Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ Hà Nội (17/3/1930-17/3/2025), chúng tôi giới thiệu tấm gương đồng chí Trần Quý Kiên, một người con của Hà Nội, đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, trở thành người chiến sĩ cộng sản, hoạt động không mệt mỏi và có những đóng góp quan trọng trong phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám

Đồng chí Trần Quý Kiên (1911-1965), tên thật là Đinh Xuân Nhạ, sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Hà Nội. Quê gốc của đồng chí ở thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây ( nay là Hà Nội).

Đồng chí Trần Quý Kiên tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, tháng 5/1930, đồng chí Trần Quý Kiên đã được kết nạp vào Đảng và là một trong những lớp đảng viên đầu tiên của Đảng.

Ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du (Bí thư), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam.

Sau khi thành lập, Thành ủy Hà Nội quyết định thành lập Đội Tuyên truyền xung phong gồm các đồng chí: Lê Đình Tuyển, Đinh Xuân Nhạ (tức Trần Quý Kiên), Giang Đức Cường. Ngay sau khi thành lập, Đội Tuyên truyền xung phong đã bắt tay ngay vào việc tập trung xây dựng cơ sở Đảng và vận động quần chúng công nhân, nông dân và các giới trong thành phố Hà Nội[1], đồng chí Trần Quý Kiên viết: “Tôi được Đảng giao cho những việc như dán biểu ngữ, phát truyền đơn, treo cờ đỏ, tuyên truyền xung phong…”[2]. Đội Tuyên truyền xung phong chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội sau này.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-1930), Thành ủy Hà Nội tổ chức tuyên truyền xung phong tại trường Bách Nghệ ở phố Carreau (nay là phố Lý Thường Kiệt). Ngày 11/10/1930, đồng chí Đinh Xuân Nhạ trực tiếp phụ trách một tổ tuyên truyền xung phong mang, cờ biểu ngữ đến treo trước cổng trường. Đúng lúc học sinh tan học đổ ra rất đông, Đinh Xuân Nhạ đứng lên diễn thuyết và tung truyền đơn hô hào ủng hộ Xôviết Nghệ -Tĩnh. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam ở nhà tù Hỏa Lò.

Hình ảnh đồng chí Trần Quý Kiên trong hồ sơ của mật thám Pháp, năm 1936 (Ảnh tư liệu)

Sau phong trào Xôviết Nghệ -Tĩnh, trong những năm 1931-1934, thực dân Pháp tiến hành các cuộc "khủng bố trắng", các cơ sở cách mạng ở Hà Nội và các địa phương ở Bắc Kỳ bị tổn thất nặng nề. Thành ủy Hà Nội bị phá vỡ, phải lập lại nhiều lần. Chỉ từ tháng 6 đến tháng 12/1930, Thành ủy Hà Nội phải 3 lần thành lập lại. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ lần lượt bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò như: Nguyễn Ngọc Vũ, Lê Đình Tuyển, Đặng Xuân Khu, Đinh Xuân Nhạ, Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo...

Tháng 5/1936, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, chủ trương đại xá chính trị phạm ở các thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Trước áp lực từ chính quốc, chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương đã ân xá cho nhiều chính trị phạm.

Tháng 8/1936, đồng chí Đinh Xuân Nhạ[3] cùng với Đặng Xuân Khu và hàng chục tù chính trị khác được trả tự do[4]. Sau khi được trả tự do, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều chiến sĩ cộng sản trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động. Đồng chí Trần Quý Kiên viết: “Về đến nhà được mấy hôm tôi tìm ngay đến nhà báo Le Travail và liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện rồi đến đồng chí Hoàng Quốc Việt và Tô Hiệu… Cùng các đồng chí tổ chức lại Đảng và phân công hoạt động”[5].

Cuối năm 1936, các đồng chí Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Cừ, và Nguyễn Văn Minh hẹn nhau họp tại một địa điểm gần sân bay Gia Lâm nhằm trao đổi về việc củng cố và phát triển các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng, “để đi tìm và tập hợp các đồng chí mới ở tù ra và các đồng chí còn sót lại ở ngoài để xây dựng lại phong trào”[6]. Tại cuộc họp, các đồng chí bàn nhau “thành lập cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, lấy tên là Ủy ban sáng kiến”[7].

Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban sáng kiến, các cơ sở đảng được khôi phục và tổ chức ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương trọng yếu như Hà Nội, Hải Phòng, ở các trung tâm công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Quảng Ninh, Nam Định. Một số địa phương tiến tới thành lập các cơ quan lãnh đạo như huyện ủy, tỉnh ủy, thành ủy. Cùng với sự khôi phục của tổ chức đảng, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Bắc Kỳ cũng từng bước lên cao. Nhu cầu tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ trở nên bức thiết và có điều kiện thực hiện.

Tháng 3/1937, các đồng chí trong Ủy ban sáng kiến và đại biểu các tổ chức Đảng ở Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… tổ chức cuộc họp ở Hà Nội thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ[8], Xứ ủy lâm thời được bầu gồm các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Hạ Bá Cang, Trần Quý Kiên (tức Đinh Xuân Nhạ)[9]... Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ được thành lập đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lãnh đạo nhân dân các tỉnh, thành Bắc Kỳ đấu tranh cách mạng giành quyền tự do, dân chủ.

Nhận định Hà Nội, Hải Phòng là hai trung tâm lớn nhất ở Bắc Kỳ, phong trào cách mạng ở hai trung tâm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với phong trào toàn xứ, Hội nghị quyết định phân công đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ ủy trực tiếp phụ trách việc khôi phục tổ chức, tái lập Thành ủy Hà Nội; đồng chí Đinh Xuân Nhạ, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy trực tiếp phụ trách khôi phục tổ chức, tái lập Thành ủy Hải Phòng[10].

Tháng 3/1937, Thành ủy Hà Nội chính thức được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp làm Bí thư. Tham gia Thành ủy có các đồng chí: Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Mạnh Đạt (tức Lộc, Ái), Tạ Quang Sần, Nguyễn Trọng Cảnh (Trần Quốc Hoàn)[11]. Phạm vi hoạt động của Đảng bộ lúc này bao gồm cả Sơn Tây và Hà Đông. Thành uỷ Hà Nội được tái lập đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết của các cơ sở Đảng và quần chúng nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngay sau khi lập lại, Thành ủy Hà Nội khẩn trương bắt tay vào xây dựng và phát triển cơ sở đảng; vận động quần chúng tích cực triển khai, chắp mối bắt liên lạc với những đảng viên đang hoạt động ở Hà Nội; cử thêm cán bộ, đảng viên tăng cường vào các xí nghiệp, nhà máy, các ngành nghề và về các vùng nông thôn ngoại thành; đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới.

Năm 1938, cơ quan lãnh đạo Thành ủy Hà Nội được kiện toàn, đồng chí Đinh Xuân Nhạ làm Bí thư Thành ủy[12]; Thành ủy Hà Nội được bổ sung thêm 2 đảng viên đang hoạt động trong phong trào công nhân là Nguyễn Văn Trân và Văn Tiến Dũng[13].

Hình ảnh đồng chí Trần Quý Kiên trong hồ sơ của mật thám Pháp, năm 1940 (Ảnh tư liệu)

Sau khi Chính phủ Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, giới cầm quyền ở chính quốc và thuộc địa nới lỏng cho nhân dân Đông Dương một số quyền tự do, dân chủ, nên đây là lúc hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương nói chung và Xứ ủy Bắc Kỳ nói riêng, có phần thuận lợi hơn so với thời kỳ trước, do đó cơ sở Đảng đã được chắp nối, khôi phục, tái lập và phát triển rộng thêm.

Ở Sơn Tây, tổ cộng sản Đa Phúc (Quốc Oai) sau khi liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ được chuyển thành chi bộ dự bị do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư. Sau một thời gian theo dõi, nắm tình hình, năm 1938, đồng chí Đinh Xuân Nhạ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp về Đa Phúc công nhận chi bộ dự bị Đa Phúc là một chi bộ chính thức. Đồng chí Đinh Xuân Nhạ giao nhiệm vụ cho chi bộ Đa Phúc phải lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Sơn Tây, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội[14].

Trong thời gian này, ở phía Bắc tỉnh Hà Đông, Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ cốt cán cho hai vùng Nam và Bắc Hoài Đức. Đồng chí Hoàng Lương Hữu, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ là người trực tiếp bồi dưỡng, lựa chọn quần chúng tích cực để xây dựng chi bộ Đảng. Trên cơ sở đó, ngày 15/5/1938, đồng chí Đinh Xuân Nhạ thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ về La Cả tổ chức kết nạp 3 quần chúng vào Đảng là: Dương Nhật Đại (La Cả), Nguyễn Quý Bình (Đại Mỗ), Ngô Văn Phát (Thượng Cát) và thành lập chi bộ ghép do đồng chí Dương Nhật Đại làm Bí thư. Chi bộ được Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ cho chi bộ lãnh đạo phong trào toàn tỉnh, đồng thời lập Ban vận động chuẩn bị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Đông[15]. Đến cuối năm 1938, Đảng bộ tỉnh Hà Đông được thành lập. Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí, do đồng chí Dương Nhật Đại làm Bí thư.

Từ năm 1939, đồng chí Đinh Xuân Nhạ theo sự phân công của Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng và phát triển phong trào ở Phú Thọ, Bắc Giang, sau đó đồng chí bị bắt tù đày tại Sơn La từ năm 1940 đến năm 1945. Tháng 4/1945, đồng chí thoát khỏi nhà tù Sơn La, tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở Chiến khu Quang Trung, góp phần làm lên thắng lợi cách mạng tháng Tám tại chiến khu Quang Trung.

Đồng chí Trần Quý Kiên là một trong những lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, đồng chí từ sớm đã tham gia phong trào cách mạng ở Hà Nội và trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tuy thời gian làm Bí thư Thành ủy không dài (từ cuối năm 1938 đến năm 1939) nhưng đồng chí đã có nhiều cống hiến trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển phong trào cách mạng của thành phố, qua đó, góp phần khôi phục và phát triển phong trào cách mạng thành phố Hà Nội vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.


[1] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004, tr.47

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.57

[3] Tháng 3/1930, đồng chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Lan thực hiện nhiệm vụ tái lập Thành ủy Hà Nội, giữa năm 1930, nhiều đồng chí lãnh đạo thành ủy đảng viên, quần chúng trung kiên bị bắt bớ, trong đó có đồng chí Trần Quý Kiên, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Ngọc Vũ...

[4] Phạm Hồng Chương (chủ biên): Trường Chinh tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2007.

[5] Lý lịch viết tay của đồng chí Trần Quý Kiên tại Ban Tổ chức Trung ương ngày 15/8/1952, tr.6.

[6] Lê Thanh Nghị: Trọn một cuộc đời (hồi ký), Nxb. Sự Thật, 1989, tr.102-103.

[7] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb, Hà Nội, 2004, tr.62.

[8] - Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam: Lương Khánh Thiện tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 92: tháng 3/1937, thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ;

- Theo cuốn Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr, tr 273, tháng 3-1937, thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Tú Hưu được bầu làm Bí thư Xứ ủy;

- Trần Trọng Thơ: Xây dựng cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương Xứ ủy của Đảng thời kỳ 1930-1945, Nxb. Chính trị quốc gia, 2014: tháng 3/2017, thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc kỳ đồng chí Nguyễn Văn Minh được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời.

[9] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 142.

[10] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam: Lương Khánh Thiện tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 92

[11] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 142.

[12] Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945): đồng chí Trần Quý Kiên làm Bí thư Thành ủy Hà Nội từ cuối năm 1938 đến 9/1939.

[13] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 160-161.

[14] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), Sđd, tr. 162.

[15] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), Sđd, tr. 171.