Cục diện kinh tế thế giới hiện nay có những biến chuyển phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Do đó, cần nhận diện kinh tế Việt Nam trong cục diện kinh tế thế giới trong bối cảnh đối ngoại Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới mục tiêu 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế.

Tính chất phức tạp của nền kinh tế thế giới

Nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19 phục hồi không đồng đều; gánh nặng nợ công tiềm ẩn nguy cơ phá sản của nhiều nền kinh tế đang phát triển; gia tăng khoảng cách giữa nước phát triển và nước đang phát triển.v.v. Đặc biệt là nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng bởi sự đối đầu gay gắt giữa các nền kinh tế lớn. Hiện nay, chính quyền Mỹ đang định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu theo cách ngược lại với tinh thần của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Dự báo cục diện kinh tế thế giới sẽ tạo ra những thay đổi lớn, làm xáo trộn nền kinh tế toàn cầu. Các biện pháp áp đặt thuế quan hiện nay của chính quyền D. Trump đối với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Canada, Mexico… có nguy cơ “kích hoạt” một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trung Quốc và Canada đã tuyên bố áp đặt thuế quan v trả đũa Mỹ, kiểm soát xuất khẩu và chủ động với các lệnh trừng phạt riêng, kể cả các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

Bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp như trên đã tác động mạnh mẽ đến chính sách phát triển của Việt Nam. Việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở rất cao, đất nước hội nhập toàn diện, sâu rộng đặt ra những yêu cầu mới trong nhận thức, hoạch định, thực thi chính sách, hành vi ứng xử, uy tín, trách nhiệm của Việt Nam với các đối tác quốc tế.

Việt Nam chủ động trước cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Là quốc gia đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Việt Nam phải điều chỉnh lại cả về cấu trúc lẫn nguyên tắc vận hành, thích ứng với những biến đổi của khoa học - công nghệ; thu hút các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, để đi tắt, đón đầu, công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công, Việt Nam cần phải dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mục tiêu phát triển của Việt Nam “đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao[1]. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đầu tư cho khoa học - công nghệ đến năm 2025 dự kiến đạt 1,2 - 1,5% GDP, đến năm 2030 đạt 1,5 - 2% GDP[2]. Đồng thời tiếp tục “đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, đa dạng hóa đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến; gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ với hợp tác kinh tế quốc tế[3], thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hợp tác về kinh tế.

Định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, nền kinh tế Việt Nam sẽ là nền kinh tế số áp dụng các mô hình, hệ thống, công nghệ mới cùng với hàng loạt điều chỉnh khác về thể chế, chính sách, quy định pháp lý, nguồn nhân lực chất lượng cao,... phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Các cơ quan hành chính công và các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ) cần thích ứng nhanh chóng với quá trình chuyển đổi số hiện nay.

Vị trí “điểm chiến lược” của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay đang trở thành “xương sống” quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Đây là nơi hiện diện các nền kinh tế lớn và nền kinh tế công nghiệp mới, với những thị trường có tốc độ phát triển nhanh và sự hiện diện của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với quy mô lớn (như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực -RCEP, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - APEC, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTTP,...). Sự có mặt của các FTA thế hệ mới góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa khu vực. Nền kinh tế của Việt Nam đang vận động thuận chiều trong kinh tế khu vực. Việt Nam đang tham gia tích cực trong các FTA thế hệ mới và các cơ chế kinh tế quy mô hàng đầu thế giới (CPTPP, EVFTA, APEC, RCEP). Tính đến đầu tháng 1-2025, Việt Nam đã tham gia 20 FTA, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi

Bên cạnh đó, Cộng đồng ASEAN đang tạo nên bước ngoặt của tiến trình liên kết kinh tế khu vực mở rộng với các đối tác của ASEAN. Liên kết này trở thành công cụ quan trọng trong cạnh tranh chiến lược, đóng vai trò “trung tâm” của ASEAN trong cấu trúc kinh tế đang hình thành tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam giữa cân bằng giữa hội nhập kinh tế với đảm bảo độc lập, tự chủ. Ở góc độ kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục cấu trúc lại vai trò của Nhà nước và thị trường, chủ động ứng phó với các nguy cơ đe dọa đến an ninh phi truyền thống. Việt Nam đề cao ổn định, là đối tác năng động, nhất quán trong chính sách, có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Trước mắt, trong năm 2025, ổn định chính trị - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8%; thặng dư thương mại đạt 30 tỷ USD (cao hơn 24,8 tỷ USD so với 2024); tạo nền tảng tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2025 - 2030.

Có thể nhận thấy, cục diện kinh tế thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ, phức tạp, khó đoán định, phản ánh sâu sắc sự hợp tác, cạnh tranh và đối đầu giữa các chủ thể quyền lực thế giới; đồng thời cho thấy vai trò của địa-kinh tế đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam là nước đang phát triển, nằm ở khu vực phát triển năng động, là tâm điểm chuyển động địa chính trị và kinh tế toàn cầu; đồng thời là quốc gia đang vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần định vị đúng và tranh thủ vị trí của mình trong cục diện kinh tế thế giới để ổn định và phát triển.


[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 206

[2] Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ

[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 206