(TVVN). Những năm gần đây, mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ, gồm cả 02 mặt: tích cực lẫn tiêu cực. Ích lợi thì ai cũng biết; đó là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại, làm bồi bổ thêm “khoảng trống” kiến thức nhất định cho mọi người. Thế nhưng, do tính chất là “mặt phẳng” nên không gian mạng cũng đem lại nhiều hệ lụy nhất định cho xã hội. Do đó, rất cần “chất thép” trên môi trường mạng để định hướng dư luận hoặc chí ít cũng không cho nó có thêm “dưỡng chất” để lan truyền, phát tán rộng rãi.

Vô tri hay thói quen

Những vụ đánh nhau trong học đường do các nữ sinh gây ra được phát tán trên mạng xã hội thời gian gần đây thì đa phần đều do “va chạm” trên facebook(fb). Nhiều bạn trẻ cứ “vô tư” thể hiện “cái tôi” yêu-thương hay ghét-hận một vụ việc nào đó hoặc một cá nhân nào đó. Thế là trong môi trường mà tốc độ thông tin truyền đi nhanh hơn so với ánh sáng đã đưa thông điệp đi hết hang cùng, ngõ ngách và tạo nên những hiệu ứng nhất định trong đám đông. Và như sóng cuộn, lớp sau đè lên lớp trước, cứ thế thông điệp được truyền cho nhau và có không ít người hứng thú thích comment thêm cho thông tin có sức sống động hơn.

Một đặc điểm khá đặc biệt của nhiều bạn trẻ hiện nay là cứ nghĩ rằng một cái comment thì cũng chỉ như “muối bỏ biển” chẳng gây hề hấn gì cho ai, nhưng lại quên mất rằng rất nhiều hạt muối bé tí xíu đó sẽ tạo nên một “vựa muối” và có thể “giết chết” một người là điều bình thường.

Hằng ngày, nhiều người vẫn có thói quen chia sẻ những thông tin cho nhau, trong số đó liệu có mấy ai đủ tường minh về nguồn gốc, bản chất của thông tin cũng như nhận thức hậu quả mình làm? Chúng ta đang sống trong bối cảnh mà công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Nên những chia sẻ, bình luận một vấn đề xã hội gì đó, dù là chưa kịp kiểm chứng, đúng hay sai, nhiều người đã vội vã bấm nút like hoặc chia sẻ ngay sau đó. Chúng ta có biết đâu, những khi ta vô tâm trên bàn phím, nó cũng có thể ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Cũng vì quá cuồng tin cộng với tính a dua, hòi theo đám đông, khá nhiều người đã “vô tri” bày tỏ “cái tôi” quá lớn thậm chí là quá khích của mình. Để rồi trong “làn sóng” mê muội của đám đông ấy là cơ hội để các thế lực thù địch “mượn gió đẩy thuyền”.

 Đừng biến mình trở thành một con người vô cảm, thiếu hiểu biết khi đưa tay bấm nút, hoặc chia sẻ những điều chưa kịp kiểm chứng. Hãy độc lập trong suy nghĩ, phán đoán, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác rồi hãy bình luận.

Cần “chất thép” trên mạng xã hội

Đối với một số người, sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi”, nhưng trong cuộc chơi này, không phải là hoàn toàn vô bổ, cũng như không phải hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn.

Cũng chính vì sự chống phá của các phần tử cơ hội thù địch rất tinh ranh, khó lường nên không ít cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân sợ “dính bẫy” nên tỏ thái độ không đồng tình cũng không phản đối(im lặng). Nhưng ở một góc độ nào đó, sự im lặng là thỏa

Nhưng khi phản đối lại những thông tin được xác minh là vô căn cứ, có ý đồ phá hoại Đảng và Nhà nước thì lại có không ít cán bộ, đảng viên chưa đủ trình độ về lý luận lẫn thực tiễn để phản bác lại một cách thuyết phục. Lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên vì quá bức xúc trước những lời nói vu khống, đặt điều trên mạng xã hội mà phản đối lại nhưng lập luận chưa sắc bén, vô tình làm cho nội dung thông tin này lan rộng hơn.

Vậy, trước những vấn đề trên thì cán bộ, đảng viên phải xử lý như thế nào? Theo thiển ý của tôi, trước hết là không chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác; tìm hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin này. Tiếp đến là thông tin đó có lợi cho ai và hậu quả khi chia sẻ.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn giữ mình, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, không để các thế lực thù địch và kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động.

Bên cạnh đó, khi tiếp xúc với thông tin “có vấn đề” thì không nên lẳng lặng cho qua mà phải có “chất thép” trong phản bác. Nghĩa là lý luận sắc, thực tiễn sinh động và có tính thuyết phục cao để không những định hướng dư luận mà còn góp phần đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, ngăn ngừa hành vi mang tính a dua của người khác.

Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; thường xuyên trao dồi, nghiên cứu nâng cao lý luận chính trị và thực tiễn cuộc sống; là tuyên truyền viên tích cực của gia đình, cơ quan công tác, địa phương cư trú để mọi người thân và người dân cùng cảnh giác cao độ trước các âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù.

Ngoài ra, các ban ngành, Mặt trận-đoàn thể và các đoàn viên, hội viên…nhân rộng các trang nhóm( zalo, fb…) để đăng tải, lan tỏa những tin, bài, ảnh có nội dung tích cực, gương người tốt-việc tốt trong học tập, công tác, lao động sản xuất, trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày... “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”; nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội; tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng và quản lý đối với các trang mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam…

Không ngừng củng cố, nâng cao sức mạnh lòng dân. Đây chính là thành trì quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và ngăn ngừa sự huyễn hoặc trong nhân dân nói riêng trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù./.