(TVVN). Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là chủ trương lớn của Đảng, được Văn kiện Đại hội XIII Đảng khẳng định và được cụ thể hóa tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII. Có thể nói, phát triển nông nghiệp sinh thái là điểm nhấn quan trọng, thể hiện tư duy mới của Đảng, xuất phát từ thực tiễn và cũng đặt ra yêu cầu cao hơn với công tác quản lý nông nghiệp hiện nay.

Nông nghiệp sinh thái – phương thức phát triển mới của nông nghiệp

Nông nghiệp sinh thái là phương thức cao nhất trong các dạng nông nghiệp bền vững, với việc sử dụng những phương pháp cho phép tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái. Đó là nền nông nghiệp phát triển dựa trên việc tận dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn); có sự tích hợp giữa giá trị kinh tế (tăng trưởng, lợi nhuận) và giá trị xã hội (trách nhiệm, minh bạch).

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể hóa yêu cầu trên, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (tháng 5/2022) đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, coi đây là một cách thức quan trọng để phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá; phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam

Có thể nói chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chuyển từ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân cho đến xuất khẩu đạt tỷ trọng cao. Diện mạo của nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện hết sức rõ rệt. Trong bối cảnh đó, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, để phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam hiện nay, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản như sau:

Một là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn hiện đại. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần phải thoát ra khỏi tư duy trong phạm vi địa giới hành chính huyện, tỉnh, thành phố; tập trung xây dựng chiến lược quốc gia, vùng, miền về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; đổi mới tư duy từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp với vai trò “bà đỡ” của doanh nghiệp nông nghiệp với công nghệ mới, hiện đại; có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích tập trung đất đai, đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản gắn với thị trường. Đây là những vấn đề mấu chốt giống như “trục xương sống” trong chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái ở nước ta.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững. Để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái phát triển, cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên quy mô lớn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, phân tán trước đó. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp có mức độ cơ giới hóa cao, thực hiện chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản xuất, bao gồm cả việc sử dụng máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lai tạo giống, nghiên cứu các giống mới, hướng đến tăng thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp và sản xuất đầu ra chủ yếu phục vụ mục đích thương mại, sản xuất hàng hóa bán ra thị trường hay xuất khẩu.

Ba là, chú trọng việc nâng cao trình độ, tay nghề, trách nhiệm xã hội cho lao động nông nghiệp theo hướng xây dựng đội ngũ nông dân văn minh. “Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ”. Do đó, để phát triển nông nghiệp sinh thái tất yếu phải xây dựng đội ngũ nội dân văn minh. Người nông dân phải được trang bị bằng kiến thức của nhà kinh doanh, được đào tạo nghề theo hướng trí thức hóa nông dân, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực có lợi thế và giá trị gia tăng cao dựa trên công nghệ mới, hiện đại về chế biến nông sản và mở rộng các ngành, nghề phi nông nghiệp ở nông thôn để đồng bào nông dân định canh, định cư bền vững tại miền quê đang sống của mình.

Bốn là, thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà nông với nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản. Để phát triển nông nghiệp sinh thái tất yếu phải có sự gắn kết giữa nhà nông với nhà quản lý và nhà khoa học. Theo đó, các nhà quản lý phải phát huy vai trò của mình trong việc đáp ứng sự mong đợi của nông dân, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ chính sách và tài chính, bổ sung những gì còn thiếu để nông dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp và tham gia thị trường. Ngoài ra, cần có hình thức tổ chức, tập hợp các nhà khoa học nông nghiệp và tiếp tục tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” để họ tiếp tục hỗ trợ nông dân các trang thiết bị thông tin, kết nối, liên kết, hợp tác theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường để làm tốt các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản.

Phát triển nông nghiệp sinh thái là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Nó không chỉ xuất phát từ yêu cầu của việc hiện đại hóa nền nông nghiệp hướng đến mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập. Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với nông thôn hiện đại, nông dân văn minh có thể được coi là bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới.