiết bị thông minh, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; hướng dẫn người dân truy cập internet, các nền tảng và các kỹ năng số thiết yếu một cách văn minh, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, tránh lừa đảo số và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số…

Để “Phong trào bình dân học vụ số” thực sự là đòn bẩy

Trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai với 3 nền tảng và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân.

Chỉ đạo tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phong trào “Bình dân học vụ số” phải trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau.... Do đó, để phong trào “Bình dân học vụ số” đi vào thực chất và là đòn bẩy cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, trước hết mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, tinh thần là “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người” và với phương châm “triển khai nhanh chóng - kết nối rộng khắp - ứng dụng thông minh”. Trong kỷ nguyên số và hướng tới một xã hội thông minh, mỗi người cần chủ động học hỏi và thích nghi để không bị bỏ lại phía sau..

Cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương và cơ quan; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn kết với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của chuyển đổi số. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần tích cực hưởng ứng phong trào. Doanh nghiệp công nghệ giữ vai trò tiên phong, phổ cập kỹ năng số thông qua các nền tảng, dịch vụ và giải pháp phù hợp; đồng hành cùng chính quyền và nhân dân trong công cuộc chuyển đổi số.

Đẩy nhanh triển khai Đề án nâng cao kỹ năng số, tích hợp kiến thức số và trí tuệ nhân tạo vào giáo dục phổ thông; đầu tư hạ tầng số, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ thiết bị số cho người khó khăn; phát huy tổ công nghệ số cộng đồng, cùng các mô hình gia đình số, nông thôn số để lan tỏa kỹ năng số rộng khắp. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được cập nhật, nâng cao kỹ năng số, dùng nền tảng số hiệu quả; học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức số phục vụ học tập và bảo vệ bản thân; người lao động biết dùng thiết bị thông minh để tăng năng suất; người dân dùng biết cách dịch vụ số thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến an toàn.

Cần gắn kết chặt chẽ, hữu cơ phong trào “Bình dân học vụ số” với các phong trào đang triển khai thực hiện, nhất là phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”; phát huy vai trò nền tảng khóa học trực tuyến mở đại chúng đáp ứng số lượng lớn người dân tham gia học tập, cập nhật về chuyển đổi số, kỹ năng số. Các bộ, ngành địa phương chủ động cung cấp học liệu lên các nền tảng để không ngừng bổ sung cơ sở dữ liệu lớn (big data).

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Phong trào “Bình dân học vụ số” chính là hành trình khai mở dân trí bằng ánh sáng của thời đại - ánh sáng của dữ liệu, của mạng kết nối, của công nghệ thông minh. Đó là hành trình không của riêng ai mà là của tất cả - mỗi người dân đều là chủ thể, người học, người dạy, là người chia sẻ, người kiến tạo tri thức số.

 

* Nền tảng “Bình dân học vụ số” có địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn được xây dựng nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực số, khả năng sử dụng các thiết bị và ứng dụng số cho người dân